Bảo vệ và khai thác các giá trị cổ vật dưới nước

Di sản văn hóa dưới nước của Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức rất lớn: Số đã được trục vớt thì đang bị hư hỏng trong các bảo tàng; số khác bị tuồn bán ra nước ngoài, số còn lại dưới nước luôn đối mặt với nguy cơ săn tìm, trộm cắp… Chọn hướng bảo tồn để “đánh thức” giá trị kho báu dưới nước này đang là bài toán khó không chỉ với các địa phương mà còn với ngành khảo cổ dưới nước còn rất non trẻ.

Một phần hiện vật gốm cổ được trục vớt từ xác tàu đắm cất giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi.
Một phần hiện vật gốm cổ được trục vớt từ xác tàu đắm cất giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi.

Hiện vật trục vớt và nỗi lo bảo quản

Cách đây hơn 10 năm, một nhóm ngư dân tình cờ phát hiện xác tàu đắm ở khu vực cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Họ tự lặn tìm và trục vớt số lượng lớn súng thần công đúc bằng đồng có nhiều họa tiết rất đẹp. Số súng này lập tức được bán cho những người sưu tập đồ cổ. Sau đó, thanh tra ngành văn hóa phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế truy tìm, thu hồi lại cổ vật cho Nhà nước theo Luật Di sản văn hóa. Đoàn liên ngành thu hồi được bốn khẩu súng thần công trong nhà một người sưu tầm cổ vật ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, những khẩu súng còn lại, đáng tiếc đã bị bán ra nước ngoài. Với bốn khẩu súng thu được, Hội đồng Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế đã tiến hành thẩm định, cho biết, số súng này được đúc từ thế kỷ 17, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Trước những giá trị về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, cũng như hàm chứa thông tin về lịch sử, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế đã lập hồ sơ, đề nghị Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Bảo vật quốc gia.

Theo những người làm công tác bảo tồn hiện vật trục vớt thì bảo tàng các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế,... đang lưu giữ hàng chục nghìn hiện vật thuộc các chất liệu đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt và đồ gỗ... Phần lớn số hiện vật này được thu giữ từ hoạt động trục vớt trái phép của người dân, hoặc được người dân phát hiện, báo cho cơ quan chức năng thu gom. Chỉ một số ít là do Nhà nước phối hợp với doanh nghiệp trục vớt kể từ những năm 90 thế kỷ trước đến nay.

Trong số các tỉnh nêu trên, Quảng Ngãi là địa phương phát hiện và khai quật, trục vớt nhiều xác tàu đắm nhất. Thống kê của Bảo tàng tỉnh cho thấy, hiện có khoảng 12.000 hiện vật gốm, sắt, đồng... trục vớt từ xác các tàu đắm ở vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) đang được lưu giữ tại đây. Sau khi trục vớt, chỉ một số ít hiện vật gốm được xử lý bằng phương pháp rã mặn, còn lại hàng nghìn mảnh gốm, súng thần công bằng sắt do không có điều kiện bảo quản cũng như phương pháp xử lý, cho nên đang ở trong tình trạng bị hư hại, xuống cấp. Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi Đoàn Ngọc Khôi cho biết: “Ngay cả số hiện vật đã xử lý rã mặn, do bảo tàng chưa có thiết bị bảo quản nên cũng đã có dấu hiệu bong muối, men bị xuống cấp. Riêng bốn khẩu súng thần công bằng sắt nay đã bị hỏng, trơ cả lõi. Thêm vào đó, do thiếu kinh phí cũng như cán bộ kỹ thuật, việc bảo vệ cổ vật thuộc nhóm này cũng rất khó khăn”. Không riêng Quảng Ngãi, bốn khẩu súng thần công bằng đồng ở Thừa Thiên - Huế sau khi thu hồi, đưa ra trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử tỉnh cũng nhanh chóng xuống cấp.

