Bất cập trong việc quy hoạch các cửa hàng xăng dầu (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Cùng doanh nghiệp tháo gỡ -

Trước những bất cập trong việc quy hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định về sửa đổi một số nghị định liên quan điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương. Trong đó, bãi bỏ một số điều, khoản về quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu; điều kiện địa điểm phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Phần lớn các cửa hàng xăng dầu đều nằm ở khu đông dân cư, tiềm ẩn nguy cơ khó lường.
Phần lớn các cửa hàng xăng dầu đều nằm ở khu đông dân cư, tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp (DN), vẫn còn một số thủ tục cần tiếp tục hoàn thiện để thật sự tạo điều kiện thuận lợi giúp DN phát triển.

Chục năm mới mở được một cửa hàng

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 08, trong đó bãi bỏ một số thủ tục liên quan việc “phù hợp với quy hoạch” trong lĩnh vực xăng dầu đã tác động ít nhiều đến thương nhân đầu mối (có quyền xuất, nhập khẩu) và thương nhân bán lẻ. Với quy định mới này, các DN không còn phải đi xin giấy phép phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống (kho cảng xăng dầu đầu mối, kho xăng dầu dự trữ chiến lược và dự trữ lưu thông), phù hợp với quy hoạch mạng lưới bán lẻ xăng dầu tại địa phương,… như Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định. Tuy nhiên, trong “rừng” điều kiện kinh doanh xăng dầu như hiện nay, việc bỏ vài điều kiện không cần thiết, bất hợp lý như trên thì vẫn còn hàng chục điều kiện khác buộc DN phải tuân thủ, chủ yếu nằm ở cấp địa phương. Nó khiến cho việc mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu, vẫn hết sức khó khăn và DN phải cần mẫn “vượt ải” các quy định.

Chẳng hạn, tại Điều 24 của Nghị định 83 quy định cửa hàng xăng dầu (CHXD) có đủ các điều kiện sau đây mới được Sở Công thương cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu: địa điểm phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (điều kiện này hiện đã được bãi bỏ); cửa hàng phải thuộc sở hữu, đồng sở hữu của thương nhân; cửa hàng phải được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị đúng các quy định hiện hành về tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ xăng dầu, an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng. Cán bộ quản lý, nhân viên được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo về các nghiệp vụ PCCC, bảo vệ môi trường... Nếu hồ sơ đủ thì việc cấp phép tại Sở Công thương ở các địa phương sẽ diễn ra sau 20 đến 30 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này không dễ dàng như vậy.

Đề cập tới vấn đề nêu trên, Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật (Xí nghiệp Bán lẻ Xăng dầu Hà Nội) Lê Đắc Hưởng cho biết, để mở mới một CHXD, DN phải trải qua hàng loạt các thủ tục, quy trình như vị trí dự kiến đặt phải nằm trong quy hoạch chung và được TP Hà Nội chấp thuận. Khi tìm được quỹ đất, muốn xây dựng CHXD, DN phải làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, trong đó, Sở Công thương được thành phố giao làm đầu mối, chủ trì với các sở, ngành khác như Cảnh sát PCCC, Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng, Giao thông vận tải,… cùng đến kiểm tra, lập biên bản đối với vị trí đó. Tiếp đến, từng sở, ngành sẽ về thẩm định, kiểm tra lại theo đúng chức năng việc bảo đảm an toàn, có phù hợp với quy hoạch của thành phố, quận, huyện hay không. Nếu được đồng ý, sau đó DN mới thực hiện các bước tiếp theo như xin chấp thuận địa điểm của Cảnh sát PCCC, xin giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng. Khi xây dựng xong phải có thẩm duyệt, nghiệm thu của cơ quan PCCC, trước khi bán hàng, phải xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh của Sở Công thương,… Do đó, để mở một CHXD, DN phải tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Xí nghiệp Bán lẻ Xăng dầu Hà Nội Đỗ Hoàng Hà cho biết thêm, mặc dù có giảm về thủ tục hành chính (bỏ địa điểm phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới bán lẻ xăng dầu tại địa phương) nhưng DN vẫn phải trải qua rất nhiều thủ tục liên quan nếu muốn mở một CHXD mới. Trong thời gian vừa qua, thủ tục thuê đất của Nhà nước rất khó khăn, cùng với các điều kiện khác khiến DN phải mất hơn chục năm mới có thể khai trương cửa hàng mới. Cũng theo ông Hà, ngoài việc đầu tư, mở cửa hàng mới, DN cũng phải đầu tư, nâng cấp để duy trì các cửa hàng hiện có nhằm bảo đảm PCCC, VSMT và hiệu quả kinh doanh của DN.

