Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước!
Thưa các vị đại biểu quốc hội!
Thưa các đồng chí, đồng bào!
Trong kỳ họp này của Quốc hội, cùng với ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước mà UBTVQH và UBT.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp, Chính phủ cũng đã nhận được 133 chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó có 3 chất vấn Thủ tướng Chính phủ, hai chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, chín chất vấn Chính phủ, còn lại là chất vấn các thành viên Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với UBTVQH yêu cầu chín đồng chí Bộ trưởng, theo chức trách, nhiệm vụ của mình, trong gần ba ngày qua đã trực tiếp trả lời trước Quốc hội về một số vấn đề mà nhiều cử tri trong cả nước quan tâm, nhiều vị đại biểu Quốc hội chất vấn. Trong đó có cả những chất vấn với Thủ tướng, Phó Thủ tướng mà Thủ tướng Chính phủ thấy thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền trực tiếp của các Bộ trưởng. Những chất vấn và những ý kiến kiến nghị còn lại, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các thành viên Chính phủ theo chức trách nhiệm vụ của mình nghiên cứu tiếp thu và có trả lời bằng văn bản đến các đồng chí, các vị đại biểu Quốc hội.
Thay mặt Chính phủ tôi xin cảm ơn đồng chí, đồng bào, cử tri cả nước, cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và sự chỉ đạo điều hành có hiệu quả của Chính phủ trong năm 2004 và những tháng đầu năm 2005. Chính phủ xin trân trọng và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị rất thiết thực, rất trách nhiệm cũng như những ý kiến phê bình, góp ý rất thẳng thắn và xây dựng về những yếu kém, khuyết điểm trong chỉ đạo quản lý điều hành của Chính phủ. Chính phủ xin hoan nghênh các vị đại biểu Quốc hội trong chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã đưa ra nhiều vấn đề, nhiều chất vấn rất xác đáng. Biểu thị ý thức trách nhiệm cao đối với nhân dân, đối với đất nước trong việc thực hiện chức năng giám sát của mình theo luật định.
Thưa Quốc hội, theo chương trình làm việc của Quốc hội, được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, tôi dự kiến xin được giải trình thêm năm vấn đề cụ thể sau đây mà các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm có nhiều chất vấn.
Một là về Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ta tự làm, tự đầu tư có hiện thực không?
Hai là về những giải pháp cụ thể của Chính phủ để phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Ba là về những giải pháp điều hành của Chính phủ để bình ổn giá cả.
Bốn là về những biện pháp chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm đủ điện cho nhu cầu phát triển của đất nước.
Năm là về những giải pháp chỉ đạo cụ thể của Chính phủ để gia nhập có hiệu quả tổ chức thương mại thế giới.
Tôi chuẩn bị như vậy, nhưng thấy rằng nếu trình bày hết 5 năm vấn đề này không đủ thời gian. Tôi dự kiến trình bày hai vấn đề thôi, tức là về Nhà máy lọc dầu Dung Quất ta tự đầu tư, tự làm có hiện thực không? Vấn đề thứ hai là về những giải pháp cụ thể mà Chính phủ đang chỉ đạo để đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An có trao đổi với tôi nên cố gắng giải trình hết 5 vấn đề này, nhưng trong vòng 50 phút thôi, tôi cũng xin cố gắng đến chừng nào trình bày mà 60 phút thì tôi sẽ cố gắng gọn một chút, nếu đến giờ chưa hết tôi xin dừng ở đó.
Trước hết, về Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đồng chí Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát về thực hiện dự án này trước Quốc hội, đồng chí Hoàng Trung Hải đã giải trình tiếp nhiều vấn đề với các đại biểu Quốc hội. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã có phát biểu khi kết thúc buổi chất vấn của Quốc hội về vấn đề này, thay mặt Chính phủ tôi xin bày tỏ sự nhất trí và trân trọng tiếp thu báo cáo giám sát của UBTVQH, ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, cũng như những ý kiến phát biểu đóng góp xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội. Tôi xin trình bày mấy ý kiến để làm rõ thêm việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất, do ta tự đầu tư, tự làm có hiện thực không?
