Bài 2: Khẩn trương tháo gỡ khó khăn

Bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa, bão

Mùa mưa bão đang đến nhưng hiện tại vẫn còn rất nhiều đập, hồ chứa ở các tỉnh miền trung vẫn chưa được nâng cấp, cải tạo do thiếu kinh phí. Việc kiểm định để phát hiện ẩn họa, khuyết tật công trình, đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành… chưa được thực hiện nghiêm.
Công trình hồ chứa nước Phù Mỹ (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) xuống cấp, chưa được đầu tư sửa chữa. (Ảnh: CÔNG LÝ)
Công trình hồ chứa nước Phù Mỹ (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) xuống cấp, chưa được đầu tư sửa chữa. (Ảnh: CÔNG LÝ)

Cùng với đó, nhiều quy định về vận hành bảo đảm an toàn hồ đập không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho việc quản lý, khai thác, sử dụng các công trình.

Chưa tuân thủ việc kiểm định

Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, toàn tỉnh hiện có 56 công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi, trong đó một hồ chứa nước là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (hồ chứa nước Tả Trạch); 8 hồ chứa nước lớn, 17 hồ vừa và 30 hồ nhỏ; hơn 50 hồ chứa thủy lợi nhỏ khác và 275 đập dâng, phân bố tại tất cả 9 địa phương, cung cấp nguồn nước cho gần 62.000 ha đất nông nghiệp, cấp hơn 1,2 tỷ mét khối nước cho sinh hoạt, công nghiệp, kết hợp phát điện, phòng chống lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, cải thiện môi trường,... Ngoài ra, địa phương này còn có 13 hồ chứa thủy điện lớn nhỏ. Tổng dung tích hồ chứa thủy lợi, thủy điện khoảng hơn 2.000 triệu mét khối.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đình Đức cho biết, một số nội dung quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.

Theo quy định, định kỳ 5 năm phải thực hiện kiểm định để phát hiện ẩn họa, khuyết tật công trình; đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, tài liệu khí tượng thủy văn và thay đổi về lưu vực đã được cập nhật.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2% số hồ được kiểm định theo quy định. Ngoài ra, chỉ có 7% số hồ, đập được cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước.

Trước thực trạng nêu trên, vừa qua, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 55 đập, hồ chứa nước trước mùa mưa bão 2024. Theo đó, nhiều công trình đã xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp. Đường thoát lũ tại khu vực tràn và cửa van của các hồ chứa bị bồi lấp, cây cỏ mọc nhiều trên thân đập;...

Trong đó, các hạng mục mặt đập, thân đập, mái hạ lưu đập của hồ chứa nước Bến Ván 1, Bến Ván 2, phần đuôi tràn hồ chứa nước Thủy Yên ở huyện Phú Lộc bị sạt lở và có nguy cơ mở rộng; một số hạng mục phụ trợ đã hư hỏng, một số đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí đã xuống cấp.

Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các hồ chứa nước thủy lợi ở địa phương này đã được đầu tư xây dựng từ lâu, qua nhiều giai đoạn quản lý khai thác dẫn đến thất lạc hồ sơ, gây khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ quản lý đập, hồ chứa nước. Việc kiểm định an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, cắm mốc hành lang bảo vệ... cần có kinh phí lớn để triển khai.

Quy định xa thực tế

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam Lê Vũ Thương cho biết, trong quá trình quản lý, vận hành bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập, khó khăn, vướng mắc. Đó là, một số quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP (ngày 4/9/2018) về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước không còn phù hợp thực tế quản lý, vận hành các công trình đập, hồ chứa nước, cần phải được điều chỉnh, bổ sung.

Bên cạnh đó, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg (ngày 23/12/2019) của Thủ tướng Chính phủ, quy định “trong quá trình vận hành giảm lũ cho hạ du, khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường thì vận hành duy trì mực nước hồ”; tuy nhiên quy định này không phù hợp đối với một số công trình thủy điện có nhiều hình thức xả tràn do để duy trì mực nước hồ ở mực nước dâng bình thường (bằng cao trình đỉnh đập tràn tự do) thì phải mở các cửa van cung, trường hợp lưu lượng về hồ nhỏ, việc mở các cửa van cung ở độ mở cửa nhỏ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến các thiết bị vận hành, an toàn công trình.