Lãnh đạo một DN xăng dầu trên địa bàn Hà Nội cho biết, để có một CHXD mới, DN phải có hàng chục loại giấy tờ dưới dạng chấp thuận, chứng nhận, xác nhận. Đơn cử, phải có văn bản chấp thuận địa điểm của UBND xã, huyện cấp; giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC do Cảnh sát PCCC cấp; xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường do UBND quận, huyện cấp và nhiều thủ tục chuyên ngành khác. Đó là một trong nhiều lý do vì sao DN phải mất vài năm mới mở được một CHXD. Riêng đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì thời gian còn kéo dài hơn rất nhiều hoặc muốn mở CHXD, DN phải xác định tiến dần ra ngoại thành và các khu vực mới phát triển.

Tạo bệ đỡ để DN phát triển

Trước những khó khăn trong việc mở mới CHXD, để đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ xăng dầu đòi hỏi các DN phải triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới. Đề cập tới vấn đề nêu trên, Tổng Giám đốc Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) Cao Hoài Dương cho biết, dù “quy hoạch” có được bỏ hay không thì chủ yếu PV Oil vẫn tiến hành mua bán, sáp nhập (M&A) các điểm bán lẻ thay vì mở mới phải qua rất nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, tiền bạc. Cả nước hiện có 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu với hơn 14 nghìn cây xăng. Mục tiêu của PV Oil trong 5 năm tới sẽ M&A cộng với mở mới để đạt được hơn 1.000 cây xăng (200 cây xăng/năm) nhằm đẩy mạnh phát triển thị phần bán lẻ.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Nguyễn Quang Dũng, việc bãi bỏ một số điều, khoản của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN chủ động hơn trong việc phát triển hệ thống bán lẻ, giảm các thủ tục hành chính, hoạt động kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Petrolimex trong năm nay là tập trung đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ bao gồm mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Việc xóa bỏ điều kiện quy hoạch cũng có một phần tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Tuy nhiên, điều đó chỉ là một phần vì hiện Petrolimex đã cổ phần hóa và trở thành công ty đại chúng.

Chưa kể, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do đặc thù là mặt hàng chiến lược, có tác động lớn tới sự ổn định và phát triển kinh tế, lại tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn cho môi trường chung quanh. Do vậy, việc thẩm định để cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và các thủ tục liên quan tại địa phương cần được thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác. Cũng giống các lĩnh vực khác, việc cải cách là cần thiết nhằm loại bỏ những vấn đề mang tính hình thức hoặc không còn phù hợp, tạo thuận lợi cho DN, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhà nước nên cân nhắc việc coi CHXD là hạ tầng thiết yếu trong phát triển giao thông, đô thị để từ đó có chính sách phù hợp, trong đó có cả vấn đề tiền sử dụng đất, bởi hiện nay, giá trị quyền sử dụng đất đang là một áp lực lớn lên hiệu quả đầu tư và phát triển hệ thống bán lẻ xăng dầu.

Nhìn nhận dưới khía cạnh phát triển thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho biết, về cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa tạo điều kiện tốt hơn để thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Đơn cử như Nghị định 83 thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP nhưng sau hơn ba năm đưa vào sử dụng, hiện không có một chương, một dòng nào đề cập tới chuyện DN nước ngoài được phép thiết lập hệ thống cơ sở bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Khi xảy ra vụ việc hay tranh chấp sẽ rất khó xử lý.

Một số quy định trong Nghị định 83 không phù hợp thực tiễn như: quỹ dự trữ xăng dầu hiện đang biến thiên từng ngày, bây giờ bắt DN dự trữ 30 ngày, nếu giá xăng mua vào cao, giờ tụt xuống thấp mà yêu cầu DN dự trữ như vậy sẽ gây khó khăn đối với DN hay việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện chỉ có lợi đối với DN có nguồn nhập khẩu lớn, lượng bán ra nhiều. Còn những DN quy mô nhỏ, doanh số bán hàng thấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi rơi vào tình trạng “âm quỹ”, thậm chí phải dùng vốn vay ngân hàng để “xả” vào giá bán lẻ,…

Trước những bất cập nêu trên, việc xóa bỏ một số điều khoản không phù hợp với thực tế là cần thiết, đặc biệt, các bộ, ngành liên quan cần tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 83 sao cho cơ chế thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, rõ ràng nhằm tạo điều kiện để thị trường xăng dầu cạnh tranh tốt hơn và dần dần để DN tự quyết định giá bán mới tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

* Bài 1: Những “quả bom” nổ chậm

--------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 29-9-2018.