Trước hết Chính phủ khẳng định, chủ trương quyết định xây dựng Nhà máy lọc dầu tại Dung Quất là đúng đắn. Chủ trương này đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là đồng chí Võ Văn Kiệt và Quốc hội Khóa X đã thảo luận xem xét thận trọng toàn diện, có căn cứ khoa học trước khi quyết định. Đã lắng nghe tham khảo nghiêm túc nhiều ý kiến của chuyên gia và tổ chức tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu cả trong và ngoài nước trước khi quyết định.
Ngay một số tập đoàn Dầu khí hàng đầu của thế giới cũng đề xuất với ta là ba địa điểm để xây dựng nhà máy lọc dầu của nước ta là Long Sơn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi, Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa và cũng có tập đoàn dầu khí nước ngoài, tập đoàn lớn cũng có đề nghị là xin được đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở tại Dung Quất. Nhưng họ cũng có đề nghị với ta là cho họ được trực tiếp phân phối sản phẩm sản xuất ra từ nhà máy. Vì theo nhà đầu tư cũng như những thông tin mà ta có được thì hầu hết nhà máy lọc dầu trên thế giới lợi nhuận trực tiếp sản xuất tại nhà máy là thấp chỉ khoảng 6 - 7%. Vì vậy phải có thêm điều kiện phân phối sản phẩm thì dự án mới có hiệu quả. Nhưng qua cân nhắc lợi ích các mặt của ta nên chúng ta không đồng ý cho nước ngoài đầu tư mà chúng ta quyết định tự làm, tự đầu tư.
Trước đây, khi phê duyệt đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất với con số hiệu quả được tính toán là IRR15% là đã có tính đến hiệu quả từ phân phối sản phẩm sản xuất ra của nhà máy này. Anh Trần Đức Lương có lần hỏi tôi là con số 15 này thì ở đâu, như thế nào? Tôi có xem lại, yêu cầu các đồng chí báo cáo kỹ lại. Thì thưa với các đồng chí là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam lúc đó trình với lãnh đạo, cả Chính phủ với Bộ Chính trị để trước khi lãnh đạo quyết định là ta tự làm, thì trình bốn phương án. Cả bốn phương án đều có lợi nhuận từ phân phối sản phẩm đem lại với giá bán buôn và nếu trong cả 4 phương án này, lợi nhuận trực tiếp từ nhà máy cộng với lợi nhuận do phân phối sản phẩm đem lại thì đều cao hơn 15%, chứ không phải 15%. Tôi xin nói thêm cho rõ việc này.
Một vấn đề khác mà các đồng chí quan tâm là riêng các mặt hàng xăng dầu sản xuất tại nhà máy này, tức là Nhà máy lọc dầu Dung Quất của chúng ta riêng sản phẩm xăng dầu khoảng 5,4 triệu tấn, tất cả các loại sản phẩm xăng dầu còn lại là các loại sản phẩm khác. Như vậy với sản lượng này cũng đã không đáp ứng tiêu dùng xăng dầu cho khu vực miền trung và miền bắc vào năm 2009 - 2010. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Chính phủ năm 2009 - 2010 riêng miền trung và miền bắc cần phải tiêu thụ 6.881 nghìn tấn. Như vậy đến năm 2010 chúng ta đưa nhà máy lọc dầu này vào vẫn không đáp ứng đủ cho tiêu dùng xăng dầu của miền trung và miền bắc, còn phải nhập thêm.
Như vậy ý kiến băn khoăn về sản phẩm xăng dầu sản xuất ra tại Dung Quất phải vận chuyển vào Nam để tiêu thụ sẽ làm tăng chi phí, tăng giá thành làm giảm hiệu quả kinh tế của dự án là không thực tế. Để bảo đảm nhiên liệu xăng dầu cho cả nước, cả trong điều kiện bình thường hay khi có tình huống phức tạp, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và chiến lược phát triển ngành công nghiệp dầu khí thì chúng ta còn phải tiếp tục xây dựng thêm hai nhà máy, hai khu công nghiệp lọc dầu nữa ngoài Dung Quất. Một dự kiến ở Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa, một dự kiến ở Long Sơn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai thực hiện việc này. Nhưng nếu như công suất của cả ba nhà máy này cộng lại, nếu ta dự kiến đến năm 2010 có cả ba nhà máy này thì cũng vẫn chưa đủ cho tiêu dùng xăng dầu của nước ta. Vì chúng ta đã tính toán dự kiến đến năm 2010, nước ta cần phải tiêu dùng 19 triệu tấn, ba nhà máy này chưa đầy 18 triệu tấn. Trong tương lai không xa chúng ta phải nhập dầu thô từ nước ngoài về để chế biến. Vì vậy, ý kiến băn khoăn về việc chuyên chở dầu thô từ mỏ Bạch Hổ của ta về Dung Quất xa hơn Long Sơn làm cho chi phí tăng, dự án không hiệu quả, như tôi trình bày trên thì băn khoăn này không thực tế.
