Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng trẻ như suy tim, rối loạn nhịp tim.... Đặc biệt thấp tim thường gây các tổn thương ở tim, để lại di chứng hẹp hở các van tim, rối loạn huyết động làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Tỷ lệ mắc bệnh thấp tim ở Việt Nam là khoảng 3/1000 trẻ. Trong các đợt thấp tim tiến triển và tái phát cấp tính, hầu hết người bệnh phải vào viện điều trị. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) trong ba năm qua phải tiếp nhận 1.676 bệnh nhân tuổi 6-15, trong đó có 192 bệnh nhân tim mạch, 153 bệnh nhân thấp tim. Bệnh nhân nữ nhiều hơn bệnh nhân nam, khoảng 53%.
Bệnh nhân vào viện tập trung vào các tháng 6,7,8,10,11,12. Thể viêm tim chiếm tỉ lệ cao, trên 62% là viêm tim nhẹ. Thể viêm tim nặng có tổn thương van tim tuy chỉ chiếm trên 21%, nhưng rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tiếp đến là thể viêm đa khớp đơn thuần và thể múa giật. Khi điện tim, hầu hết bệnh nhân đều có biểu hiện rối loạn dẫn truyền và rối loạn nhịp tim. Nhiều bệnh nhân đã bị hở-hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ. Có những bệnh nhi bị hở hẹp 2-3 loại van tim. Số bệnh nhi bị suy tim do rối loạn huyết động cũng chiếm số đông đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người bệnh. Đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong cho bệnh nhân. Vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh thấp tim luôn là vấn đề quan trọng, bởi khi điều trị đúng phác đồ ngay từ đợt thấp tim đầu tiên thì hầu hết bệnh nhân diễn biến tốt, rất hiếm tử vong. Bệnh dần chuyển sang thời kỳ ổn định, cần được củng cố bằng quản lý, theo dõi để phòng tái phát.
Thấp tim là bệnh có nhiều nguy cơ tái phát và dễ có những rối loạn huyết động, dẫn tới rối loạn nhịp tim, suy tim gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh hoạt và lao động, thậm chí dẫn tới tàn phế cho trẻ. Vì vậy để hạn chế tình trạng này, từ năm 1999 Bệnh viện Thanh Nhàn đã thực hiện việc tiêm phòng. Trước khi tiêm phòng thấp cấp 2, người bệnh được khám, điện tim, X.quang tim, siêu âm kỹ. Sau đó bệnh nhân được tiêm mông với liều benzathin penicilin 1,2 triệu đơn vị, 4 tuần/lần. Với trẻ dưới 30 kg, dùng 600.000 đơn vị/lần. Kết quả rất tốt, hầu hết các triệu chứng nhiễm liên cầu khuẩn ở họng - amidan giảm rõ rệt. Nhiều trẻ sau tiêm phòng 1-3 năm đã hết múa giật hoàn toàn. Một số bệnh nhi bị viêm đa khớp sau tiêm phòng không còn triệu chứng lâm sàng. Riêng những trẻ bị viêm tim nặng, có tổn thương van tim sau khi tiêm phòng 1-2 năm được kiểm tra lại bằng siêu âm thì thấy không còn hở van tim. Phần lớn bệnh nhân đã tiêm phòng thì tỷ lệ tái phát rất thấp, biến chứng ít và nhẹ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tô Văn Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, cần lưu ý một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sau khi tiêm phòng đó là tắc mạch, sốc phản vệ, có thể gây tử vong. Do vậy gia đình người bệnh không được tự mua thuốc về tiêm, phải dùng thuốc theo chỉ dẫn, giám sát của bác sĩ.