Phân làn… oái oăm
Đang lái xe ô-tô trên đường Giải Phóng, đoạn qua ngã ba rẽ vào Linh Đàm, anh Lê Phúc, trú tại đường Trường Chinh (Hà Nội) rất ngạc nhiên khi bị cảnh sát giao thông “vẫy” vào. Hỏi ra mới biết, anh đã đi vào làn bên trái dành cho các phương tiện quay đầu, còn muốn đi thẳng phải đi làn giữa. “Trước đây làn bên trái vẫn cho xe đi thẳng, gần đây mới cấm và kẻ vạch lại, tôi không để ý biển báo mới nên vi phạm. Mà không hiểu họ phân làn lại như thế làm gì khi chỉ thỉnh thoảng mới có xe quay đầu lại có hẳn một làn riêng, làn bên phải cũng đã dành cho xe rẽ phải nên hàng nghìn xe đi thẳng lại phải chen chúc nhau trong làn giữa chật hẹp. Như thế không tắc đường mới là lạ” - anh Phúc than thở. Tại một địa điểm khác, cũng với kiểu phân làn “oái oăm” này mà trên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn cắt đường Hùng Vương cứ vào giờ cao điểm lại xuất hiện hình ảnh hàng dài xe ô-tô nối đuôi xếp hàng trong làn giữa, còn hai làn bên chỉ lèo tèo vài xe chạy. Tuy nhiên, nếu người nào đó vì quá sốt ruột mà “lượn” sang hai bên để đi thẳng, chắc chắn sẽ bị “tuýt còi” ngay. Chỉ đến lúc mật độ xe quá dày đặc, chẳng ai hơi đâu để ý đến chuyện làn nào đi đâu, chủ phương tiện cứ thế thoải mái lấn làn, còn cảnh sát giao thông đành chỉ biết “nhắm mắt làm ngơ” mới giải quyết được ùn tắc trước mắt.
Đi theo làn, chuyển làn theo đúng quy định là một yêu cầu cơ bản để bảo đảm an toàn giao thông. Nhưng với cách phân làn thiếu khoa học như nhiều nơi tại Hà Nội hiện nay sẽ không chỉ gây ra ùn tắc mà đôi khi còn là nguyên nhân “ép” người dân phạm luật. Ngoài ra, không chỉ riêng việc phân làn, hệ thống biển báo giao thông trên các tuyến phố ở Hà Nội cũng bị nhiều người đánh giá hết sức bất cập. Như đường vành đai 3 (trên cao) có nhiều đường dẫn lên xuống ở các khu vực ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi,… song những tấm biển chỉ dẫn vừa mờ, chữ nhỏ lại treo thấp, khiến tài xế rất khó quan sát, nhiều trường hợp bị nhầm đường. Một số biển báo cắm gần nhau nhưng chỉ dẫn cách lưu thông khác nhau khiến người đi đường chẳng biết đi sao mới đúng; nhiều biển khác che lấp cả đèn tín hiệu giao thông, được cắm giữa lùm cây hay góc khuất,… càng gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Sớm khắc phục bất cập
Trước thực trạng bất cập của hệ thống biển báo chỉ dẫn giao thông hiện nay, nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, Nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng đường sá, nhưng lại bố trí hệ thống biển báo chưa phù hợp khiến các công trình này vừa không phát huy được hiệu quả, giảm khả năng khai thác và còn gây lãng phí tiền của. Thậm chí, đây còn là nguy cơ gây tai nạn giao thông và đôi khi còn là “kẽ hở” cho một bộ phận trong lực lượng chức năng có hành vi tiêu cực… Trong sự việc này có lỗi từ phía các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, mà trực tiếp là sở giao thông vận tải (GTVT) các địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông; đồng thời, có tâm lý ngại trách nhiệm và thiếu cương quyết trong việc rà soát, loại bỏ các biển báo bất hợp lý.
Được biết, trước những phản ánh ngày càng nhiều về tình trạng bất hợp lý trong việc bố trí các biển báo hiệu đường bộ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tổ chức rà soát, kiểm tra, điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống biển báo để bảo đảm giao thông thuận lợi, an toàn cho người dân. Đại diện Tổng cục ĐBVN cho biết: Đơn vị này đã và sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống biển báo trên cả nước, trước mắt tập trung vào các tuyến quốc lộ để điều chỉnh theo hướng dỡ bỏ các biển báo hạn chế tốc độ không phù hợp. Năm 2014 và trong năm 2015, Tổng cục đã điều chỉnh kịp thời theo hướng dỡ bỏ các biển báo hạn chế tốc độ không phù hợp hoặc tăng giá trị tốc độ cho phép trên biển với 473 cụm biển báo tốc độ. Bên cạnh điều chỉnh các biển báo quy định về tốc độ, Tổng cục còn xem xét cắm biển báo khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ tại những cung đường hay xảy ra tai nạn giao thông, đường hạn chế tầm nhìn, đèo dốc, đường cong nhỏ…
Đây là những cố gắng bước đầu của ngành giao thông, tuy nhiên nhiều chủ phương tiện cho rằng cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng mới mong giải quyết được dứt điểm những tình trạng “oái oăm” của hệ thống biển báo hiện nay, nhất là ở khu vực nội đô các đô thị lớn là nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc mà có phần nguyên nhân chính từ những bất cập nêu trên. Bên cạnh đó, nhiều người dân kiến nghị cần làm biển báo lớn hơn, cự ly cách điểm rẽ xa hơn và để ở độ cao ngang đường cho lái xe dễ dàng quan sát từ xa, nhờ đó có thể chủ động xử lý và tránh được tai nạn đáng tiếc.