Bánh hồng là một trong những đặc sản của vùng đất Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), xứ dừa của miền Trung, nơi bạt ngàn xừa xanh tươi tốt, đi vào câu ca xưa: “Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”.
Bánh hồng là món ăn đơn sơ mộc mạc, gần gũi của người dân Bình Định nhưng không kém phần cầu kỳ, thể hiện được sự khéo léo của người làm bánh.
Nguyên liệu chính để làm bánh cũng đơn giản chỉ là gạo nếp, đường và dừa tươi. Để bánh ngon, người làm sẽ chọn gạo nếp ngự hoặc nếp mới để bảo đảm đủ độ dẻo, thơm.
Sau khi ngâm qua một đêm, gạo nếp sẽ được nghiền thành bột nước, ép ráo nước thành từng cục bột để mang đi luộc. Khâu luộc bột là quan trọng nhất khi làm bánh hồng, đòi hỏi độ khéo léo của người làm, để canh lửa sao cho bột chín tới, không bị sống, vón cục ở trong hay chảy nhão. Khi bột chín, người làm vớt bột cho vào chảo đường đang đun, đổ cả cùi dừa tươi đã bào thành sợi nhỏ vào cùng. Người nấu phải bảo đảm khuấy nhanh, đều tay để bột, dừa và đường quyện vào nhau. Khi bột chín, đổ bột từ chảo ra khuôn đã được rải sẵn bột nếp khô, cán bánh theo khuôn hình vuông với độ dày khoảng ba, bốn cm rồi rải thêm một lớp mỏng bột nếp khô lên bề mặt, đợi bánh nguội là có thể dùng được.
Bánh hồng khi thưởng thức sẽ có độ mềm dẻo, mang mùi thơm đặc trưng của gạo nếp, vị ngọt của đường, lại thêm nhân dừa tươi giòn giòn, béo bùi hấp dẫn vị giác. Vì có nhân dừa tươi, bánh chỉ bảo quản được nhiều nhất là năm ngày, nên cũng không thích hợp với hành trình xa.
Nhiều người ở Tam Quan nói rằng, cái tên bánh hồng chỉ đơn giản là một màu sắc đặc trưng của bánh. Thay vì màu trắng đục của bột nếp nấu chín, những người làm bánh đã biến hóa thêm màu hồng, màu xanh của gấc, lá dứa…vào bánh, làm cho món ăn được bắt mắt hơn.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, vì làm trong mỗi dịp đám cưới, đám hỏi ở vùng đất này, nên loại bánh này cùng với tấm thiệp hồng đều mang ý nghĩa là loại bánh báo tin vui.
Ngay cả khi thưởng thức bánh hồng, người ăn cũng thấy sự hòa quyện ngọt ngào trong mỗi miếng bánh, giống như hương vị của hạnh phúc lan tỏa tới mọi người. Bởi vậy, người Bình Định vẫn nói, nếu có ai chúc “Sớm cho bà con ăn bánh hồng” tức là mong cho cô gái, hay chàng trai ấy sớm tìm được người kết duyên đôi lứa. Trong những dịp lễ, tết, bánh hồng thường được gia chủ mời kèm với nước trà để giảm đi độ ngọt, thêm vị thanh mát của trà.
Hiện nay, bánh hồng Tam Quan không chỉ là món bánh xuất hiện trong những dịp đặc biệt ở Bình Định, mà đã trở thành một đặc sản xứ dừa miền trung giản dị, đậm đà làm quà cho khách du lịch.