Hồi 13 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ vĩ bắc; 108,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông của khu vực bắc vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 13. Bão di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Đến 1 giờ ngày 23/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ vĩ bắc; 108,2 độ kinh đông, trên khu vực phía bắc vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 100km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13. Bão di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Đến 13 giờ ngày 23/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ vĩ bắc; 107,6 độ kinh đông, trên khu vực đất liền ven biển tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9. Bão di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 5-10km/giờ.
Đến 1 giờ ngày 24/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,0 độ vĩ bắc; 106,8 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Việt-Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm xuống dưới cấp 6. Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 5-10km/giờ.
Do ảnh hưởng của bão số 2, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 13, biển động rất mạnh.
Từ đêm 22/7, khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng có khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10-11; khu vực Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 5-6, có nơi cấp 7, giật cấp 8-9.
Cảnh báo, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) độ cao sóng 2,5-4,5m, vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng sóng biển cao 2-3m.
Ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định có triều cường cao (vào buổi chiều ngày 22-23/7).
Thủy triều cao kết hợp với nước dâng do bão, mực nước tại Hòn Dấu cao từ 3,9-4,1m, tại Cửa Ông từ 4,7-4,9m, kèm theo sóng lớn có thể gây ngập tại khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông và làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông tại khu vực.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị người dân lưu ý không nên chủ quan, tuân thủ theo các khuyến cáo sau:
Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo bão, cảnh báo mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh.
Sơ tán người dân trong các nhà yếu ven biển để bảo đảm an toàn.
Không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; bảo đảm an toàn cho du khách còn lưu trú trên các đảo.
Hạn chế di chuyển trong bão, mưa lũ, trường hợp thật cần thiết phải bảo đảm an toàn. Không đi qua ngầm, tràn, cầu, cống, đường giao thông hoặc khu vực đang ngập sâu, nước chảy xiết, các tuyến đường đã bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở (dấu hiệu nước rỉ ra, đất đá rơi từ trên taluy xuống đường…) nhất là trong đêm tối.
Không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trên sông, suối khi mưa lớn, có lũ, nước sông, suối chuyển sang đục dần.
Phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần đặc biệt lưu ý quan sát, trông coi, nhắc nhở trẻ em không bơi lội, chơi đùa gần các khu vực sông, hồ, ao, suối để phòng tránh tai nạn đuối nước đáng tiếc có thể xảy ra khi có mưa lũ.
Chú ý quan sát các dấu hiệu xảy ra lũ quét, sạt lở đất chung quanh nơi ở và khu sản xuất (như mưa lớn kéo dài ngày, có tiếng động lạ, vết nứt, nước suối chuyển màu…) để chủ động phòng tránh.
Khẩn trương di dời khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; đề phòng lũ, lũ quét, sạt lở xảy ra vào ban đêm.
Chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây…
Chủ động các phương án bảo vệ đồ đạc, tài sản của gia đình, ngắt toàn bộ thiết bị điện, khóa van ga khi có lũ, ngập lụt.
Lưu các số điện thoại cứu hộ cứu nạn tại địa phương để liên hệ trong tình huống khẩn cấp.