Báo động về bệnh học đường

Trong số các bệnh tật học đường, vấn đề đáng báo động hiện nay là các tật khúc xạ, cong vẹo cột sống và bệnh răng miêng ảnh hưởng nhiều tới phát triển thể chất và trí tuệ của học sinh, sinh viên, thế hệ tương lai của đất nước.

Chương trình quốc gia lần này sẽ được thực hiện trên quy mô toàn quốc và có can thiệp trọng điểm nhằm giải quyết những bệnh học đường bức xúc hiện nay.

Báo động về bệnh tật học đường

TS Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã phải lên tiếng như vậy về tình hình bệnh tật học đường ở Việt Nam. Tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị) đang có xu hướng tăng nhanh trong học sinh, sinh viên. Theo một nghiên cứu do tổ chức ORBIS và Viện khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo tiến hành năm 2008 trên gần 3.000 học sinh các cấp tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học tại ba tỉnh Hải Phòng, Hà Tĩnh và Đà Nẵng, 26,4% học sinh phổ thông được phát hiện mắc các tật cận thị, viễn thị và loạn thị.

Một nghiên cứu khác của Viện Y học lao động và vệ sinh  môi trường tiến hành trên 5.500 học sinh tiểu học và trung học cơ sử tại Hải Phòng, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh và Lai Châu cho thấy tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học là 5,52%, trung học cơ sở là 14,83% và tỷ lệ cận thị ở nữ cao hơn nam, nội thành cao hơn ngoại thành.

TS Nguyễn Chí Dũng, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Một số nguyên nhân chính dẫn tới tình tranh nạy là do cường độ học tập quá nhiều, căng thẳng, kích thước bàn ghế không đúng tiêu chuẩn, tư thế ngồi học không đúng, chố ngồi học thiếu ánh sáng và sử dụng vi tính hoặc xem ti vi quá nhiều.

Bên cạnh đó, kiến thức về chăm sóc, bảo vệ mắt của phụ huynh học sinh còn rất hạn chế, nhất là tại vùng nông thôn. Đa số học sinh vẫn chưa biết đúng những nguyên nhân cơ bản gây bệnh mắt và những cách phòng chống bệnh mắt. Hầu hết học sinh chưa được học về chăm sóc bảo vệ mắt. Đặc biệt, có một số học sinh có tật khúc xạ một mắt rất dễ bị nhược thị và mù một mắt.

Cong vẹo cột sống cũng là một vấn đề sức khoẻ đang gia tăng trong học sinh, sinh viên. Biến dạng cột sống là tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phía hoặc bị cong về phía trước hoặc phía sau, do đó không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường của nó vốn có. Biến dạng cột sống tiến triển mạnh ở thời kỳ vị thành niên, đặc biệt là vào thời điểm cơ thể tăng trưởng mạnh. Có tỷ lệ không nhỏ biến dạng cột sống nặng nếu không đựơc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, dẫn tới rối loạn thể chất, các triệu chứng viêm khớp, ảnh hưởng đến chức năng của tim và phổi...

Về bệnh răng miệng, theo Viện Răng hàm mặt Trung ương, tỷ lệ sâu răng ở trẻ em 6 tuổi là 84%, bệnh quanh răng là 71%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bệnh cao do trẻ chưa biết cách vệ sinh răng miệng và công tác truyền thông, hướng dẫn vệ sinh và phòng chống bệnh chưa thật sự hiệu quả. Thạc sĩ Nguyễn Đăng Nhỡn, Viện Răng hàm mặt Trung ương cho biết: "Trong năm năm học tiểu học, hàm răng vĩnh viễn cơ bản mọc hoàn chỉnh, thế nhưng ở nước ta mạng lưới nha khoa tuyến cơ sở còn yếu và thiếu về cán bộ, thiếu trang thiết bị, dụng cụ nha khoa, ở tuyến  huyện và xã ở nhiều địa phương còn "trắng" về nha khoa".

TS Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường còn cho biết thêm, trong số các bệnh này, bệnh răng miệng có tỷ lệ cao hơn  so với các quốc gia trong khu vực. Ngoài các bệnh tật học đường, đáng chú ý còn có các bệnh như rối loạn tâm thần, tai nạn thương tích do trẻ đùa nghịch, các bệnh truyền nhiễm do ô nhiễm môi trường, các bệnh như cúm A (H1N1) do môi trường đặc trưng của trường học... Đặc biệt, một số bệnh mới phát hiện gần đây ở lứa tuổi học đường như xơ hóa cơ delta, nếu không có sự can thiệp mạnh, kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả tới phát triển thể chất của trẻ.