Hư hỏng nặng hơn cả có lẽ là nhóm hiện vật bằng gỗ đang được trưng bày tại đây. Các hiện vật gỗ có kích thước lớn nhất Việt Nam gồm thuyền độc mộc làm bằng gỗ kiền kiền có cách đây hơn 200 năm; mỏ neo làm bằng gỗ lim, bọc sắt, nặng hơn một tấn trục vớt ở cửa biển Thuận An từ một tàu buôn nước ngoài thế kỷ 17 đến 19 được trưng bày tại bảo tàng cũng đang bị hư hỏng nặng. Khác với vẻ đẹp như thời gian đầu mới trục vớt, phần bề mặt gỗ của cả hai hiện vật này hiện tại đều bị khô, nhiều thớ gỗ còn bị bong, lật ngược lên như vảy cá rán. Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế Cao Huy Hùng, không chỉ tỉnh mà cả ngành khảo cổ Việt Nam, đều đang lúng túng trong việc bảo tồn các hiện vật trục vớt. Bởi dưới biển, cổ vật đã bị ngấm nước muối. Khi đưa lên, chúng ta phải có phương tiện, kỹ thuật để đẩy muối ra khỏi cổ vật ngay. Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng thực hiện là cả một quá trình đòi hỏi thời gian, kỹ thuật và kinh phí rất lớn. Ngay cả các bảo tàng ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Nội và nhiều địa phương khác cũng gặp vấn đề tương tự đối với những xác tàu gỗ, gốm, hệ thống cọc gỗ trên sông Bạch Đằng trong trận Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán... Tại một cuộc hội thảo, các nhà khoa học đến từ Đức cho biết, kinh phí bảo quản một xác tàu đắm tại nước họ lên đến bốn triệu USD/năm, ngoài khả năng của các bảo tàng cấp tỉnh, thậm chí là cả cấp quốc gia. Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế đã mời chuyên gia đến can thiệp, bảo vệ các hiện vật gỗ trục vớt từ biển. Theo đó, phải xây một bể lớn để ngâm hiện vật trong thời gian hai tháng trước khi xử lý. Yêu cầu này liên quan đến kinh phí khá lớn đang phải chờ lãnh đạo tỉnh phê duyệt.

Bảo vệ và khai thác các giá trị cổ vật dưới nước ảnh 1

Mỏ neo gỗ lim dài hơn 8m đang tự hủy hoại do thiếu phương pháp bảo quản.

Có nên bảo tồn tại chỗ cổ vật dưới đáy biển

Với những bất cập trong công tác bảo tồn cổ vật trục vớt ở thời điểm hiện tại, Quảng Ngãi đã có chủ trương bảo tồn xác tàu đắm cổ tại chỗ, để tránh hỏng hóc hiện vật. Hướng bảo tồn này đang được kỳ vọng làm điểm nhấn cho du lịch, nhất là với loại hình lặn biển.

Trong khi lượng cổ vật trục vớt chưa có phương án bảo tồn hữu hiệu thì số cổ vật còn lại dưới nước cũng đang đối diện với nhiều thách thức do tác động từ con người. Theo Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, việc phát hiện xác tàu đắm thuộc thế kỷ 15 vào năm 1999 tại địa điểm Sóng Tàu, thuộc vùng biển Vũng Tàu, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn có thể nói là điểm mở đầu cho quá trình nghiên cứu, phát hiện di sản văn hóa biển tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm dấy lên “làn sóng” săn tìm trái phép cổ vật dưới biển. Những năm tiếp theo, mặc dù địa phương đã triển khai một số phương án tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ cổ vật nhưng sau khi phát hiện xác tàu cổ Bình Châu 2 vào năm 2012, một lần nữa Quảng Ngãi lại nổi lên như điểm nóng về khai quật cổ vật trái phép. Ông Đoàn Ngọc Khôi cho biết: “Từ những hiện vật bằng đồng thu được cho thấy người dân đã dùng vật liệu nổ để thổi tung cát ra khỏi vị trí tàu đắm, làm phát lộ số hiện vật bị vùi lấp bên dưới. Tuy nhiên sức công phá của mìn đã làm phần lớn hiện vật gốm bị rạn vỡ. Nhiều món đồ đồng thời Minh (Trung Quốc) bị biến dạng, dính chặt vào nhau. Số thu được chỉ là một phần rất nhỏ hiện vật trên con tàu đắm”. Lặn tìm cổ vật trái phép không chỉ là hiện tượng ở Quảng Ngãi, mà ở những địa phương từng phát hiện xác tàu đắm như Thừa Thiên- Huế, Kiên Giang, Quảng Nam đều có chung tình trạng như vậy.

Theo thạc sĩ Đoàn Sung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đoàn Ánh Dương - đối tác trục vớt xác tàu đắm của tỉnh Quảng Ngãi thì không ở đâu có nhiều tàu cổ bị đắm như ở khu vực biển Bình Châu, Quảng Ngãi, với số lượng lên đến 10 chiếc có niên đại từ thế kỷ thứ tám đến 18. Số lượng xác tàu cổ này được phân bố trong phạm vi hẹp, nằm ở độ sâu từ 2 đến 5 m, chỉ cách bờ khoảng 400 m. Đây là một trong những khu vực có nhiều xác tàu cổ với mật độ dày đặc của thế giới. Vấn đề bây giờ là phải làm gì, làm như thế nào để bảo vệ số di sản dưới nước đã được tìm thấy?

Có một thực trạng là, thông thường khi phát hiện di tích tàu đắm, chúng ta thường chú ý đến giá trị hàng hóa con tàu mang theo chứ chưa thật sự hiểu biết tường tận di sản của nó. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay đã có sáu di tích tàu đắm được khai quật chính thức và hàng chục cuộc khai quật, trục vớt trái phép khác được tiến hành chỉ vì mục tiêu kinh tế. Cổ vật lấy lên được bán đấu giá cho các nhà sưu tập trong nước và nước ngoài. Với hình thức này, trước mắt, chúng ta thu được tiền, song về lâu dài, giá trị di sản sẽ bị mất đi.

Với số tàu đắm ở Quảng Ngãi, sau khi khai quật tàu Bình Châu 2, các nhà khoa học trong nước, quốc tế và chính quyền tỉnh đã cùng ngồi lại tính toán xem có nên trục vớt xác tàu. Nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật dưới nước Lâm Dũ Xênh kể lại: Sau khi cân nhắc, các nhà khoa học và chính quyền địa phương thống nhất để xác tàu cổ lại vị trí được phát lộ (gọi là bảo tồn tại chỗ), tạo hướng mở để phát triển loại hình du lịch lặn biển, tiến tới hình thành những bảo tàng dưới nước. Trên thế giới loại hình bảo tồn tại chỗ này không phải là mới, nhiều nước đã làm như tại Anh, Ba Lan, Đô-mi-ni-ca đã biến các khu vực tàu đắm thành địa điểm du lịch lặn biển nổi tiếng... Điển hình là trường hợp bảo tồn và phát huy giá trị Soái hạm Arizona của Hải quân Mỹ bị chìm trong trận chiến Trân Châu Cảng năm 1942, thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Như vậy, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị tại chỗ di tích tàu đắm tại Quảng Ngãi và cả đảo Phú Quốc của Kiên Giang là phù hợp.

Tuy nhiên, để làm được điều này, theo các nhà khoa học thì trước mắt, Quảng Ngãi, Kiên Giang cần có chính sách, chủ trương huy động các cấp, các ngành và vận động nhân dân bảo vệ các di tích đã được phát hiện, đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử phạt hành vi khai thác trái phép, trộm cắp hiện vật. Chính quyền địa phương cần điều tra, khảo sát để xác định chính xác các di tích văn hóa biển phục vụ cho quy hoạch, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản để khoanh vùng bảo vệ. Ngoài ra cần có chính sách đầu tư, nghiên cứu di sản văn hóa biển một cách khoa học, phục vụ việc bảo tồn tại chỗ.