Nhiều nước trên thế giới không có dầu thô họ vẫn làm nhà máy lọc dầu, phải nhập dầu từ bên ngoài để chế biến vẫn có hiệu quả kinh tế cao. Tôi muốn trình bày thêm mấy ý kiến đó để khẳng định quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã có tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện cả về hiệu quả kinh tế, tôi xin nhấn mạnh kể cả về hiệu quả kinh tế và các hiệu quả tổng hợp về chính trị, xã hội khác không phải chỉ hiệu quả chính trị xã hội như một số ý kiến đã nêu.
Thứ hai. Về nguyên nhân khách quan, chủ quan làm cho dự án bị chậm trễ, kéo dài. Báo cáo của Chính phủ, báo cáo giám sát của UBTVQH, phát biểu của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, tôi cho là đã đúng đắn, đầy đủ, mọi suy diễn đều không thực tế và không đúng.
Tôi xin trình bày thêm, Thưa với Quốc hội! Không phải chờ đến hôm nay Chính phủ mới tự phê bình, mới nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đã tập trung chỉ đạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm bất cập trong chỉ đạo của mình từ những năm trước để chỉ đạo tốt hơn, có hiệu quả hơn, ngay cả đối với dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất này và cả trong chỉ đạo đối với những dự án lớn, trọng điểm của đất nước với tinh thần không để khuyết điểm lặp lại.
Thứ ba. Những công việc chúng ta đã làm được và khả năng hoàn thành Nhà máy lọc dầu Dung Quất do ta tự đầu tư.
Thưa các đồng chí!
Sau gần bốn năm rưỡi chúng ta liên doanh thấy không thể tiến triển được. Chính phủ đã báo cáo với Bộ Chính trị và đã chủ động đàm phán với Chính phủ bạn để kết thúc liên doanh. Mặc dù bạn vẫn chưa muốn. Đến tháng 12-2002, hai Chính phủ chính thức chấm dứt liên doanh. Từ đó đến nay ta đã làm được những công việc chủ yếu có ý nghĩa rất quan trọng như sau:
1. Chúng ta đã thuê được tư vấn đủ năng lực để bổ sung, cập nhật, phát triển hoàn chỉnh được thiết kế tổng thể, với công nghệ hiện đại cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bảo đảm cho nhà máy sử dụng được cả nguyên liệu dầu thô của ta và dầu thô nhập khẩu từ bên ngoài và nhà máy này sẽ sản xuất ra các sản phẩm xăng dầu và các sản phẩm khác phù hợp với nhu cầu của thị trường. Sản phẩm có khả năng cạnh tranh được ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Và thiết kế tổng thể này đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định phê duyệt.
2. Chúng ta đã lựa chọn, đàm phán và đã ký được hợp đồng với nhà thầu đủ năng lực để xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo hình thức tổng thầu IPC, chìa khóa trao tay, bao gồm thiết kế, sản xuất, cung cấp thiết bị, xây lắp, vận hành, chuyển giao nhà máy với giá trọn gói không phát sinh, với thời gian cam kết là xây dựng xong đưa vào sản xuất là 44 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực, mà hợp đồng thì sẽ có hiệu lực vào ngày 26-6-2005 sắp tới đây. Nếu như được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (xin nói là nếu như hợp đồng này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và Thủ tướng Chính phủ cũng đang chờ Quốc hội quyết định cho tiếp tục đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất với những nội dung điều chỉnh như Chính phủ đã trình để phê duyệt hợp đồng này. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương tiếp tục đầu tư này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến tay các vị đại biểu. Nếu được Quốc hội thông qua thì dự kiến đến đầu năm 2009 chúng ta sẽ đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào sản xuất (trừ những trường hợp bất khả kháng như đồng chí Bộ trưởng Hoàng Trung Hải nêu trong hôm trả lời chất vấn).
