Phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đã không còn mặc trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày và chỉ còn thấy rõ nhất trong trang phục của phụ nữ. Trang phục của nam giới ở một số dân tộc gần như ít được sử dụng, thậm chí đã mai một hoàn toàn. Tính nguyên gốc của trang phục các dân tộc thiểu số cũng đang thay đổi ít nhiều hoặc được thay thế bằng những sản phẩm khác.
Nguyên nhân của sự mai một trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số có phần do không gian văn hóa, sinh hoạt, sản xuất đang thay đổi nhanh chóng. Trong quá trình giao lưu, tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa và hội nhập, bản sắc và những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống vì thế cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Nghề làm trang phục truyền thống bằng phương pháp thủ công cổ truyền cũng ít dần. Các bộ trang phục như vậy chỉ còn được mang ra mặc trong những ngày lễ, Tết, đám cưới... hoặc dịp lễ hội lớn của các dân tộc. Cũng vì ít được sử dụng mà trang phục truyền thống dần mất đi sự thông dụng, phổ biến...
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông qua đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Ðây là bước đi nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đó, đề án sẽ được triển khai thực hiện trong 12 năm với kinh phí hơn 230 tỷ đồng. Số tiền này không chỉ đầu tư cho việc nghiên cứu phục dựng, bảo tồn trang phục của 53 dân tộc, mà còn gắn với việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa qua trang phục truyền thống. Vấn đề đặt ra là việc bảo tồn, giữ gìn sao cho hiệu quả, vừa phải phù hợp điều kiện phát triển hiện nay, vừa phải giữ được những nét đặc trưng cơ bản và tính nguyên gốc.
Có thể nói, thực hiện thành công đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đáp ứng được nguyện vọng chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh việc nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ, cần không ngừng tuyên truyền và có những biện pháp khuyến khích người dân tham gia gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống, nhất là thế hệ trẻ. Ðiều quan trọng là tạo được không gian, môi trường văn hóa giúp trang phục truyền thống được sử dụng và phổ cập. Muốn vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ những nghệ nhân và thợ thủ công làm nghề dệt, may trang phục truyền thống, tìm cách đưa các trang phục này hòa nhập đời sống đương đại và gắn với các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Ðồng thời tạo điều kiện, cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên có dịp mặc trang phục truyền thống của mình, qua đó khơi dậy niềm tự hào và nâng cao nhận thức về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.