Những năm gần đây, kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh phát triển khá nhanh, kéo theo đó là gia tăng dân số và nhu cầu mua xe ô-tô cá nhân cũng tăng nhanh. Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 620 nghìn xe ô-tô các loại, tăng gần gấp năm lần so năm 2000. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 180 xe ô-tô đăng ký mới. Theo đà tăng này, dự báo đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh có thể vượt ngưỡng một triệu xe ô-tô. Với diện tích mặt đường “khiêm tốn” gần 37 triệu m2 (trong đó chỉ có 41,7% mặt đường đủ rộng để lưu thông ô-tô, xe buýt), cộng với việc “dồn nén” hàng trăm tòa nhà cao tầng vào khu vực trung tâm và xe ô-tô chủ yếu đỗ dưới lòng đường như hiện nay, TP Hồ Chí Minh ngày càng đối mặt với nạn kẹt xe trầm trọng.
Để giải quyết tình trạng quá tải chỗ đỗ xe ô-tô, ngay từ năm 2003, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương xây dựng bốn bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám và các điểm Trống Đồng, Hoa Lư, Tao Đàn. Các bãi đỗ xe ngầm này có tổng vốn xây dựng gần 7.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành và đáp ứng đủ chỗ đỗ cho khoảng 7.000 xe ô-tô. Sau đó, Sở GTVT thành phố tiếp tục chọn thêm bốn địa điểm gồm: Sân cư xá Lý Thường Kiệt, Công viên Lê Thị Riêng (quận 10), sân nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) và khu vực 63-65 Tân Thành (quận 5) để xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Song song đó là hủy bỏ một số dự án như bãi đỗ xe ngầm đường Nguyễn Huệ (do vướng phố đi bộ), Công trường Lam Sơn (do vướng công trình metro Bến Thành - Suối Tiên), Công viên Bách Tùng Diệp (do không thống nhất trong quá trình lập quy hoạch). Hiện, TP Hồ Chí Minh chỉ còn lại năm vị trí khả thi để làm dự án bãi đỗ xe ngầm. Giữa tháng 12-2016, UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận bổ sung xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, quy mô nhỏ hơn và đỗ được khoảng 100 xe ô-tô,... Điểm mặt dự án thì nhiều, nhưng chủ yếu đang ở tình trạng “án binh bất động”. Mấy năm trước, các dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, Sân vận động Hoa Lư,... được các doanh nghiệp rầm rộ khởi công, giới thiệu mô hình hiện đại, nhưng sau đó chìm vào im lặng, đến nay vẫn chỉ là dự án trên giấy...
Vì thiếu bãi đỗ xe, cho nên nhiều tuyến đường ở trung tâm (Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn, Võ Văn Tần, Ngô Đức Kế...), các tuyến đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Trường Sơn, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ) và các cây xăng luôn dày đặc ô-tô con, ta-xi lựa chọn làm nơi đỗ, có khi tràn cả xuống lòng đường vốn đã rất hẹp, gây ùn tắc giao thông, nhất là giờ cao điểm. Lý do của sự chậm chạp trong việc triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm như báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh tại các kỳ họp HĐND thành phố gần đây là do các doanh nghiệp thiếu cả năng lực, vốn lẫn trình độ kỹ thuật xây dựng. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; lãi suất vay ngân hàng cao; thời gian thu hồi vốn quá dài vì mức thu phí thấp,... Theo giải thích của Sở GTVT thành phố, trong các dự án bãi đỗ xe ngầm đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, cái thì vướng do điều chỉnh quy hoạch; cái thì bỏ luôn như dự án ở đường Nguyễn Huệ; có dự án vẫn đang trong tình trạng nghiên cứu như dự án ở đường Lê Lợi, đường Hàm Nghi, khu vực Quảng trường Quách Thị Trang và cũng có dự án đang điều chỉnh phương án phòng cháy, chữa cháy, xác định đơn giá thuê đất,...