Với hình thức xây dựng này, chúng ta đã xây dựng thành công một số nhà máy phát điện bằng khí có công suất lớn, công nghệ hiện đại, vốn đầu tư cũng hàng tỷ đô-la. Mới đây, với hình thức đầu tư này chúng ta đã đưa Nhà máy phân đạm Phú Mỹ vào sản xuất sau đúng 36 tháng xây dựng với công nghệ hiện đại, với vốn đầu tư trên 400 triệu đô-la, với công suất gần 800.000 đạm/năm.
3. Chúng ta đã lựa chọn và ký được hợp đồng, thuê được tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một công ty tư vấn chuyên nghiệp có năng lực vào loại hàng đầu thế giới.
4. Chúng ta đã đấu thầu và đã ký được hợp đồng trọn gói với một nhà thầu nước ngoài đủ năng lực để thi công xử lý triệt để túi bùn, bảo đảm cho việc xây dựng an toàn đê chắn sóng cho hệ thống cảng xuất nhập nguyên liệu và thành phẩm cho Nhà máy lọc dầu của Dung Quất được hoạt động quanh năm.
Nhân đây tôi xin mở ngoặc trình bày thêm với anh Ngoạn là hệ thống cảng ở đây bao gồm hệ thống phao rót dầu không bến ở Việt Thanh và sáu bến cảng đủ sức đảm bảo cho tàu nhập nguyên liệu xuất sản phẩm từ 30, 50 đến 100.000 tấn. Còn việc nói cảng này cạn thì so với cái gì thì tôi cũng chưa rõ, nhưng so với công suất tàu mà đảm bảo cho nhà máy thì hoàn toàn là phù hợp.
5. Đã tăng cường tổ chức và năng lực cho chủ đầu tư (trực tiếp là ban quản lý Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất) để đủ sức quản lý thực hiện Dự án. Một yếu kém vừa qua của chúng ta là cử ban quản lý dự án không đủ năng lực và kém tinh thần trách nhiệm cho nên việc này Chính phủ cũng đã làm.
6. Đặc biệt có ý nghĩa quyết định là đến nay cơ bản đã đủ cơ sở để phê duyệt Tổng dự toán của Dự án này và Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì trực tiếp thảo luận kỹ với chủ đầu tư là Tổng công ty dầu khí Việt Nam, các Bộ chức năng và đã đưa ra được cơ cấu nguồn vốn khả thi phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của nước ta. Đây là nhân tố rất quyết định mà trước đây chúng ta chưa làm được việc này, đã muốn làm (có đủ các thứ rồi nhưng thiếu tiền) nhưng làm không được. Về cơ cấu nguồn vốn lần này là khả thi, phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của nước ta.
7. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện Dự án này thông qua bộ máy giúp việc là Ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất như đã báo cáo với Quốc hội. Nhờ sự chỉ đạo trực tiếp này của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện được các công việc chủ yếu và cũng rất phức tạp như đã nêu trên. Chính phủ tin tưởng rằng với cách chỉ đạo này sẽ có hiệu lực, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới.
Tôi xin trình bày thêm một ý về quản lý nhà nước đối với dầu khí, năm 2003 Chính phủ đã có Nghị định giao cho Bộ Công nghiệp quản lý nhà nước về dầu khí. Ban hành Nghị định này giao cho Bộ Công nghiệp nó có trùng với một số điều mà 2 Nghị định ban hành trước đó, tức là Nghị định ban hành chức năng, nhiệm vụ tổ chức hoạt động của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Nghị định về đấu thầu, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí, 2 Nghị định này ban hành trước, cho nên cũng có một số trùng lắp như Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã chỉ đạo, rà soát để xử lý vấn đề này. Vì vậy quản lý nhà nước về dầu khí đã được xử lý.
