Ðứng chưa đầy 20 phút trước cổng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong giờ tan học chúng tôi đã đếm được hơn 200 học sinh bị cận thị. Em Thanh Vân, học sinh lớp 10 cho biết: "Lớp em có 45 bạn nhưng có tới 40 bạn "bốn mắt". Hầu hết các bạn đều bị cận từ khi còn học THCS, hoặc tiểu học, riêng em bị cận từ hồi lớp bốn. Nhà em có hai chị em thì cả hai đều bị cận. Chị hai em còn bị cận từ khi lên lớp sáu...".
Theo Minh Ðức, một học sinh lớp 12 thì: "Học ở trường chuyên không cận mới là lạ. Lớp em có tới 90% bị cận. Các bạn học chung nhóm với em (có bạn học cùng lớp, có bạn học khác lớp), bạn nào cũng bị cận... Hên lắm mới có một, hai bạn không cận".
Bác sĩ Bùi Thị Thu Hương, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh cho biết: "Theo tài liệu quốc tế có 30% cận thị là do di truyền, 70% là do môi trường sống và chủng tộc. Về chủng tộc, người châu Á bị cận thị cao hơn nhiều so với các châu lục khác, đặc biệt là Trung Quốc, Singapore lên tới 70 - 80%. Về môi trường sống, trước đây cận thị ít hơn bây giờ, học sinh nội thành cận thị nhiều hơn học sinh ngoại thành từ 4 - 6 lần...". Trên thực tế, ở ngoại thành tỷ lệ học sinh cận thị chiếm khoảng 5 - 10%.
Thầy Lê Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè cho biết: "Cả trường có 601 em nhưng chỉ có gần 10 học sinh bị cận, không chỉ Trường Nguyễn Văn Tạo mà các trường khác cũng thế".
Chị Nguyễn Thị Hồng Quí, cán bộ y tế học đường Trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cũng cho biết tỷ lệ học sinh bị cận thị trong trường chiếm khoảng 2 - 3%. Còn tại Trường THCS Minh Ðức, Q.1, tỷ lệ học sinh cận thị chiếm gần 30%... Sở dĩ có sự chênh lệch này là do học sinh ở thành phố thường có thú vui giải trí là chơi game, xem ti-vi, đọc truyện, nhất là hiện tượng chơi game như hiện nay. Những trò chơi này đòi hỏi sự tập trung cao độ và sự điều tiết liên tục của mắt. Trong khi đó học sinh ở nông thôn lại giải trí bằng các trò chơi gắn liền với thiên nhiên như thả diều, đá banh. Những trò chơi này vận động chân tay là chính, còn mắt thì chỉ "làm việc" có giới hạn. Mặt khác, trẻ em thành phố chỉ quen nhìn gần (từ 2 - 4m) do môi trường sống quá chật hẹp, nhà cửa san sát, trường học thiếu sân chơi và thiếu khoảng không để trẻ phóng tầm mắt, hoàn toàn trái ngược với trẻ ở ngoại thành, nông thôn là có không gian để nhìn xa, nhìn rộng...