Hiện nay, HANOI HGC đang quản lý, vận hành 77 tuyến đường dây (ÐZ) 110 kV với tổng chiều dài 842 km, trong đó 780 km trên không và 62 km cáp ngầm; một tuyến ÐZ 220kV dài 8,1 km; 45 trạm biến áp (TBA) 110kV, 1 TBA 220kV tổng công suất 6.092 MVA. Các tuyến ÐZ và TBA nằm rải rác trên 30 quận, huyện của TP Hà Nội. Thời gian qua, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (LÐCA) trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Việc bảo vệ an toàn hành lang LÐCA 110kV, 220 kV gặp nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, các tòa chung cư cao tầng và công trình nhà dân thi công xây dựng, cải tạo trong và gần hành lang LÐCA 110kV.
Mặt khác, một số đơn vị, người dân sinh sống ở trong và gần khu vực vẫn cố tình vi phạm, bỏ qua các quy định, không phối hợp, hợp tác với HANOI HGC về các biện pháp an toàn điện theo quy định của Luật Ðiện lực, Nghị định số 14/2014/NÐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy định của thành phố. Ðối với công trình cải tạo cơi nới, các hộ dân thường tự ý triển khai các công việc trong phạm vi hành lang lưới điện và chủ yếu làm ban đêm trong thời gian ngắn, cho nên ngành điện rất khó phát hiện để ngăn ngừa hành vi vi phạm.
Giám đốc HANOI HGC Phạm Ðại Nghĩa cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra một số sự cố do tự ý thi công cải tạo cơi nới, vi phạm khoảng cách với lưới điện. Các chủ đầu tư, ban quản lý thi công công trình, công trường không chấp hành, bỏ qua các quy định về bảo vệ an toàn hành lang LÐCA dẫn đến phương tiện phục vụ thi công vi phạm khoảng cách, gây sự cố lưới điện, mất điện diện rộng trên địa bàn TP Hà Nội. Nhiều hộ dân chưa ý thức rõ mức độ nguy hiểm khi để xảy ra vi phạm, để các loại vật liệu, phông bạt... gần ÐZ 110kV khi thời tiết mưa gió lớn, gây nguy hiểm cho người và công trình LÐCA,... Các hành vi này có thể dẫn đến hậu quả lớn như gây tai nạn cho công nhân làm việc trực tiếp và hư hỏng công trình, làm gián đoạn việc cung cấp điện.
Thời điểm này, nhiều cơ sở kinh doanh bánh trung thu đã dựng quầy bánh tạm nằm dưới hành lang LÐCA 110kV (nhất là dọc đường Phạm Hùng) mà không liên hệ, phối hợp ngành điện theo quy định. Các quầy hàng này rất dễ dẫn đến sự cố phóng điện khi có giông lốc, mưa lớn ảnh hưởng tính mạng của người dân khi ra vào mua bánh. Các vụ vi phạm đã được công ty lập hồ sơ xử lý, báo cáo ngay từ khi có hành vi vi phạm đến các cấp ban chỉ đạo phát triển điện lực để xử lý kịp thời theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm an ninh chính trị, cấp điện ổn định cho TP Hà Nội.
Theo Giám đốc HANOI HGC Phạm Ðại Nghĩa, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành hệ thống điện và tăng năng suất lao động trong toàn Tổng Công ty và HANOI HGC, các TBA của công ty đã dần được nâng cấp thành TBA không người trực. Nhằm giảm sức lao động của công nhân trong công tác vệ sinh công nghiệp định kỳ, công ty đã áp dụng công nghệ vệ sinh sứ cách điện online bằng nước áp lực cao. Không để gián đoạn việc cấp điện cho các phụ tải, công ty đã thành lập đội sửa chữa thiết bị đang mang điện đến cấp điện áp 22kV. Ngoài ra, công ty áp dụng nhiều giải pháp công nghệ phục vụ quá trình kiểm tra vận hành thiết bị như máy đo phát nhiệt, máy đo PD nhằm phát hiện sớm các bất thường của thiết bị, kịp thời ngăn ngừa nguy cơ sự cố mất điện, sử dụng chương trình CityWork, Viber để kiểm tra, báo cáo, giám sát trực tiếp tình trạng vận hành hệ thống điện,...
Công ty thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ an toàn công trình LÐCA 110kV với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và cung cấp điện cho thành phố, điển hình như: Thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền an toàn điện đến từng hộ dân, doanh nghiệp sinh sống trong và gần hành lang LÐCA 110kV bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, phối hợp 150 phường, xã tuyên truyền trên loa, bảng tin của các phường xã...; lắp các biển cảnh báo, biển cung cấp thông tin tại công trình lưới điện; làm rào chắn, ba-ri-e, biển cảnh báo hạn chế độ cao phương tiện,... Tháng 6 vừa qua, công ty đã mời 33 chủ đầu tư và các nhà thầu thi công có công trình thi công nằm trong và gần hành lang LÐCA 110kV để họp bàn đưa ra các giải pháp bảo đảm an toàn điện khi thi công, mời thêm Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển điện lực thuộc Sở Công thương Hà Nội và Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) tham gia. Sau cuộc họp, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã nhận thức đầy đủ hơn việc bảo đảm an toàn hành lang LÐCA.
Công ty khuyến cáo, người dân, cơ quan, chủ các công trình không tự ý làm các công việc trong phạm vi hành lang lưới điện, cần liên hệ với ngành điện để phối hợp, có biện pháp bảo đảm an toàn cho tính mạng và công trình. Khi xây dựng, cải tạo công trình trong hành lang phải thỏa thuận an toàn điện với ngành điện theo đúng quy định. Không được tập kết vật tư, vật liệu trong hành lang LÐCA vì rất dễ vi phạm khoảng cách an toàn, gây tai nạn cho người và gây sự cố mất điện.
Công ty kiến nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành và các cơ quan truyền thông trong công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện để chủ đầu tư, người dân hiểu rõ các quy định an toàn và mức độ nguy hiểm, hậu quả để lại thường rất nặng nề khi vi phạm khoảng cách an toàn. Trước khi cấp phép, phải yêu cầu chủ đầu tư có thỏa thuận với ngành điện theo đúng quy định. Ðơn vị cấp phép phải có biện pháp kiểm tra sau cấp phép; cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm giấy phép đã cấp và vi phạm trật tự xây dựng,...