Thứ tư, tôi xin nói thêm một vài ý kiến về hiệu quả của Dự án.
Thưa Quốc hội, con số hiệu quả 6,7 và 7,2% như đồng chí Bộ trưởng Hoàng Trung Hải trình bày, như phần trên chúng tôi báo cáo với Quốc hội, chưa tính đến hiệu quả của khâu phân phối sản phẩm. Phương án mà chúng ta tính trước đây khi phê duyệt Dự án năm 1997 với dự kiến hiệu quả trên 15% IRR 15% đã tính đến hiệu quả của phân phối sản phẩm dự án như đồng chí Phạm Quang Dự đã phát biểu. Chính phủ cũng đang xem xét tính toán đến hiệu quả này cho dự án.
Hai là theo tổng dự toán chúng ta đầu tư 2 tỷ 501 triệu đô-la, nếu cả phí tài chính là 2 tỷ 579 triệu đô-la để xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong đó dự kiến ngân sách cấp 800 triệu từ tiền lãi dầu thô sau thuế được chia từ xí nghiệp liên doanh Việt Xô Petro, 1 tỷ đô-la nhà nước cho vay ưu đãi lãi suất 3,6%/năm theo quy định của Chính phủ, chủ đầu tư vay thương mại 475 triệu và tự thu xếp từ vốn tự có là 226 triệu, đây là phương án thu xếp vốn khả thi phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của nước ta (Tôi muốn báo cáo điều này để Quốc hội giám sát việc này, nếu như phương án này phù hợp và khả thi). Với phương án tài chính này thì 11 năm trả hết nợ và 12 năm thu hồi được vốn đầu tư cho dự án (dự án tính toán kinh tế là 25 năm, còn tuổi thọ thì nhiều hơn).
Ba là với số vốn đầu tư từ nay đến năm 2009 chúng ta có một nhà máy lọc dầu hiện đại, sản xuất hằng năm 6,5 triệu tấn xăng dầu và một số sản phẩm khác. Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, tiêu thụ được, cạnh tranh được. Góp phần cho ta chủ động về xăng dầu, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng quốc gia. Như phần trên tôi trình bày là sản lượng của nhà máy này đến năm 2009 - 2010 đảm bảo cung cấp khoảng 25% tổng lượng xăng dầu của cả nước. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án này sẽ tạo ra giá trị gia tăng là khoảng 450 triệu đô-la hàng năm trong tổng giá trị sản phẩm quốc dân. Hôm qua cũng có ý kiến các đồng chí nêu, chúng tôi đã yêu cầu Bộ Kế hoạch đầu tư tính toán trước đây và hôm nay các đồng chí báo cáo như thế. Đến năm 2010 tổng GDP của nước ta khoảng 95 đến 100 tỷ. Riêng nhà máy này đóng góp là 450 triệu đô-la. Đồng thời sẽ tiết kiệm được một lượng ngoại tệ khá lớn để nhập khẩu số lượng xăng dầu tương ứng với số sản phẩm sản xuất ra của nhà máy.
Bốn là tạo ra công ăn việc làm cho 850 lao động trực tiếp (có khoảng 300 kỹ sư) và hiện nay chúng ta đã tuyển chọn được 150, và một số lượng lớn lao động gián tiếp, đồng thời tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hóa dầu, hóa chất phát triển và góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Ngãi và khu vực miền trung.
Còn về chủ đầu tư, với phương án này trong quá trình sản xuất sẽ bù đắp được chi phí có lợi nhuận với mức 6 đến 7% chưa kể lợi nhuận từ phân phối. Trả được nợ, thu hồi được vốn sau 11 - 12 năm đối với đầu tư dự án tính toán kinh tế là 25 năm.
Thưa Quốc hội, nếu chỉ nhìn vào hiệu quả tài chính trực tiếp của Dự án chưa kể lợi nhuận từ phân phối đem lại thì hiệu quả dự án không cao. Có thể có những rủi ro bất khả kháng, nhưng nếu nhìn tổng thể với quan điểm hiệu quả tổng hợp cả về kinh tế trong đó có lợi nhuận do phân phối đem lại, cả về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng về yêu cầu nâng cao khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế, của đất nước và chúng ta cũng đã đầu tư nhiều công sức, tiền của cho dự án này. Đến nay con số khoảng 170 triệu đô-la. Việc phải khẩn trương đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là rất cần thiết và cũng rất cấp bách.
