Đồng bằng sông Cửu Long

Báo động kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”

Mía nguyên liệu đang khan hiếm ở đồng bằng sông Cửu Long.
Mía nguyên liệu đang khan hiếm ở đồng bằng sông Cửu Long.

Về sự kiện hơn 10 nhà máy chế biến dừa ở Bến Tre tạm đóng cửa vì thiếu nguyên liệu ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhận định: “Chu kỳ khan hiếm, giá dừa tăng cao vào ba tháng cuối năm đã diễn ra nhiều năm qua”.

Giá dừa hiện đạt ngưỡng 26.000 – 29.000đ/chục, doanh nghiệp phải tranh mua mới có! Cái lý các nhà máy chế biến dừa ở Bến Tre đưa ra: Do xuất khẩu sang Trung Quốc nên dẫn đến thiếu nguyên liệu (?) UBND tỉnh Bến Tre không thể ra lệnh cấm nông dân bán dừa nguyên liệu xuất khẩu sang Trung Quốc. Vấn đề nằm ở chỗ “thuận mua, vừa bán”. Không ít nông dân đặt câu hỏi: Tại sao lúc giá dừa còn 12.000đ/chục, nhà máy chế biến không nâng mức giá mua lên giá sàn tối thiểu có lợi cho nông dân? Như vậy, có công bằng với nông dân không khi giá dừa vọt lên, khan hiếm thì doanh nghiệp lại yêu cầu can thiệp?

Trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với mía nguyên liệu. Giá mía liên tục ở mức cao từ đầu vụ đến nay ở địa bàn tỉnh Hậu Giang. Có lúc lãnh đạo nhà máy đường cho rằng các nhà máy đường từ nơi khác đến mua mía non để giành nguồn nguyên liệu? Thật ra, việc nông dân bán mía non (chữ đường thấp) là việc “chẳng đặng đừng” bởi hiện tại tuy mía non nhưng giá tới 400đ - 450đ/kg, trong khi giữ mía tới khi đủ chữ đường thì không doanh nghiệp nào dám “cam kết” sẽ mua với giá này?

Cuối tháng 11-2005, giá cá tra đã nhích lên 11.000đ/kg. Song theo nhận định của GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang: “Giá cá tra, cá basa sẽ tăng trở lại và đạt mức 12.000đ/kg”. Nguyên nhân chủ yếu do dịch cúm gia cầm đang lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới; các đơn đặt hàng cá tra, cá basa từ châu Âu đang tăng vọt. Nhiều khả năng các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng đủ các đơn đặt hàng này trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến nay, giá cá tra, cá basa vẫn bị các doanh nghiệp xuất khẩu “ghìm” ở mức thấp. Nhiều nông dân nuôi cá bất bình: “Doanh nghiệp cứ đưa ra lý do dư lượng kháng sinh để “ngâm” các ao cá tra, cá basa của nông dân”.

Hiện tại, khoảng 30% - 40% nông dân nuôi cá tra, cá basa ở ĐBSCL đã bỏ nghề hoặc chuyển sang nghề khác. Một vị lãnh đạo ở Hội Nghề cá Việt Nam nhận định: Cá tra, cá basa nguyên liệu sẽ khan hiếm và giá tăng mạnh trở lại trong năm 2006!

Câu chuyện kinh doanh kiểu “ăn xổi ở thì” không chỉ xảy ra giữa doanh nghiệp với nông dân, ngay trong doanh nghiệp xuất khẩu cũng có.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhìn nhận: “Nhận thức về cạnh tranh yếu kém, không lành mạnh, một số doanh nghiệp đã làm giá cả luôn bất ổn. Một khách nước ngoài đã nói tại Hội chợ Brussel (Bỉ): “Cứ mỗi 5 phút thì tôi thấy có một thương nhân Việt Nam chào giá cá Pangasius rẻ hơn 10 cents”. Rõ ràng là chính doanh nghiệp Việt Nam đã tự gây bất lợi không chỉ cho riêng mình, có thể nói sự thiệt hại đó cho cả ba phía (doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nhập khẩu và cả người nuôi)”.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện bao tiêu hàng hóa nông sản. Song cách làm hiện nay vẫn còn nhiều bất hợp lý. Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng Khoa Kinh tế – Quản trị kinh doanh, Trường đại học Cần Thơ, cho biết: Nhiều nhà máy đường đã hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu ở Hậu Giang, Bến Tre kèm theo việc cung cấp một số dịch vụ, vốn, phân bón, giống… Nhưng khi giá mía cao, nông dân bán cho bên ngoài; hay ở một số sản phẩm khác, giá thấp thì công ty không mua hoặc mua không hết. Tính ràng buộc hợp đồng ở đây, trong đó có vai trò của nhà nước chưa thể hiện rõ.

Có ý kiến cho rằng kiểu làm ăn “ăn xổi ở thì” của một số doanh nghiệp tạo ra sự “lây nhiễm” nghiêm trọng trong sản xuất của nông dân. Không ít nông dân đốn hạ bất cứ cây - con gì rớt giá để chạy theo thị trường. Một thời nông dân ban liếp mía, trồng lúa; rồi lại lên liếp trồng mía… Sau tôm sú, cá điêu hồng, cá tra, cá basa… nay nông dân nuôi cá rô đồng, cá thát lát công nghiệp rồi cả ếch Thái Lan... Hệ lụy của nó, có cái đã thấy, có cái sắp diễn ra!

Tất nhiên, lỗi ở đây có nhiều nguyên nhân. Từ sự quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch thị trường đến khâu đầu tư kỹ thuật cần thiết cho nông dân… còn nhiều yếu kém. Song, có thể nói kiểu “ăn xổi ở thì” của một số doanh nghiệp đã đến hồi báo động. Căn bệnh này là một nguy cơ tiềm ẩn cho sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản ĐBSCL trước thềm gia nhập AFTA và WTO!