Bàn giải pháp phục hồi sản xuất nông, thủy sản sau giãn cách xã hội

NDO -

Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra tổn thương nặng nề cho nền kinh tế trong đó có ngành nông nghiệp. Hiện nay, một số địa phương tại khu vực Nam Bộ đã và đang nới lỏng giãn cách, chuyển từ thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg sang Chỉ thị 15/CT-TTg. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng đang khẩn trương triển khai các phương án phục hồi sản xuất sau thời gian giãn cách.

Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra tổn thương nặng nề cho nền kinh tế trong đó có ngành nông nghiệp.
Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra tổn thương nặng nề cho nền kinh tế trong đó có ngành nông nghiệp.

Nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất

Tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam bộ diễn ra ngày 17/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Vào thời điểm giữa tháng 7/2021, ít doanh nghiệp có thể đánh giá được rằng việc giãn cách có thể kéo dài đến hơn 2 tháng mà chỉ tính toán thực hiện giãn cách trong vòng 2-3 tuần nên có nhiều bị động. Vì vậy công suất ngành chế biến thủy sản giảm chỉ còn 30-35%, nhiều đơn hàng không đáp ứng được.

Theo ông Nam, điều đáng lo ngại nhất là nguồn nguyên liệu, từ khai thác và nuôi trồng của cá tra, tôm, đặc biệt cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Lượng cá tra quá cỡ, không thể khai thác, thu hoạch để đưa về. Ách tắc đó kéo theo khó khăn cho không chỉ doanh nghiệp thủy sản mà cả vấn đề xuất khẩu. Hiện chỉ có từ 30 – 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Theo tính toán của VASEP, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 - 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng - 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không bảo đảm tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine chưa thể đến cơ sở sản xuất, hoặc đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19…

Ngoài ra, chủ trương của nhiều tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch. Nếu các địa phương tiếp tục giãn cách thì khả năng rất khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không bảo đảm tiến độ giao hàng; đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19….

Bàn giải pháp phục hồi sản xuất nông, thủy sản sau giãn cách xã hội -0
 Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam Bộ diễn ra ngày 17/9.

Tháo gỡ khó khăn phục hồi sản xuất

Theo các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, để tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông thủy sản sau giãn cách xã hội, ngoài tạo thuận lợi trong vấn đề lưu thông, cần ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí xét nghiệm cho lao động làm việc “3 tại chỗ”; khuyến khích nông dân trở lại sản xuất và hỗ trợ lao động trở lại làm việc tại các vùng sản xuất, nhà máy, cơ sở chế biến; tăng cường kết nối thị trường để tránh đứt gãy thêm chuỗi sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kiến nghị, cần nhanh chóng đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, cụm công nghiệp, khu chế xuất để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới - yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. “Đây là vấn đề rất đau đầu cho các doanh nghiệp khi người lao động đã bỏ đi, rồi việc kêu gọi họ lại là hết sức khó khăn và rất tốn kém”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

“Thời điểm hiện nay, khi các địa phương vẫn ưu tiên về chống dịch nhiều hơn thì việc mở cửa để sản xuất có thể từng phần hoặc mở thêm cho sản xuất “3 tại chỗ”, những phương án này đều phải trình duyệt cấp địa phương. Chúng tôi mong rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến đối với các địa phương để việc này thực hiện nhanh hơn khi đó phục hồi sản xuất mới có thể thực hiện được”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất, Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp theo các kịch bản và phù hợp tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế để có hướng dẫn về vấn đề này; trong đó, quy định rõ tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test lại và cụ thể cho các trường hợp: chưa tiêm vaccin, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú kiến nghị, ngành cần có giải pháp làm sao khuyến khích bà con phục hồi sản xuất thì mới có nguyên liệu để chế biến, từ đó có thể tạo việc làm, thu nhập cho lao động tại các nhà máy.

Ông Lê Văn Quang nhận định, cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng, doanh nghiệp rất lo lắng, không có nguyên liệu chế biến trả các đơn hàng. Nếu thả nuôi tôm gấp thì sẽ có nguyên liệu phục vụ cho thị trường châu Á cuối năm. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã tăng giá mua tôm liên tục để khuyến khích bà con thả nuôi tôm. Hiện giá tôm đã gần bằng so với trước dịch Covid-19 nhưng nông dân vẫn lo ngại dịch bệnh, doanh nghiệp không thu mua nên việc thả nuôi vẫn không được như dự tính.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để phát triển kinh tế; trong đó đặc biệt là với tính chất sản xuất nông nghiệp như 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì cần xem đây là một thực thể kinh tế chứ không phải 13 mảnh ghép địa giới hành chính. Sẽ khó phát triển đồng bằng sông Cửu Long nếu tư duy theo 13 tỉnh, thành.

“Các địa phương đang họp bàn giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch, nhưng nếu các tỉnh chỉ tư duy cho địa phương mình thì sẽ không thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần đưa bà con vào hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo vùng trồng, vùng nuôi có mã số, có chứng chỉ chất lượng… cùng với giảm chí phí đầu vào sản xuất. Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều dư địa để giảm chí phí sản xuất thì cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con.