Chúng tôi đến thăm "lò" đào tạo đánh nhạc cụ mã la của nghệ nhân Mai Thắm ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đúng lúc ông đưa bộ mã la ra khoảng sân trống trước nhà để chỉnh âm thanh chuẩn bị truyền dạy cho các học trò. Ông Thắm chia sẻ: Bộ mã la cần có từ tám đến 11 cái thì mới đúng dàn đồng thanh để bày tỏ hết lời ăn, tiếng nói, tình cảm, ước mơ và lời giáo dục con cái luôn nhớ về cội nguồn và ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Ra Glai. Trong đó, cái mã la mẹ giữ nhịp cho các mã la con cất tiếng theo, tạo nên bản hòa âm với giai điệu riêng của núi rừng trong các dịp lễ hội… Ðến nay, tộc họ Mai truyền lại được bốn cái mã la, có được là do đổi hai con trâu từ cách đây mười năm.
Hơn mười năm qua, nghệ nhân Mai Thắm đã truyền dạy cho 50 người với đủ lứa tuổi theo học và biểu diễn thành thạo nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình. Hiện tại, Trường THCS Lê Lợi và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc đã thành lập đội mã la với sự tham gia của học sinh. Nhờ đóng góp tích cực trong việc bảo tồn văn hóa của đồng bào Ra Glai, năm 2015, nghệ nhân Mai Thắm được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Giờ đây, mỗi ngày ông đều dành thời gian để truyền dạy cho thanh, thiếu niên trong làng theo học đánh mã la. Ðược sự hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, nghệ nhân Mai Thắm cũng truyền dạy cho nhiều con cháu từ 11 đến 14 tuổi của hai tộc họ Pi Năng và Patâu A Sá. Các "đội mã la gia tộc" đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn trong và ngoài tỉnh.
Nhà Nghiên cứu văn hóa dân gian (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận) Nguyễn Hải Liên cho biết: Mã la không chỉ là nhạc cụ phổ biến mà quan trọng hơn là nhạc cụ tiêu biểu của người Ra Glai, bởi mã la vừa là tài sản quý, vừa là vật thiêng của gia tộc. Thiêng là vì mã la có thể thay mặt cho gia tộc hướng về tổ tiên, ông bà trong các lễ hội của người Ra Glai. Ngày xưa, mã la đóng vai trò là thần bảo vệ, thần tiên tri, báo hiệu điều lành, điều dữ cho dân làng biết để ứng phó. Ngày nay, trong các nghi lễ, lễ hội còn lưu giữ như: Lễ ăn đầu lúa, lễ bỏ mả… thì không thể thiếu mã la. Tiếng mã la tượng trưng cho người dẫn đường, lời mời, thỉnh cầu ông bà, tổ tiên về chung vui với dòng tộc, con cháu...".
Đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận có 20 đội mã la gia tộc đều tâm huyết và nỗ lực trong việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa phi vật thể mã la. Mỗi khi có dịp đến với đồng bào vào những mùa lễ hội, được ngắm bộ nhạc từ hai đến 11 chiếc mã la cùng hòa tấu, được nghe những bài giao hưởng âm vang đặc sắc của núi rừng vang lên, càng thấu hiểu hơn câu chuyện vì sao đồng bào Ra Glai sử dụng nhạc cụ mã la để bày tỏ tình cảm, ước mơ của mình thay cho lời ăn tiếng nói.