Tiềm năng sẵn có như: tài nguyên rừng và đất rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc đã tạo cho Ðiện Biên sức hút riêng. Ðặc biệt, quần thể di tích cấp quốc gia chiến trường Ðiện Biên Phủ là một lợi thế khác biệt để Ðiện Biên phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cửa khẩu quốc tế Tây Trang với khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư cùng một số cửa khẩu khác với Lào, lối mở A Pa Chải kết nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), lại có đường xuyên Á dự kiến đi qua địa bàn, sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế, du lịch và dịch vụ.
Ðể biến tiềm năng thành động lực, biến thách thức thành lợi thế phát triển, ngay khi bắt tay thực hiện các mục tiêu nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên đã tập trung lãnh đạo xây dựng, ban hành 11 Nghị quyết cụ thể hóa chương trình hành động. Trong đó, có các nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư phát triển nông-lâm nghiệp, du lịch, phát triển hạ tầng giao thông kết nối từng bước tháo gỡ "điểm nghẽn" giao thông đưa Ðiện Biên trở thành trung tâm thu hút đầu tư của vùng Tây Bắc.
Ðồng chí Lê Thành Ðô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên cho biết: Dù có lợi thế diện tích tự nhiên rộng; đất rừng và đất chưa có rừng còn lớn thuận lợi cho phát triển sản xuất, chế biến nông-lâm nghiệp nhưng vì cách Thủ đô Hà Nội và các khu công nghiệp hơn 500km, vì thế Ðiện Biên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Về du lịch, Ðiện Biên có thế mạnh về du lịch lịch sử là quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ và du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc thiểu số… nhưng các thế mạnh ấy chưa đủ sức hút du khách do địa lý, giao thông gập ghềnh, nhiều đèo dốc. Rõ ràng, rào cản với Ðiện Biên chính là "điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí của nhà đầu tư, du khách. Tháo "điểm nghẽn" này thì không cách nào khác là đầu tư mở rộng sân bay Ðiện Biên Phủ và đầu tư tuyến đường bộ cao tốc nối từ Sơn La-Ðiện Biên; chỉ có như thế mới rút ngắn thời gian di chuyển, tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Rào cản với Ðiện Biên chính là "điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí của nhà đầu tư, du khách. Tháo "điểm nghẽn" này thì không cách nào khác là đầu tư mở rộng sân bay Ðiện Biên Phủ và đầu tư tuyến đường bộ cao tốc nối từ Sơn La-Ðiện Biên; chỉ có như thế mới rút ngắn thời gian di chuyển, tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Ðồng chí Lê Thành Ðô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên
Từ định hướng này, trong năm 2020 và 2021 Ðiện Biên ưu tiên tối đa nguồn lực (hơn 1.500 tỷ đồng) triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng di chuyển hơn 1.000 hộ dân để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên. Cùng với đó, Ðiện Biên đã tranh thủ sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, Cục Ðường bộ Việt Nam để đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch như: Quốc lộ 12, quốc lộ 279B, quốc lộ 6, quốc lộ 4H, tạo thuận lợi cho giao thông kết nối Ðiện Biên với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế lân cận cũng như giao thương với các tỉnh bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); hình thành các khu vực kinh tế động lực, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Bằng vào giải pháp đột phá, quyết tâm chính trị cao nhất và sự chung sức, đồng lòng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, từ năm 2020 đến nay, Ðiện Biên đã từng bước chuyển mình, đạt nhiều kết quả nổi bật về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư; các mặt văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.
Ðồng chí Lê Thành Ðô cho biết: Sự phát triển của Ðiện Biên là sự tăng tiến theo nhịp tăng năm sau cao hơn năm trước cho dù hoàn cảnh và khó khăn liên tục xoay chuyển, bất ngờ. Thí dụ như năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14; năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, và cũng là năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mọi mặt đời sống, sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp, vậy nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức Ðảng, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân theo phương châm "vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội", bức tranh kinh tế-xã hội của Ðiện Biên vẫn có nhiều "gam màu sáng".
Sự phát triển của Ðiện Biên là sự tăng tiến theo nhịp tăng năm sau cao hơn năm trước cho dù hoàn cảnh và khó khăn liên tục xoay chuyển, bất ngờ.
Ðồng chí Lê Thành Ðô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 6,02% (cao hơn so với năm 2020 là 2,19% và cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước hơn 3%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 117,83% dự toán giao; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ đã thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư, ký kết, thỏa thuận nghiên cứu, như: VinGroup, SunGroup, Flamingo…; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng với con số tỷ lệ nghèo toàn tỉnh giảm 3,21%, các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ) giảm 4,5%. Ðặc biệt 2021 cũng là năm Ðiện Biên có số hộ nghèo được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở nhiều nhất (1.027 nhà).
Kế thừa kinh nghiệm lãnh đạo, ứng phó khó khăn đột xuất, bất ngờ, ngay đầu năm 2022, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên đã chủ động xây dựng kịch bản phát triển kinh tế theo tinh thần linh hoạt, sáng tạo và kiên định mục tiêu phát triển. Do vậy, những tháng đầu năm 2022 dù vẫn chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, thiên tai bão lũ, nhưng kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư của Ðiện Biên đã bước vào giai đoạn hồi phục; các chương trình, dự án lớn như: Ðầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên, chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Sơn La-Ðiện Biên-Cửa khẩu quốc tế Tây Trang giai đoạn 1; chương trình "Mái ấm nghĩa tình-an sinh xã hội" kêu gọi nguồn lực làm nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách… đều được đẩy nhanh tiến độ, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và các bộ, ngành Trung ương.
Cùng với việc có thêm 3 nhà máy thủy điện hoàn thành được đưa vào khai thác, vận hành; Lễ hội Hoa Ban, Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ III được tổ chức thành công đã góp phần quan trọng thu hút du khách, các nhà đầu tư lớn trong nước về tham quan, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút xúc tiến đầu tư tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; tổng số vốn đầu tư đăng ký tăng 24% so với năm 2021. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án thuộc các lĩnh vực thủy điện, thương mại dịch vụ, nông-lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng.
Kinh tế năm 2022 của Ðiện Biên tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu đạt khá so với kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10,19% đưa Ðiện Biên xếp thứ 2 trong số 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía bắc và xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,68 triệu đồng/người/năm; các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân được triển khai thực hiện hiệu quả, từ đó giảm 4,32% số hộ nghèo trong toàn tỉnh, riêng các huyện nghèo 30a giảm 6,04% so với năm 2021.
Kinh tế năm 2022 của Ðiện Biên tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu đạt khá so với kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10,19% đưa Ðiện Biên xếp thứ 2 trong số 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía bắc và xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố.
Ðồng chí Lê Thành Ðô đặc biệt nhấn mạnh phương châm "Ðoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, bứt phá phát triển" mà tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh luôn coi đó là kim chỉ nam cho mọi hành động, chỉ đạo. Bởi vậy, năm 2023 và các năm tiếp theo trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ðiện Biên tiếp tục phát huy kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; kế thừa truyền thống đoàn kết, thống nhất nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng Ðiện Biên thành tỉnh phát triển trong khu vực Tây Bắc.