Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh với Thủ tướng và đoàn tại buổi làm việc, với việc triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển đồng bộ, năm 2021 tỉnh đã cơ bản đạt được mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 2,6%, GRDP đầu người đạt 152 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp-thương mại, dịch vụ đạt trên 89,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 233.589 tỷ đồng, tăng 3,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 58 tỷ USD, tăng 17,8%; duy trì thặng dư thương mại 7 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,7 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước đạt 87.500 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2020).
Trong quý I/2022, các chỉ số về kinh tế tiếp tục khả quan, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,18%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,6% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 16,l tỷ USD (trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,7 tỷ USD, tăng 17,3%; kim ngạch nhập khẩu đạt 6,4 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ), thặng dư thương mại đạt hơn 3,2 tỷ USD; thu ngân sách ước đạt 16.500 tỷ đồng, đạt 28% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 1,9 tỷ USD (tăng 310% so với cùng kỳ) và 36.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng 16,9% so với cùng kỳ).
Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã cơ bản chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch, đang khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo đầu kỳ trong tháng 5/2022 và thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh trong tháng 10/2022. Trong tháng 3/2022, Ban chỉ đạo tỉnh nghe và cho ý kiến định hướng Phương án phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 và quy hoạch phát triển chung đô thị, quy hoạch vùng cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng phương án tạo nguồn thu từ quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và Đề án di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp bên ngoài khu công nghiệp ở phía nam vào các khu công nghiệp. Tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, Mỹ Phước-Tân Vạn, mở rộng Quốc lộ 13 và các nút giao; thành lập các Tổ công tác chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm do các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Tổ trưởng để tập trung triển khai quyết liệt dự án.
Về lĩnh vực văn hóa-xã hội, trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết một lòng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn và làm tất cả những gì có thể để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ và chăm lo đời sống, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh đã có những chính sách đặc thù cho lực lượng chống dịch, cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... Đến nay, tỉnh đã chi 3.860 tỷ đồng từ ngân sách cho 4,3 triệu lượt người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.
Trong quý I/2022, tỉnh đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ chăm lo Tết cho người có công, đối tượng chính sách, xã hội, công nhân khó khăn, hộ nghèo, đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí gần 1.100 tỷ đồng. Tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm thông thường; tổ chức, sắp xếp lại hoạt động khu cách ly, điều trị Covid-19; kịp thời tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng theo quy định; nâng cao hiệu quả hoạt động và chế độ chính sách cho nhân viên y tế cơ sở thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, gắn với xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện nghị quyết.
Bước sang năm 2022, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trọng tâm, là lãnh đạo tổ chức quán triệt học tập, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các kết luận, quy định của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Tiếp tục củng cố, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ đối với một số đơn vị trong hệ thống chính trị; triển khai các bước xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ mới; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục chỉ đạo xử lý các vụ việc tồn đọng theo chỉ đạo của Trung ương.
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động phòng, chống dịch, nhất là củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng y tế cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế; thực hiện có hiệu quả chiến dịch tiêm phủ vaccine mũi 3 cho người dân, kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi và điều trị, quản lý tại nhà đối với người nhiễm Covid-19.
Về phát triển kinh tế-xã hội, quyết liệt thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tập trung triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên; hoàn thành quy hoạch tỉnh và các qui hoạch cấp huyện, xã trong năm 2022 một cách đồng bộ.
Thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính năm 2022; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện và nâng cấp bộ phận 1 cửa cấp xã theo hướng thuận lợi và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và một số địa phương đủ điều kiện. Triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ cho chuyển đổi số của tỉnh…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận, đánh giá cao sự phát triển của Bình Dương và góp ý chân thành, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng nhằm mong muốn giúp Bình Dương phát triển toàn diện và nhanh hơn nữa.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cùng cả nước, tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành tựu về kinh tế-xã hội, nhất là các chỉ số tăng trưởng trong năm 2021 như chỉ số công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư; nông nghiệp có bước phát triển; công tác an sinh xã hội thực hiện hiệu quả; công tác phục hồi nhanh sau Covid-19...
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế bất cập tại Bình Dương, như hạ tầng giao thông mặc dù cố gắng nhưng so với yêu cầu phát triển, kết nối vùng, phát triển nội tại chưa đạt yêu cầu. Phát triển hạ tầng hạ tầng xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó việc huy động nguồn lực ngoài nhà nước tuy tốt nhưng chưa mạnh so với điều kiện; công tác lập quy hoạch cần có tư duy đột phá về tầm nhìn, chiến lược; việc giải ngân đầu tư công còn chậm nên cần đẩy nhanh hơn nữa; chỉ số PAPI xếp thứ hạng thấp cần cải thiện.
Thủ tướng cho rằng, qua triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh, Bình Dương cần rút ra bài học, tiếp tục giữ gìn sự đoàn kết, năng động sáng tạo hơn, nỗ lực phát huy hết tiềm năng. Tỉnh cần tăng cường phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành một cách chặt chẽ và có hiệu quả. Tiếp tục huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phối hợp hiệu quả hơn nữa, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.
Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian tới sẽ có những khó khăn và thách thức rất khó dự báo, tỉnh cần kiểm soát chặt tình hình, phát huy kinh nghiệm và chuẩn bị tâm thế, luôn luôn có kịch bản ứng phó với tình huống có thể xảy ra. Tỉnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Bình Dương với khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Quyết liệt đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ tương xứng với thực tế địa phương, lấy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo làm động lực, chú trọng phát triển hạ tầng số.
Nhấn mạnh tinh thần chung là phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững và không để ai ở lại phía sau, Thủ tướng cho rằng tỉnh Bình Dương cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp hướng đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư không bằng mọi giá; quy hoạch có tư duy đột phá, có tầm nhìn chiến lược, dài hơi, ổn định lâu dài; cần đầu tư có trọng tâm trọng điểm; xây dựng công nghiệp số mạnh hơn; quan tâm, giải quyết đến lợi của người lao động; nâng cao chất lượng người lao động và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; bảo đảm an ninh, an toàn, an dân để ổn định và phát triển, không để bất ngờ xảy ra.
Đối với những vấn đề tỉnh Bình Dương kiến nghị về hạ tầng giao thông; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải tỏa triển khai dự án các tuyến vành đai; triển khai thực hiện dự án đường Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành (theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Phước và một số Bộ, ngành); chủ trương đầu tư Đường sắt đô thị; đề xuất chủ trương đầu tư trước tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), đến cảng Thị Vải-Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trong giai đoạn 2022-2025… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh và giao các Bộ, ngành tiếp thu, bổ sung xem xét và có lộ trình giải quyết.