Bài thuốc dân gian trị mụn nhọt


Nhọt là một bệnh nhiễm trùng da và tổ chức dưới da thường gặp chủ yếu là do tụ cầu gây nên. Theo y học cổ truyền, nhọt thuộc phạm vi chứng “ung thư” (ung: áp - xe; thư: hủy hoại). Nguyên nhân là do huyết nhiệt và nhiệt độc dẫn đến. Bệnh thường gặp vào mùa hè - thu phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhất là ở cộng đồng, điều kiện vệ sinh và chăm sóc y tế thấp hoặc cơ địa giảm miễn dịch, tiểu đường...

Xin nêu một số phương pháp chữa theo y học cổ truyền bằng các vị thuốc sẵn có ở Việt Nam:

Giai đoạn (viêm nhiễm) mới phát: Tại chỗ nhọt có sưng nóng đỏ đau, toàn thân có thể kèm theo sốt. Có thể dùng phương thuốc sau:

- Thuốc đắp tại chỗ: Lá cúc hoa trắng, giã nát với chút ít muối, đắp vào mụn nhọt.

- Uống trong: Có thể dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Thổ phục linh (củ khúc khắc) 20g, thương nhĩ tử (quả ké đầu ngựa) 20g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Kinh giới 8g, đỗ đen sao 40g, hoa kim ngân 20g, cam thảo dây 8g, ké đầu ngựa 16g, liên kiều 12g, lá sen 16g.

- Sốt cao: Thêm hoàng liên 12g, hoàng cầm 12g, chi tử (quả dành dành) 12g.

- Tiểu tiện ngắn đỏ: Thêm sa tiền tử (hạt mã đề) 12g.

- Táo bón: Thêm lá muồng trâu 4g hoặc lá lộc mại 10g.

Giai đoạn hóa mủ: Tại vùng nhọt sưng nhức tăng hơn, xuất hiện mủ trắng và chuyển dần thành màu vàng. Một số nhọt có ngòi là khối mủ và tổ chức hoại tử đặc quánh thường nằm giữa trung tâm nhọt. Khi thấy những triệu chứng trên, có thể chữa như sau:

- Thuốc đắp tại chỗ cho phá vỡ mủ: Rọc ráy dại, lá xoan, muối lượng bằng nhau; giã nhỏ, trộn đều, ngày đắp 2 lần.

- Thuốc uống: Hoa kim ngân 20g, hoàng cầm 12g; liên kiều 12g, tạo giác thích (gai bồ kết) 12g, trần bì (vỏ quýt) 6g, lá bồ công anh (diếp dại) 16g, sài đất (lộc mui) 16g. Sắc uống ngày một thang. Uống liên tục 3 đến 5 thang.

Giai đoạn nhọt đã vỡ mủ: Bình thường chỉ cần rửa sạch bằng nước lá trầu không, thay băng ngày một lần là vết thương nhanh chóng liền da. Đặc biệt, nếu vết thương hôi thối, có thể dùng một trong hai phương pháp sau: Một là dùng lá mỏ quạ tươi, giã nát, đắp trực tiếp vào vết thương, ngày đắp một lần. Nhờ có tác dụng hoạt hóa men catalaza có trong dịch tiết tại vết thương, tạo ôxy nguyên tử có tác dụng sát khuẩn mạnh, làm sạch vết thương, tạo điều kiện cho tổ chức hạt mọc và liền sẹo. Hai là dùng nước sắc bạch đồng nữ (mò trắng) để rửa và đắp vết thương, kể cả những vết thương lâu ngày, thậm chí hôi thối của viêm xương thì loại thuốc đơn giản này cũng giúp khử mùi rất tốt; thêm vào đó, các nghiên cứu cho thấy bạch đồng nữ có tác dụng kháng cả vi khuẩn “gram âm” lẫn “gram dương”. Nếu cơ thể suy nhược, mủ lâu không hết, nhọt lâu liền thì uống thêm các vị thuốc bổ khí huyết như bạch truật, đẳng sâm, hoàng kỳ, đương quy...

Một số bệnh nhân thường bị nhọt tái phát nhiều lần có thể do cơ địa huyết nhiệt. Phòng tái phát nên uống thuốc thanh nhiệt lương huyết theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Cũng cần nói thêm ở đây, việc kiêng ăn nhiều hoa quả “nóng” như: mít, dứa, xoài, nhãn, vải, của nếp... là có cơ sở khoa học. Các trường hợp sốt cao, liên tục kéo dài cần kết hợp phương pháp điều trị theo y học hiện đại đặc biệt là với kháng sinh thích hợp, đề phòng nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng. Nếu nhọt dai dẳng, vết thương dễ nhiễm trùng ở người mắc bệnh tiểu đường, cần có phương pháp điều trị riêng biệt.