Phần đông người lao động quay trở lại thành phố là công nhân, lao động mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, miền tây và các địa bàn lân cận TP Hồ Chí Minh. Ðón công nhân từ các tỉnh trở lại thành phố sau nhiều tháng công ty ngừng hoạt động, một doanh nghiệp xuất khẩu da giày đã chuẩn bị phần thưởng “nóng” cho mỗi công nhân là một triệu đồng/tháng (áp dụng trong ba tháng), cũng có doanh nghiệp tuyển dụng mới người lao động để bù đắp số lao động nghỉ việc với mức lương cao hơn thời điểm trước dịch…
Ðặc biệt, hầu hết doanh nghiệp đóng trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hay doanh nghiệp sản xuất có đông công nhân đã phối hợp lực lượng y tế địa phương tổ chức ngay việc tiêm vaccine đủ liều cho lao động khi họ quay trở lại nhà xưởng. Ðó chính là những động thái tích cực thể hiện việc các doanh nghiệp, đơn vị chú trọng nuôi dưỡng nguồn lực lao động, cũng chính là yếu tố sống còn để phục hồi sản xuất, duy trì các đơn hàng xuất khẩu sau nhiều tháng sụt giảm.
Theo Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), kể từ sau ngày 30/9, có gần 230.000 lao động của 1.400 nhà máy đóng trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao của thành phố trở lại làm việc, đạt tỷ lệ hơn 90%. Ðây cũng là những nơi được cho là ít bị tác động và ảnh hưởng trước thực trạng “lao động hồi hương” vì hầu hết doanh nghiệp đều có phương án sản xuất phù hợp và duy trì lương bổng cũng như các chế độ, chính sách phù hợp, để người lao động yên tâm bám trụ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, hiện đã có hơn 143.000 lao động trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc và nhận định đây là dấu hiệu tích cực bởi hai yếu tố: Thứ nhất là người lao động từ TP Hồ Chí Minh trở về các địa phương giảm dần. Thứ hai là người lao động trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Ðồng Nai, Bình Dương, Long An… gia tăng do việc lưu thông đi lại bắt đầu thuận tiện hơn. Rõ ràng, người lao động sau thời gian về quê tránh dịch đã thu xếp quay trở lại thành phố làm việc và mưu sinh khi bức tranh về tình hình dịch Covid-19 được phủ “sắc xanh”, trong đó cơ bản tình hình dịch bệnh được kiểm soát; việc thành phố cho mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì kéo theo đó phát sinh nhu cầu nguồn lực lao động cũng tăng lên.
Với nhóm lao động chính thức, có hợp đồng lao động làm việc trong các doanh nghiệp, khi nhà máy đóng cửa vì dịch bệnh thì họ về quê, đến nay nhà máy khôi phục sản xuất thì họ quay lại làm việc. Với nhóm lao động tự do, lao động phi chính thức làm việc nhà hàng, quán ăn, dịch vụ giao hàng, thi công xây dựng…, khi thành phố cho phép các lĩnh vực này hoạt động bảo đảm các tiêu chí phòng chống dịch thì nhu cầu cần lao động tất yếu cũng sẽ tăng.
Thành phố mở cửa để phục hồi nền kinh tế, các doanh nghiệp bắt tay kích hoạt các cỗ máy sản xuất thì nguồn lực lao động chính là yếu tố sống còn. Vì vậy chính quyền thành phố, từng doanh nghiệp phải “nuôi dưỡng” nguồn lực lao động bằng các chính sách trước mắt cũng như lâu dài để đáp ứng quá trình hồi phục sản xuất trên cơ sở thích ứng an toàn. Trước mắt, chính quyền địa phương cần chủ động thực hiện tốt công tác hỗ trợ an sinh như vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê, hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn.
Ngành lao động cần chủ động tổ chức, kết nối người lao động với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu cao về nguồn lao động (như dệt may, da giày) để sớm bổ sung lao động thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu đơn hàng cuối năm. Ðặc biệt, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân lao động, để bảo đảm an toàn phòng dịch khi nhà máy mở cửa. Chính quyền thành phố cùng các sở, ngành chức năng lập ngay tổ công tác để tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như chương trình và mục tiêu thành phố vừa đề ra. Ðặc biệt, TP Hồ Chí Minh tích cực phối hợp các tỉnh, thành phố lân cận như: Bình Dương, Ðồng Nai, Long An, Tây Ninh tạo cơ chế thuận lợi hơn trong việc đi lại, lưu thông để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện sớm quay trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc.