Ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả “lọt” vào văn phòng công chứng

Nhiều bạn đọc phản ánh, thời gian qua, tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ, mạo danh người khác để làm thủ tục công chứng chuyển nhượng, thế chấp nhà đất xuất hiện ngày một nhiều.

Người dân làm thủ tục công chứng giấy tờ liên quan sang nhượng đất đai tại văn phòng công chứng ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Người dân làm thủ tục công chứng giấy tờ liên quan sang nhượng đất đai tại văn phòng công chứng ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

 Hiện tượng này tác động xấu đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch dân sự, giải quyết thủ tục hành chính, thiệt hại về vật chất cho người dân, khiến người dân lo lắng khi giao dịch mua bán tài sản tại các văn phòng công chứng.

Tháng 2/2021, Viện KSND thành phố Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố ba bị can: Ngô Thị Hiếu (huyện Đông Anh, Hà Nội), Tạ Quốc Hùng (quận Ba Đình, Hà Nội) và Nguyễn Lệ Huyền (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ba bị can nêu trên đã cùng đồng phạm có hành vi đánh tráo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và thuê người đóng giả vợ chồng chủ đất, làm giả chứng minh nhân dân, hộ khẩu, trích lục kết hôn rồi lừa bán bất động sản tại văn phòng công chứng, thu lợi bất chính hai tỷ đồng.

Trước đó không lâu, ông L.H.H., trú tại TP Hồ Chí Minh mua một chiếc xe ô-tô trị giá hơn 500 triệu đồng của một người ở quận Gò Vấp. Người bán xe đề nghị khách hàng đến văn phòng công chứng để thực hiện hợp đồng do người bán được người khác ủy quyền.  Mang xe về, ông H. mang đi đăng kiểm mới biết giấy tờ xe vừa mua là giả và chiếc xe đang được thế chấp ngân hàng, chủ xe chưa tất toán nợ.

Ông H. sau đó tố cáo vụ việc đến cơ quan công an. Kết quả giám định của cơ quan chức năng xác định chữ ký chủ xe trên giấy ủy quyền và trên hợp đồng vay tại ngân hàng không cùng một người viết ra. Văn phòng công chứng sau đó cũng thừa nhận là nạn nhân trong vụ việc nêu trên vì rất khó phân biệt được giấy ủy quyền, chữ ký hay chữ viết trên giấy tờ là thật hay giả và đang phối hợp cùng cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.

Trên đây là hai trong nhiều vụ việc các công chứng viên để “lọt” giấy tờ giả trong thời gian qua. Theo nhiều công chứng viên, việc giả mạo các loại giấy tờ xảy ra nhiều tại các văn phòng công chứng, phổ biến nhất là giả mạo giấy tờ, hồ sơ để công chứng, chứng thực, có thể là bằng tốt nghiệp, giấy tờ tùy thân, thậm chí các loại giấy tờ gắn với các tài sản có giá trị lớn như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất, ô-tô.

Ngoài ra, không ít đối tượng còn thuê người mạo danh chủ sở hữu của một số loại tài sản có giá trị để giao dịch mua bán nhằm “qua mặt” công chứng viên. Các hành vi nêu trên tác động xấu đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch dân sự, giải quyết thủ tục hành chính. Với các thủ đoạn khác nhau được thực hiện tại các văn phòng công chứng, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt của các tổ chức, cá nhân số tiền hàng tỷ đồng.

Không chỉ thiệt hại về vật chất, các hành vi này còn ảnh hưởng đến uy tín của các văn phòng công chứng và khiến người dân cảm thấy lo lắng khi giao dịch mua bán tài sản tại các văn phòng công chứng.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Trưởng văn phòng công chứng Lạc Việt (Hà Nội), văn phòng công chứng có một số loại máy móc, thiết bị soi chiếu nhằm phát hiện giấy tờ giả. Tuy nhiên, trước sự phát triển không ngừng của công nghệ, giấy tờ giả được làm ngày càng tinh vi. Chưa kể, giấy tờ muốn xác định thật giả phải qua giám định mới có thể kết luận chính xác.

Vì thế, trong một số trường hợp, công chứng viên phải dựa vào cả kinh nghiệm làm nghề. Tuy nhiên, dựa vào yếu tố kinh nghiệm thì lại đặt ra bài toán khó giải cho những người mới hoặc hành nghề công chứng chưa lâu. Nếu không may thực hiện công chứng đối với giấy tờ giả, công chứng viên có thể sẽ đối mặt nguy cơ phải bồi thường, thậm chí bị xử lý hình sự.

Điều 38, Luật Công chứng năm 2014 quy định: Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

Do đó, nếu xảy ra thiệt hại, tổ chức hành nghề công chứng có công chứng viên vi phạm phải chịu trách nhiệm. Vi phạm của công chứng viên trong các trường hợp này là không xác định được giấy tờ giả mạo khi xem xét tính hợp pháp của các loại giấy tờ.

Theo Điều 12, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp..., đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch sẽ bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến bảy triệu đồng.

Phạt tiền từ bảy triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, văn bản hoặc giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch; làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức.

Theo Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 về chính sách phát triển nghề công chứng của Chính phủ đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động công chứng, phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng nhằm phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi trong đó có lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của công chứng viên; xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với cơ sở dữ liệu công chứng bảo đảm việc kết nối liên thông giữa các sở, ban, ngành có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng... 

Ngày 5/3/2021, Bộ Tư pháp có Quyết định số 299/QĐ-BTP ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, Bộ sẽ thường xuyên rà soát  các quy định pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, đầu tư, giao dịch bảo đảm... liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng; quy định về việc sử dụng tài liệu, giấy tờ giả, giả mạo người yêu cầu công chứng và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động công chứng; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc; tổ chức đào tạo, tập huấn việc khai thác sử dụng hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường điện tử và thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng... Đây có thể xem là những giải pháp căn cơ, lâu dài để ngăn chặn tình trạng sử dụng giấy tờ giả trong hoạt động công chứng.

Ngoài những giải pháp nêu trên, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp ngăn chặn, xử phạt nghiêm khắc các hành vi giả mạo giấy tờ để lừa đảo. Để nhận diện giấy tờ giả mạo, nhiều cơ quan quản lý tổ chức hành nghề công chứng, hội, tổ chức chứng viên trên cả nước đã tiến hành nhiều đợt tập huấn, nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên. Nhiều công ty, văn phòng công chứng trang bị các máy soi, kính lúp để phóng đại quan sát các chi tiết trên giấy tờ, văn bản… Khi phát hiện, nghi ngờ các giấy tờ giả mạo, công chứng viên lập biên bản tạm giữ giấy tờ để xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền.

Hoàng Phan