Tóm lại, với việc cân nhắc các mặt nêu trên, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép tiếp tục đẩy nhanh thực hiện dự án với những nội dung, điều chỉnh chủ yếu như đã trình bày. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản kiến nghị với UBTVQH về những nội dung này. Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, phấn đấu thực hiện hoàn thành dự án đúng tiến độ, đúng nội dung điều chỉnh đã được phê duyệt. Chính phủ cũng rất mong được sự theo dõi, giám sát chặt chẽ hơn nữa của Quốc hội cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của các vị đại biểu Quốc hội, của đồng chí, đồng bào Quảng Ngãi.
Chúng tôi cũng rất mong các vị đại biểu Quốc hội bớt phê bình về những khó khăn, bất cập, khuyết điểm đã qua, tăng cường giám sát và động viên kịp thời sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, của Chính phủ để chúng ta cùng nhau xây dựng có Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào đầu năm 2009, một nhà máy hiện đại với hiệu quả tổng hợp rất lớn như Chính phủ đã trình với Quốc hội.
Tôi sang phần thứ hai, về những giải pháp, chỉ đạo cụ thể của Chính phủ để phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thưa các đồng chí!
Tại Kỳ họp này của Quốc hội, Chính phủ đã có Báo cáo tổng kết thực hiện Pháp lệnh về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cũng đã có Báo cáo tổng kết về Pháp lệnh Chống tham nhũng. Các báo cáo tổng kết này đã cố gắng phân tích thực trạng tình hình, tính chất, mức độ của tệ tham nhũng, lãng phí. Nêu lên những mặt, những việc đã làm được. Đồng thời cũng chỉ rõ những mặt, những việc chưa làm được, chưa làm tốt. Phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng tiêu cực này. Đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp để đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới.
Trên cơ sở tổng kết này, Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Dự thảo Luật chống tham nhũng để trình xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp này. Khi Luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong Kỳ họp này của Quốc hội cũng có ý kiến chất vấn Thủ tướng Chính phủ là Chính phủ đã và sẽ chỉ đạo cụ thể như thế nào để phòng chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả.
Thưa các đồng chí, làm gì và làm thế nào để đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, Chính phủ đã cố gắng thể hiện trong Dự thảo hai Bộ luật trình xin ý kiến Quốc hội. Chúng tôi xin được trình bày thêm mấy vấn đề cụ thể sau đây.
Tham nhũng, lãng phí vẫn còn rất nghiêm trọng nhưng cần khẳng định rằng trong bộ máy của chúng ta không phải ai cũng tham nhũng, lãng phí. Số cán bộ, công chức phạm tội tham nhũng, lãng phí là bộ phận thiểu số. Nhưng trên thực tế gần như trong lĩnh vực kinh tế - xã hội nào cũng có, nhiều vụ việc xảy ra nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, gây tổn thất, mất mát lớn trong quỹ tài sản của Nhà nước, của nhân dân, gây bức xúc bất bình trong xã hội, trong đồng chí, đồng bào của chúng ta. Chính phủ nhận thức rõ về tình trạng phức tạp và nghiêm trọng này và luôn xem việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong các mặt hoạt động của mình. Với tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí phải cương quyết, kiên trì, liên tục, toàn diện, đúng pháp luật nhưng có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, trên từng lĩnh vực. Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng trên các lĩnh vực trọng điểm như: đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu, chi ngân sách, quản lý tài chính trong doanh nghiệp nhà nước. Với 6 nhóm giải pháp sau:
Một, Chính phủ tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát các văn bản pháp quy, xây dựng bổ sung quy chế chính sách nhằm ngăn ngừa, xử lý có hiệu quả tình trạng tham nhũng, lãng phí. Năm 2004 và 4 tháng đầu năm 2005, Chính phủ đã chỉ đạo tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là trong quản lý kinh tế, quản lý hành chính nhằm khắc phục những kẽ hở, những quy định không còn phù hợp với cơ chế thị trường, những quy định về thủ tục hành chính xin - cho không cần thiết, nhằm tạo ra sự công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế, quản lý hành chính. Qua rà soát đã ban hành mới và sửa đổi bổ sung 72 Nghị định, trong đó có các Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, thanh tra xây dựng, quy định về giám sát cộng đồng đối với dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn, các định mức, các đơn giá xây dựng cơ bản, kể cả đơn giá các công trình đặc thù.
