Những quy định thiết thực trong Nghị quyết 68 với người lao động

Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68/NQ-CP) được nhận định là có thiết kế chính sách đơn giản, thân thiện khi giảm hai phần ba số thủ tục hành chính, giúp các đối tượng dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn.

Chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Các bước giải quyết đã được tinh giản để bảo đảm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, với thời gian xử lý từ hai đến bảy ngày làm việc tùy từng bước. Nghị quyết 68 đã quy định một số chính sách nổi bật hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó bao gồm điều chỉnh một số mức đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, với chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động (NSDLĐ) được giảm mức đóng xuống 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng áp dụng chế độ này. Toàn bộ số tiền được giảm sẽ được hỗ trợ cho NLĐ phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, NSDLĐ và NLĐ cũng được hưởng chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Đây là chính sách hỗ trợ kế thừa từ Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP. Cụ thể, NSDLĐ đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 thì NLĐ và NSDLĐ được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất sáu tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Cần lưu ý, tổng thời gian tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 154/NQ-CP không được quá 12 tháng.

Ngoài ra, trong chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, NSDLĐ sẽ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay trong thời hạn không quá 12 tháng với mức trả lương tối đa là ba tháng lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Để được hỗ trợ vay vốn, doanh nghiệp cần chuẩn bị những tài liệu bao gồm: giấy đề nghị vay vốn, danh sách NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội, giấy tờ thành lập, phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh…

Về điều kiện cho vay, đối với trường hợp cho vay trả lương ngừng việc, doanh nghiệp phải có NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên do dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022, và không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Đối với trường hợp cho vay trả lương phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện chủ yếu: có NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn, có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn...

Ngoài ra, Nghị quyết 68 còn quy định một số hình thức hỗ trợ khác như hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động cũng như hỗ trợ một số nhóm đối tượng khác như trẻ em, người phải điều trị Covid-19, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ, hộ kinh doanh.

Đối với những chính sách còn lại, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp chức năng kê khai hồ sơ điện tử trên phần mềm eBH cho doanh nghiệp thực hiện một số chính sách như tạm ngừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ NLĐ ngừng việc… Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://ncovi.dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-ncovid-danh-sach-dich-vu-cong.html. Dữ liệu sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đến nay, đã có tám dịch vụ công được tích hợp, chủ yếu là các chính sách được quy định trong Nghị quyết 68, bao gồm: Hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ NLĐ ngừng việc; Hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất...

Nghị quyết 68 là văn bản mới được ban hành với các chính sách đang được cơ quan nhà nước quản lý liên tục cập nhật phương thức xử lý để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý các quy định của Nghị quyết 68, các văn bản hướng dẫn cũng như hướng dẫn của cơ quan địa phương để kịp thời thực hiện.

Bên cạnh đó, từ ngày 22/7/2021, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã công bố và vận hành đường dây nóng trực tuyến hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68. Doanh nghiệp, người dân có vướng mắc cấp thiết và các vấn đề phát sinh trong quá trình tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ có thể gửi phản ánh, kiến nghị để được hỗ trợ giải đáp, hướng dẫn.