Tại Hội nghị, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã trình bày báo cáo đánh giá thị trường xăng dầu đầu năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ đến hết năm 2022. Theo đó, Hiệp hội đặt ra nhiệm vụ tiếp tục nắm bắt và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kiến nghị hoặc lựa chọn cách giải quyết với các cơ quan quản lý để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Tham dự Hội nghị với tư cách Hội viên của VINPA, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đã có bài phân tích về xu hướng giá xăng dầu từ đầu năm tới nay, giới thiệu công cụ bảo hiểm giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và cách ứng dụng công cụ trong thực tiễn. Đại diện MXV, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam dự báo giá dầu sẽ còn rất nhiều diễn biến khó lường trong năm 2022 khi giá sẽ bị tác động bởi các thông tin liên quan tới đại dịch Covid-19 và nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc; nguồn cung tăng lên từ Mỹ, nhóm OPEC+ và khả năng bù đắp phần thiếu hụt từ Nga; Mỹ tăng lãi suất và những nỗ lực hạ nhiệt giá dầu, giảm lạm phát;…
Trong quý I/2022, giá hợp đồng dầu thô Brent trên Sở giao dịch liên lục địa (ICE) đã có thời điểm tăng lên sát mức 140 USD/thùng, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái, do lo ngại về nguồn cung sau các bất ổn về địa chính trị. Đến nay, giá dầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn giao dịch ở quanh vùng giá 100 USD/thùng, là vùng giá cao nhất trong gần một thập kỷ. Giai đoạn đầu tháng 4 đã chứng kiến những phiên giao dịch lên xuống thất thường với biên độ rộng của giá dầu. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ ngày càng trở nên khó dự báo hơn và cần có các công cụ để hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh xăng dầu khi giá diễn biến bất lợi cho doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Mike Wittner, Giám đốc Nghiên cứu thị trường dầu toàn cầu của Sở ICE cho biết, hiện nay, việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, doanh nghiệp xăng dầu quốc tế. Theo thống kê của Sở ICE, có khoảng 60% lượng vị thế mở trên thị trường đến từ nhóm kinh doanh hàng vật chất, nghĩa là các công ty khai thác, chế biến, thương mại xăng dầu trên toàn thế giới. Đối với các sản phẩm tinh chế, giá xăng Singapore là giá tham chiếu đối với thị trường châu Á, và có diễn biến tương đồng với sản phẩm dầu ít lưu huỳnh trên Sở ICE, nên hoàn toàn có thể bảo hiểm giá thông qua Sở giao dịch hàng hóa tập trung như Sở ICE và MXV.
Ông Phạm Quang Anh chia sẻ tới Hội nghị các công cụ bảo hiểm giá mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước có thể ngay lập tức sử dụng như: hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng chênh lệch giá.
Theo ông Phạm Quang Anh, doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng quyền chọn với khả năng kiểm soát mức rủi ro tối đa của doanh nghiệp, nhưng không giới hạn lợi nhuận. Cụ thể, với các quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán, người mua ở đây là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải bỏ ra một chi phí cố định (premium) để mua quyền (không có nghĩa vụ) thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng xăng dầu nhất định trong một khoảng thời gian định sẵn. Tùy vào diễn biến giá có lợi hay bất lợi sau đó, doanh nghiệp sẽ quyết định có thực hiện quyền trong hợp đồng hay không. Khi đó, mức rủi ro tối đa sẽ là chi phí premium, trong khi lợi nhuận sẽ không bị giới hạn.
Bên cạnh các hợp đồng tiêu chuẩn như dầu WTI, dầu Brent, dầu ít lưu huỳnh, xăng pha chế RBOB, khí tự nhiên, ông Phạm Quang Anh cũng giới thiệu tới Hội nghị các sản phẩm có khối lượng hợp đồng, biên độ giá và mức ký quỹ nhỏ hơn như dầu Brent mini, dầu WTI mini và dầu WTI micro. Các sản phẩm năng lượng đa dạng sẽ phù hợp với nhiều phương pháp bảo hiểm giá, phù hợp với nhiều quy mô doanh nghiệp trên cả nước.
Chia sẻ kết thúc buổi Hội nghị, ông Bùi Ngọc Bảo đánh giá cao tính thực tiễn cũng như vai trò của công cụ bảo hiểm giá trong bối cảnh hiện tại, đồng thời mong muốn khi công cụ này được triển khai sâu rộng tới các doanh nghiệp, sẽ giúp ngành xăng dầu trong nước phát triển bền vững và ổn định, đóng góp vào quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.