Bài toán nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long

Hạn hán và nước mặn xâm nhập không chỉ ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng, vật nuôi mà còn khiến cho hàng trăm nghìn hộ dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long rơi vào cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt. Mặc dù, các tỉnh trong vùng đã xây dựng kịch bản và triển khai nhiều biện pháp ứng phó từ trước, nhưng ở nhiều địa bàn dân cư, nước ngọt vẫn vô cùng khan hiếm...

Kênh rạch vùng ngọt tỉnh Cà Mau khô cạn vì hạn hán, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Kênh rạch vùng ngọt tỉnh Cà Mau khô cạn vì hạn hán, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Bài 1 Khát giữa vùng sông nước

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đất đai màu mỡ, được gọi là “vựa lúa”, “vựa cá”, “vựa trái cây” của cả nước. Vùng phù sa mùa khô thiếu nước, mùa lũ ngập đồng giờ đây đang “gồng mình” chống chọi với hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Và người dân nơi đây còn đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Hạn hán và mặn xâm nhập bủa vây

Cách đây bốn năm, mùa khô năm 2015 - 2016, khô hạn khốc liệt nhất trong vòng nhiều thập kỷ đã xảy ra ở ĐBSCL. Ngoài sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, hàng trăm nghìn hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.Từ đô thị đến nông thôn, từ đất liền ra hải đảo, nơi nào người dân cũng khốn khó vì thiếu nước. Chính quyền và rất nhiều tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm phải tìm mọi cách để giải “cơn khát” cho người dân. Ở các khu đô thị, xe đưa nước đến từng địa bàn dân cư cấp cho dân. Ở các vùng nông thôn, người dân phải di chuyển một quãng đường dài, thức suốt đêm để canh hứng từng can, từng thùng nước tại các giếng khoan. Còn tại các vùng biển đảo, người dân còn phải tốn kém một số tiền lớn nhưng nước vẫn không đủ nhu cầu sử dụng, một đơn vị nước phải sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần.

Còn hiện nay, mùa khô năm 2019 - 2020 được dự báo sẽ gay gắt hơn cả mùa khô năm 2015 - 2016. Câu chuyện thiếu nước sinh hoạt đã bắt đầu. Những ngày qua, tại các tỉnh ĐBSCL, cao trào là Bến Tre, nước sạch đã trở thành đề tài thời sự. Trên các trang mạng xã hội, mọi người bàn nhiều về vấn đề này. Nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại Bến Tre là do nước nhiễm mặn cao, các nhà máy nước không thể có nguồn nước để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều chuyến xe chở nước đã được một số tổ chức, cá nhân chuyển về vùng hạn mặn cho người dân. Trong đó lực lượng tiên phong phải kể đến là các đơn vị bộ đội, giới nghệ sĩ, doanh nghiệp... “Cơn khát” có phần dịu lại, nhưng nguy cơ bùng phát vẫn còn, nếu hạn, mặn tiếp tục kéo dài.

Mặc dù chưa khốc liệt như Bến Tre, nhưng hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hậu Giang, hiện nồng độ mặn trên các con sông, tuyến kênh, con rạch như: Cái Côn (huyện Châu Thành), Mang Cá (TP Ngã Bảy), kênh Lầu xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), kênh Mười Thước (huyện Long Mỹ)... đều rất cao, cao nhất là tại UBND xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) độ mặn lên đến 18,6‰. Dự báo, nồng độ mặn tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt hơn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt khá nghiêm trọng, nhất là vùng nông thôn. Gia đình anh Võ Văn Tao, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), những ngày qua đã phải mang thùng đi xin hàng xóm nước ngọt, do nước dưới kênh mặn không thể sử dụng được nữa. Gia đình anh Tao thuộc diện hộ nghèo, hằng ngày, anh Tao phải đi làm mướn kiếm tiền sống qua ngày. “Thấy hoàn cảnh của tôi nghèo, nên chị hàng xóm tốt bụng cho nước từ giếng khoan của gia đình chị” - anh Tao chia sẻ. Sở NN và PTNT Hậu Giang đã thống kê, mùa hạn mặn năm nay, địa phương có hơn 2.000 hộ dân ở nông thôn thiếu nước sinh hoạt. Đây là những địa bàn xa hệ thống cấp nước của các nhà máy nước. Và đa phần hộ khó khăn về nước cũng là hộ nghèo, không có điều kiện để mua sắm dụng cụ chứa nước hay khoan giếng. Theo ông Nguyễn Văn Lòng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang, vùng có khả năng bị thiếu nước ngọt sinh hoạt chủ yếu là ở các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và TP Vị Thanh.