Phòng chống chưa "theo kịp" diễn biến của bệnh

Về nguyên nhân của thực trạng bệnh tật học đường, TS Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường phải khẳng định: "Các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, huyện, mạng lưới cán bộ làm công tác y tế trường học còn thiếu nhiều về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng. Một số trung tâm y tế dự phòng tuy đã thành lập được bộ phận y tế trường học nhưng số cán bộ thuộc biên chế rất thiếu, năng lực chuyên môn y tế trường họ hạn chế. Trong khi đó, đầu tư kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động".

Trên thực tế, từ năm 2006, Bộ Y tế đã có ban hành các chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện việc phòng chống các bệnh tật học đường, nhưng công việc lại không "theo kịp" với diễn biến phức tạp của bệnh tật và các "vấn đề" của học tập như số học sinh tăng và giờ học tăng.

Hiện nay, cả nước có khoảng 8 triệu học sinh, sinh viện tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, chiếm khoảng 44% so với học sinh, sinh viên trong cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì số học sinh tham gia bảo hiểm y tế là rất thấp. Vì vậy, nguồn kinh phí do bảo hiểm y tế để lại đối với các trường này hầu như không đáng kể.

Các chuyên gia nhận thấy, chế độ học tập của học sinh hiện nay rất căng thẳng. Ông Lã Quý Đôn, Phó cục trưởng Cục Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang bàn thảo các biện pháp không chỉ giải quyết bệnh học đường mà còn phát triển thể chất cho trẻ. Trước mắt, để giảm những khó khăn trong điều trị bệnh học đường, ngành y tế và giáo dục cần phát hiện, theo dõi, chăm sóc những đối tượng  mắc bệnh mới, không để diễn biến nặng hơn.

Các biện pháp phòng chống các bệnh học đường không chỉ được can thiệp ở trường mà còn ở nhà. Ngay cả các bậc cha mẹ cũng cần có chế độ học, cân đối hợp lý giữa chơi và học trong tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn. TS Trần Đắc Phu cho rằng: "Cha mẹ cần thay đổi các bài tập thể dục cho con, tập các bài tập nhẹ trong nhà. Trong điều kiện nào, cần tìm cách phù hợp cho trẻ được vận động, giải trí".

Nâng cao năng lực của mạng lưới y tế trường học

Với sự quan tâm của gần 100 chuyên gia, các nhà quản lý y tế, giáo dục từ Trung ương và các địa phương trong cả nước, các kinh nghiệm từ các mô hình can thiệp bệnh tật học đường được tổng hợp làm cơ sở cho việc xác định mục tiêu và đề xuất giải pháp can thiệp phục vụ việc xây dựng Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh tật học đường cho giai đoạn 2010-2015.

Chương trình này có các hoạt động như tổ chức khám và quản lý sức khoẻ học sinh, triển khai các biện pháp can thiệp, cải thiện điều kiện vệ sinh học đường, tổ chức mạng lưới y tế trường học, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác y tế trường học, tăng cường đầu tư trang thiết bị, và công tác truyền thông...

Cục Y tế dự phòng và Môi trường hợp tác với tổ chức ORBIS quốc tế để xây dựng Chương trình mục tiêu, thu thập các ý kiến đóng góp cho bản Dự thảo của Chương trình quốc gia. Quá trình này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009 để trình lên Bộ Y tế và Chính phủ.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê  duyệt, chương trình này sẽ được triển khai rộng khắp và lâu dài trong cả nước nhằm củng cố và nâng cao năng lực của mạng lưới các cán bộ chuyên trách làm công tác y tế trường học, huy động sự tham gia tích cực của tất cả các Bộ, ngành  và tổ chức xã hội để tổ  chức các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh, sinh việc tại các trường, đặc biệt nhằm giảm tỷ lệ mắc của một số bệnh, tật liên quan đến trường học phổ biến hiện nay như tật khúc xạ, bệnh cong vẹo cột sống và bệnh răng miệng.