Theo Công ty cổ phần Phát triển không gian ngầm (IUS), ngoài chi phí đắt đỏ, để xây dựng một bãi đỗ xe ngầm cần rất nhiều thủ tục và thời gian hoàn thành mỗi thủ tục mất khoảng 3 đến 5 tháng, có khi cả năm. Tính toán của các nhà đầu tư cho thấy, chi phí xây dựng bãi đỗ xe ngầm đắt gấp năm lần chi phí đầu tư bãi đỗ xe trên mặt đất, khoảng 2.000 USD/m2. Trung bình mỗi xe ô-tô cần 20 m2 thì chi phí xây dựng một chỗ đỗ ô-tô là 40 nghìn USD. Theo quy định, với mức thu 10.000 đồng/lượt như hiện nay, phải mất rất nhiều năm mới có thể hoàn vốn. Đây chính là lý do mà các nhà đầu tư chỉ khởi công để “xí chỗ” rồi để đó. Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Sở thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm, nhưng đụng vào dự án nào cũng thấy vướng. Chẳng hạn, các dự án này được ngân hàng xếp vào loại đầu tư bất động sản, cho nên mức tín dụng rất hạn chế. Ngoài ra, hầm ngầm đỗ xe là một dạng dự án mới, chưa có tiền lệ, vì vậy khó xác định đơn giá thuê đất. Chưa kể các dự án này thường có tổng mức đầu tư lớn, trong khi mức lãi suất vay hiện nay vẫn còn cao, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn làm dự án.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Tài chính cho phép các công trình đỗ xe ngầm được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, thời hạn 15 năm. Đồng thời, đề nghị các bộ chấp thuận cơ chế chính sách đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi như: Miễn tiền thuê đất hoặc miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất phục vụ hạng mục đỗ xe và các công trình xây dựng bến bãi; ưu đãi về thuế môn bài, thuế nhập khẩu đối với các thiết bị công nghệ cao phục vụ hoạt động của bãi giữ xe ngầm. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã chủ động “chuyển làn” sang đầu tư bãi đỗ xe trên cao, một số bãi đỗ xe cao tầng đã phát huy tác dụng như: Bãi số 121-139 đường Cô Giang (quận 1) có 500 chỗ đỗ xe ô-tô; bãi Tiên Tiến số 71 đường Chế Lan Viên (quận Tân Phú) 1.400 chỗ,... Nhằm nhân rộng mô hình này, Sở GTVT thành phố đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng sáu bãi đỗ xe cao tầng tại bãi trung chuyển xe buýt Công viên 23 tháng 9 (quận 1), cư xá Lý Thường Kiệt (quận 10), Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), bến xe quận 8, bến xe Chợ Lớn (quận 6) và bến xe Tân Phú (quận Tân Phú). Mới đây nhất, Sở GTVT có văn bản đề xuất UBND thành phố cho phép Công ty cổ phần Phát triển hệ thống đỗ xe thông minh En-Parking Japan xây dựng bãi đỗ xe cao chín tầng (đỗ được 168 xe ô-tô 4 đến 7 chỗ) ở khu vực Công trường Lam Sơn (quận 1). Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dừng đỗ dưới lòng đường, trước mắt, Sở GTVT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan của thành phố và các nhà đầu tư xây dựng ngay các bãi đỗ xe thông minh quy mô nhỏ (từ 10 đến 20 chỗ/vị trí) trên các tuyến đường ở trung tâm để giải quyết tình trạng khan hiếm chỗ đỗ xe, tiến tới xóa bỏ việc tận dụng lòng đường làm chỗ giữ, đỗ xe như hiện nay. TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị T.Ư chấp thuận cơ chế chỉ định nhà đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư) với các dự án cấp bách xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng.
Hàng chục năm qua, TP Hồ Chí Minh vẫn loay hoay hết dự án đỗ xe ngầm này đến dự án đỗ xe ngầm khác, thế nhưng, càng triển khai lại càng bộc lộ nhiều khó khăn, cả về quy mô, khu vực và quy hoạch, cuối cùng đành xoay qua phát triển bãi đỗ xe cao tầng. Nhiều lái xe ta-xi đỗ tại Công viên Lê Văn Tám ngán ngẩm vì mỗi lần phải chạy lòng vòng qua hàng chục tuyến phố không tìm nổi chỗ đỗ xe lại mong thành phố nhanh chóng xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Nhưng cứ theo chiều hướng này, chưa biết đến khi nào các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm mới trở thành hiện thực.