Mặt khác, các dự án thủy điện đều nằm ở khu vực miền núi, các tuyến đường giao thông đi lại, chủ yếu do địa phương quản lý, thường xuyên bị ảnh hưởng do sạt lở đất; các trạm phát sóng điện thoại thường xuyên bị mất tín hiệu làm ảnh hưởng đến việc thông tin liên lạc, công tác vận hành, cung cấp thông tin vận hành và ứng phó thiên tai.

Trong mùa mưa lũ, các chủ đập phải cập nhật, cung cấp với cùng một số liệu quan trắc thủy văn của hồ chứa lên nhiều website của các cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức khác nhau, điều này làm mất nhiều thời gian. Ngoài ra, việc nhập số liệu cho nhiều website sẽ dẫn đến sai sót, nhất là trong thời gian cần tập trung nhân lực cho công tác ứng phó bão, lũ.

Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam Lê Vũ Thương đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sớm điều chỉnh, bổ sung Nghị định 114/2018/NĐ-CP phù hợp với thực tế quản lý, vận hành các công trình đập, hồ chứa nước; đồng thời đề nghị Bộ Công thương có ý kiến để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm chính thức bàn giao, hướng dẫn bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn để có cơ sở triển khai, hướng dẫn các chủ đập xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đối với đập, hồ chứa.

Trong quá trình triển khai, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật bản đồ ngập lụt vùng hạ du để các chủ đập có cơ sở xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp được chuẩn xác hơn; xem xét phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập, phê duyệt để thuận lợi trong cập nhật, hiệu chỉnh, phê duyệt hằng năm và triển khai thực hiện.

“Khát vốn” nâng cấp hồ, đập

Lãnh đạo nhiều tỉnh miền trung cho biết, nguồn lực hiện nay của các địa phương còn hạn chế, vì thế Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ các địa phương về nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất và bảo đảm an toàn cho người dân khi mùa mưa lũ đến.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Trần Hoài Nam, hiện tại do mức giá tối đa sản phẩm công ích dịch vụ thủy lợi do Bộ Tài chính ban hành đang ở mức thấp cho nên chưa bảo đảm được các chi phí cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi.

Vì vậy, những hư hỏng nhỏ của các đập, hồ chứa vừa và nhỏ không được xử lý, sửa chữa kịp thời dẫn đến xuống cấp nhanh hơn. Bên cạnh đó, trang thiết bị quản lý, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu các hồ chứa mà địa phương quản lý không có, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành an toàn hồ, đập.

Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa có nguy cơ cao như Dạ Lam và Troóc Vực, đề nghị UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn để khẩn trương triển khai tu bổ hoàn thành trong năm 2025.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị Lê Văn Trường cho biết, do biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt làm cho nhiều đập, hồ thủy lợi hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng công tác phục vụ sản xuất nông nghiệp và an toàn hồ, đập.

Trước vấn đề này, mỗi quý một lần, công ty có báo cáo thực trạng gửi đến cơ quan chức năng và đề xuất giải pháp xử lý nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, trước thực trạng khẩn cấp này, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét tạo điều kiện sắp xếp nguồn vốn cho tỉnh thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa cải tạo các đập, hồ bị hư hỏng để bảo đảm an toàn lâu dài.

Mùa mưa bão đang đến, để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết và bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng trong mùa mưa lũ năm 2024, các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý hệ thống hồ, đập thủy điện và thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Đối với các công trình đang thi công dở dang, chủ đầu tư các công trình chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn, bảo đảm chất lượng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; khẩn trương hoàn thành dứt điểm từng hạng mục, các điểm xung yếu; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa lũ.

Khi có thông tin về tình hình mưa bão, các cơ quan chức năng của tỉnh và chủ đầu tư phải thông báo ngay cho các đơn vị thi công, nhất là các công trình hồ chứa, kè, đê biển đang thi công biết thông tin về tình hình bão, mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình...

Tổ chức kiểm tra hiện trường các công trình để kịp thời chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, trường hợp không bảo đảm phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn; chuẩn bị các vật tư, thiết bị ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho công trình khi có mưa, lũ kéo dài.