Ðọc sách

Bầu trời và mặt đất

NDO - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt  cuốn sách Bầu trời và mặt đất của Minh Sơn, tập hợp những bài báo về trận đánh hay, người đánh giỏi của  dân quân du kích, tự vệ, bộ đội pháo cao xạ, tên lửa, không quân, ra-đa... thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với 200 trang, cuốn sách bao gồm 16 bài nêu lên những điển hình tiêu biểu về những trận thắng lần lượt từ kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến trận chiến đấu quyết liệt 12 ngày đêm cuối năm 1972 đánh B52 trên bầu trời Hà Nội, làm nên kỳ tích "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không".

Vốn là chiến sĩ pháo cao xạ gần mười năm thuộc lực lượng phòng không- không quân, sau là nhà báo, về hưu từ năm 2007, nay tuổi bảy mươi, Minh Sơn lại đi làm phóng viên, phỏng vấn nhân vật như thời còn trai trẻ. Nhà báo già tìm về một xóm nhỏ ở tỉnh Hà Nam gặp ông Vũ Văn Tuyền, người đã dùng ba viên đạn súng trường hạ gục một máy bay khu trục của Pháp. Ông tìm gặp Ðại tá Trần Quốc Chân, nguyên Trung đội trưởng pháo cao xạ Trung đoàn 367 tại mặt trận Ðiện Biên Phủ  để có tài liệu viết về trận đánh đầu tiên của chiến sĩ pháo cao xạ. Rồi gặp Anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc, nguyên phi công tiêm kích máy bay MIG-21 đã trực tiếp bắn rơi chín chiếc máy bay Mỹ và vinh dự được Bác Hồ tặng chín huy hiệu của Người. Tác giả tìm thăm Ðại tá Nguyễn Thanh Tân, nguyên Binh nhất, chiến sĩ trắc thủ góc tà, Ðại đội 2, Tiểu đoàn 61, Trung đoàn tên lửa 236 Anh hùng, kể lại kỳ tích của tiểu đoàn nói trên: chỉ bằng một quả đạn tên lửa mà thiêu cháy hai máy bay Mỹ...

Bên cạnh những trang viết về trận đánh thắng không đối không, đất đối đất, tác giả Minh Sơn còn có những bài viết chân thực và sinh động về các chiến sĩ dẫn đường trên không, về những mưu mẹo nghi binh chống lại hiệu quả các phương tiện chiến tranh hiện đại của không quân Mỹ. Các ghi chép có độ tin cậy cao về tính chân thực lịch sử; thể hiện một cách tự nhiên, vì thế rất sinh động về hình ảnh cao đẹp, thông minh, dũng cảm và giàu chất lý tưởng của Anh Bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Có những ký sự mà chất liệu và ý tưởng mang tầm vóc của tiểu thuyết.

Mặc dù đã gặp gỡ rất nhiều, viết rất nhiều, nhưng tác giả vẫn chưa thỏa mãn vì bao điều kỳ diệu trong chiến tranh chưa thể lý giải hết. Thí dụ cách làm "công sự" cho xe ô-tô bằng cây nứa tép: "Cho đến nay, năm tháng và thời gian cứ qua đi, có mấy điều đeo đẳng mãi... Không biết ai đã phát minh ra những bó cây nứa tép (có nơi gọi là cây sặt, hoặc cây dóc) bọc ở chung quanh và trên nóc xe chỉ huy và xe khí tài của tên lửa chúng tôi. Nhiều trận đánh ngồi trong xe chỉ huy, tôi thấy bom phá, bom bi nổ, rồi những loạt tiếng rào rào trên nóc xe. Sau trận đánh ra xem lại nóc xe và những cây nứa tép thì thấy rất nhiều mảnh bom, rồi bom bi cắm vào các cây nứa tép bọc quanh xe. Phải nói những cây nứa tép này đã cứu cho nhiều máy móc, thiết bị và bản thân chúng tôi ngồi trong đó. Không biết ai nghĩ ra cách làm này để ta khen thưởng và vinh danh họ? Tôi hỏi nhiều người mà chưa ai tìm ra." (trang 134).

Còn đây là cảnh sau trận không chiến trên vùng trời Tây Bắc, phi đội của Ðại tá Anh hùng Nguyễn Nhật Chiêu bay về sân bay tập kết. Ông kể: "Phi đội về tới sân bay Nội Bài, tình huống vô cùng phức tạp. Trên trời cả hai phía máy bay Việt Nam và máy bay Mỹ dày đặc. Trên cao thì hỏa lực phòng không bắn đỏ trời, MIG-21 sau trận dầu cạn đã hết. Máy bay địch F4, F105 và MIG-21 bay trong đội hình vòng 3 ở Tam Ðảo, bay gần nhau nhìn rõ số hiệu trên thân máy bay địch. Thế mà không bên nào tiến công bên nào nữa. Một trong những chuyện lạ mà có thật trong trận không chiến 23-8-1967". (trang 170).

Chi tiết thứ nhất vẽ nên một phần hình ảnh của chiến tranh nhân dân, chi tiết thứ hai vẽ nên một phần không khí của chiến tranh hiện đại. Cảnh tượng sau khiến độc giả liên tưởng đến một trường đoạn phim tài liệu có tính nghệ thuật.

Bầu trời và mặt đất, một cuốn sách chuyên viết về phòng không- không quân ra đời vào dịp 5-8 càng có thêm ý nghĩa.