Bạo hành học đường và bài toán giáo viên

Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai (bìa phải) thăm hỏi các sinh viên mới ra trường về nhận nhiệm sở mới.
Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai (bìa phải) thăm hỏi các sinh viên mới ra trường về nhận nhiệm sở mới.

Ngày 12-5, ngay trong phòng thi học kỳ 2 Trường THCS Kpă Klơng, xã Chư Ngọc, huyện KrôngPa , tỉnh Gia Lai, giáo viên bộ môn toán Vũ Đình Phụng đã phạt những học sinh gây mất trật tự bằng cách gọi từng học sinh lên để đánh. Kết quả, có gần 20 em bị đánh, trong đó có 2 trường hợp phải vào trạm y tế xã băng bó. Đây là vụ bạo hành học đường mới nhất và tính chất nghiêm trọng của nó không hề thua kém các vụ trước đó.

Từ lạm dụng tình dục đến đánh đập học trò

Gần giống với vụ “đổi tình lấy điểm” của ông Đỗ Tư Đông, phó trưởng khoa báo chí Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình Trung ương I, xảy ra vào giữa năm ngoái là vụ tổ trưởng tổ giám thị Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) Phạm Vũ Bằng ép một nữ sinh của trường quan hệ tình dục vào cuối tháng 2-2007.

Lúc này, trong khi các bậc phụ huynh và giới học sinh chưa hết hoang mang, tháng 3-2007, dư luận lại phát giác vụ ông Liêu Huê, tổng vụ Trường Quang Chánh (Đồng Nai), sàm sỡ ba nữ sinh trước đó vài tháng (ông Huê sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam). Tiếp đó, Công an huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ thụ lý điều tra vụ án “thầy” Lê Thái Bình, giáo viên Trường THPT Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng, ép một nữ sinh quan hệ tình dục...

Tình trạng thầy “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với trò cũng đã diễn ra nhiều lần ở chốn học đường. Giữa tháng 4-2007, thầy Nguyễn Phú Lự (Trường THCS Hải Ninh, huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) kéo giật tóc một em học sinh lớp 6, khiến em té ngã, chấn thương nặng vùng đầu. Trước đó, một nữ sinh lớp 7 ở Đồng Tháp đã bị cô giáo tuột quần giữa lớp do nghi em lấy cắp 100.000 đồng, khiến em phải uống thuốc tự tử. Đáng nói nhất là vụ em Huỳnh Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 5/1 Trường Tiểu học An Hiệp 2, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) bị thầy hiệu trưởng và thầy tổng phụ trách đội “áp giải” lên công an xã “ép cung” vì nghi trộm 47.800 đồng, khiến em bị hoảng loạn tinh thần nhiều ngày.

Ít ai có thể quên chuyện một giáo viên thể dục ở quận Gò Vấp - TPHCM bắt học sinh hít đất cả trăm lần; chuyện một cô giáo ở Hà Tĩnh bắt các em học sinh liếm ghế; chuyện một học sinh lớp 8 ở Bình Thuận bị thầy giáo đánh đến mức tay bị phù nề; chuyện phạt học sinh lớp 3 đi bằng đầu gối 100 vòng ở Hải Phòng; chuyện cô giáo bắt 3 học sinh tuột quần ra đánh ở Vị Thanh (Cần Thơ); chuyện học sinh bị phơi nắng rồi bắt tự vả vào mặt nhau ở TP Hồ Chí Minh. Tất cả những vụ trên, xét cho thỏa đáng, là những sự vi phạm pháp luật.

Ứng xử kém, nghiệp vụ sư phạm yếu

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai nói: “Tôi đã đi tham khảo một số nước và thấy họ chuẩn bị về văn hóa ứng xử từ trong nhà trường một cách căn cơ. Thế nên, theo tôi, để xảy ra những sự việc đáng tiếc như thời gian qua, nguyên nhân chính là do văn hóa ứng xử của một bộ phận người thầy vẫn còn kém”.

Bà Mai phân tích: Ví dụ như vụ “ép cung” em Trâm ở Đồng Tháp, ông hiệu trưởng cũng như những người khác tham gia vào vụ việc này chắc không có lý do gì để cố tình làm hại một đứa trẻ như vậy. Trong trường hợp đó nếu họ bình tĩnh, tham khảo ý kiến nhiều người thì vấn đề đã khác.

PGS-TS Bùi Mạnh Nhị, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng những vụ việc không hay gần đây đều liên quan đến ứng xử của người thầy.

Ông Nhị nói: “Tôi thấy rằng những giáo viên ở Đồng Tháp mắc những lỗi hết sức sơ đẳng. Không cứ gì phải là người thầy, trong những trường hợp như vậy mỗi người lớn chúng ta đều phải có cách ứng xử phù hợp đối với trẻ em”.

Từ “ứng xử” trong trường hợp này có thể coi là nghiệp vụ sư phạm. Phải chăng các trường hợp ứng xử kém nói trên có một phần trách nhiệm của hệ thống trường sư phạm, nơi đào tạo những người thầy?

PGS-TS Bùi Mạnh Nhị giải thích: “Các trường sư phạm nói chung là nơi đào tạo cho giáo viên các phương pháp tổng thể, toàn diện, cơ bản về nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những bài học, nó còn lệ thuộc vào cách lĩnh hội của mỗi người”.

Ông Nguyễn Việt Bắc, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng các giáo trình sư phạm đã đề cập đầy đủ các vấn đề về ứng xử trong quan hệ thầy trò, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh...

“Nhưng từ việc hoàn thành bài học để thi tốt nghiệp ra trường đến việc trở thành giáo viên có bản lĩnh, nhân cách đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên rèn luyện để trưởng thành” - ông Bắc nói.

“Lỗi hệ thống” của ngành sư phạm

Nếu ta đào tạo ra những người thầy không có chuyên môn cao về sư phạm có thể sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học trò, đó là điều rất đáng tiếc. Tôi cho rằng sắp tới cần hạn chế việc đào tạo giáo viên của các trường ngoài sư phạm.

(Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Nội)

Ông Nguyễn Việt Bắc cho rằng những vụ bê bối trên là lời cảnh báo về chất lượng đào tạo của ngành sư phạm. “Chúng ta cần phải kỹ lưỡng hơn nữa trong đào tạo nghề giáo” - ông Bắc nói. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, cho rằng hệ thống đào tạo sư phạm đang tồn tại hai nghịch lý cần được giải quyết. Một là, một bộ phận khá đông sinh viên theo học sư phạm chỉ vì được miễn học phí chứ không có nguyện vọng trở thành giáo viên, không thực sự yêu thích nghề này. Hai là, hiện đang có nhiều trường đại học không có chức năng đào tạo giáo viên nhưng vẫn mở khoa sư phạm, trong khi đó trường sư phạm lại mở thêm những ngành đào tạo ngoài sư phạm. Theo ông Dũng, đào tạo giáo viên cần phải có một quá trình lâu dài với nhiều yêu cầu, trong đó đặc biệt chú ý là nghiệp vụ sư phạm.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị các giám đốc sở GD-ĐT sơ kết cuộc vận động “hai không” vào tháng 4-2007, điều kiện tiên quyết để phát triển chất lượng giáo dục là đầu tư phát triển giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Hiện Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch cụ thể về đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường sư phạm và cán bộ quản lý giáo dục. Riêng năm 2007, sẽ có một dự án đào tạo đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường sư phạm với dự toán khoảng 2.500 tỉ đồng.