“Trung tâm có năm trạm cấp nước có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Nếu mặn xâm nhập sâu kéo dài, các trạm không lấy được nước thì có đến hơn 7.800 hộ bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Văn Lòng nói.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, sau đợt triều cường gần đây, nước mặn đã vào sâu các con sông, tuyến kênh, rạch trên địa bàn tỉnh. Tại các xã Thạnh Thới An, Thạnh Thới Thuận, Viên An, Viên Bình... của huyện Trần Đề, ruộng đồng nứt nẻ, nước mặn trong các ao hồ đã vượt ngưỡng. Anh Lâm Phôl, ngụ ấp Trà Ong, xã Viên Bình có thửa ruộng trồng hành lá đang héo dần nói: “Hành chết như vậy là thiếu giống cho vụ sau. Nhưng cái lo nhất hiện nay là cả nhà phải tắm giặt trong nước mặn. Người lớn còn ráng chịu đựng, nhưng mấy đứa con nít tắm xong tối ngứa ngáy không ngủ được, rất tội nghiệp”. Cách nhà anh Phôl mấy căn, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt cũng là nỗi lo của ông Huỳnh Ky. “Nếu như năm trước, giờ này tôi trồng dưa leo, dưa hấu... Nhưng năm nay, tôi không dám xuống giống vì nghe khuyến cáo hạn mặn còn kéo dài. Hơn nữa, trong gia đình giờ phải đi đổi nước ngọt để tắm giặt vì nước giếng đã nhiễm mặn rất nhiều”.

Chị Ngô Thị Kim Loan (Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng) đưa chúng tôi xem thiết bị đo nước với chỉ số đã vượt hơn 4.0, nói: “Với độ mặn này thì không thể tưới cho cây trồng và cũng không thể sử dụng sinh hoạt được. Hiện không chỉ ở những vùng nông thôn, mà nhiều vùng ven của TP Sóc Trăng, các giếng khoan của người dân cũng nhiễm mặn”. Qua thống kê, toàn tỉnh Sóc Trăng có 73 xã của 10 huyện, thị xã với 26.572 hộ dân bị ảnh hưởng của hạn mặn và thiếu nước sinh hoạt.

Lao đao vì cuộc sống đảo lộn

Tại tỉnh Cà Mau, hạn hán và xâm nhập mặn không chỉ làm thiệt hại đến cây lúa, con tôm là hai mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương mà còn gây nên cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều kênh, mương trữ nước ngọt bốc hơi, khô cạn. Tuy chưa có con số cụ thể nhưng ước tính, có không dưới 2.000 ha vụ đông xuân ở Cà Mau bị giảm năng suất từ 30 đến hơn 70%. Đó là chưa tính đến tác động xấu đối với vụ rau màu và các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Ngoài sản xuất, hạn hán ở Cà Mau còn ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống của cư dân vùng ngọt hóa. Dù đã đầu tư công trình cấp nước tập trung nhưng hiện người dân ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đang thiếu nước sinh hoạt. Ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc nói: “Lượng nước cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Công suất trạm bơm quá yếu cho nên người dân ấp 1 phải luân phiên nhận nước. Nghĩa là khi một số hộ sử dụng thì một số hộ khác không có nước”.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt còn diễn ra rải rác ở các xã: Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hội, Khánh Hòa (huyện U Minh); Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời)... Qua rà soát của Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 20.800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu kinh phí xây dựng trạm cấp nước; do điều kiện địa chất vùng đó chưa khoan được giếng nước ngầm, hoặc có khoan nhưng nước ngầm bị nhiễm phèn-mặn, không bảo đảm sinh hoạt, ăn uống. Hoặc do dân cư sống phân tán, đường ống chưa kéo được đến tận nơi...

Tại tỉnh Kiên Giang, năm nào cũng vậy, bước vào mùa khô hạn thì một số khu dân cư ở các xã ven biển các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất và các đảo thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Hải, TP Hà Tiên lại thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tại các khu vực ven biển, do địa bàn nằm xa các trung tâm, hệ thống cấp nước của các trạm cấp nước nông thôn chưa phủ đến. Mặt khác, dân cư nơi đây phần lớn thu nhập thấp nên chưa trang bị đầy đủ vật dụng chứa nước. Trong khi mạch nước ngầm đã bị nhiễm phèn - mặn rất nặng, người dân có đầu tư khoan giếng nước cũng không thể sử dụng được. Còn tại các vùng hải đảo, các hồ nước công suất chứa nhỏ, nước bốc hơi nhanh vào mùa khô, nhanh chóng cạn kiệt. Kinh phí đầu tư cho một giếng nước bơm tay quá lớn, phần lớn người dân không thể đáp ứng được. Theo các ngành chức năng, hiện tỉnh Kiên Giang có hơn 12.000 hộ dân đang hoặc sắp thiếu nước ngọt. Hiện nay, giá nước ngọt ở các xã đảo và địa bàn ven biển dao động từ 30 - 60 nghìn đồng/m3, một số nơi giá đã hơn 100 nghìn đồng/m3. Mặc dù giá nước cao ngất ngưởng, nhưng không phải lúc nào người dân cũng mua được...

(Còn nữa)