Các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, các Nghị định về quản lý tài chính doanh nghiệp Nhà nước, quy định về kiểm toán độc lập, hướng dẫn thi hành Luật Thuế, hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại tố cáo, hướng dẫn xử lý kỷ luật cán bộ công chức, về kê khai tài sản đối với người ra ứng cử HĐND các cấp. Ban hành các định mức về xây dựng công sở, sử dụng ô-tô công, điện thoại, hội nghị, v.v., đã ban hành quy định về tiết kiệm xăng dầu, tiết kiệm điện, cũng đang chuẩn bị ban hành Nghị định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng ở đơn vị, Nghị định về thanh tra công vụ và nhiều nghị định khác liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong 4 lĩnh vực trọng điểm này. Đây là một giải pháp chủ động rất quan trọng để ngăn ngừa phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo tập trung cụ thể để có hiệu quả hơn trong lĩnh vực công tác này.
Hai, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của từng địa phương, của từng vùng và cả nước, đang chỉ đạo khẩn trương quy hoạch các hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, khu công nghiệp, trường học, chợ, bệnh xá, bệnh viện và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu của từng địa phương, từng vùng và cả nước. Để trên cơ sở đó xác định các dự án, các công trình cần ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng. Để chủ động xây dựng dự án có chất lượng, có tính khả thi cao và phê duyệt chặt chẽ đúng quy định để triển khai thực hiện trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, nhằm khắc phục đầu tư dàn trải, đầu tư không đúng, không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí. Đây là nguyên nhân mà các vị đại biểu thường nói là chủ trương sai, quyết định đầu tư sai. Phải bắt đầu từ việc làm này, chúng tôi chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo coi đây là một công tác tập trung của Chính phủ.
Ba, đẩy mạnh việc sắp xếp cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công trong sạch, Chính phủ đã ban hành và đang tích cực triển khai thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước giai đoạn 2003 - 2005. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về triển khai đề án phân cấp mạnh cho địa phương và cơ sở nhằm xóa bỏ những tầng lớp trung gian không cần thiết, nâng cao trách nhiệm và tính năng động của các cấp.
Chính phủ đã chỉ đạo, rà soát và ban hành mới 55 nghị định và 12 quyết định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các thanh tra chuyên ngành. Nhằm làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót theo hướng một việc, một cơ quan, một người chịu trách nhiệm. Tổ chức bộ máy của Chính phủ có bước được chấn chỉnh, kiện toàn. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, các địa phương tổng rà soát lại các quy định về thủ tục hành chính. Trước hết là những thủ tục liên quan trực tiếp đến dân, đến doanh nghiệp như thuế, hải quan, cấp phép kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư xây dựng, chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, công chứng, hộ tịch, hộ khẩu, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, sử dụng điện nước v.v. lập tổ công tác liên ngành để tiếp nhận xử lý các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện và nâng cao hiệu quả của cơ chế một cửa. Đến nay đã có 62/64 tỉnh thực hiện cơ chế này và cũng đang có kết quả nhất định.
Tuy đã có bước tiến bộ khá dài, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế khuyết điểm trong lĩnh vực thủ tục hành chính. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ hơn nữa, tạo công khai minh bạch, tạo mọi thuận lợi dễ dàng cho người dân, cho doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này cũng là nhằm khắc phục và ngăn ngừa, nhũng nhiễu tiêu cực của bộ máy hành chính.
Thứ tư là tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia giám sát phát hiện các hành vi tham nhũng lãng phí trong bộ máy hành chính của mọi người dân, mọi tổ chức của báo chí và của cộng đồng. Chính phủ đã sơ kết và thúc đẩy thực hiện quy định dân chủ ở cơ sở, ban hành quy định công khai chi tiêu tài chính ở các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Đã ban hành quy chế giám sát của cộng đồng đối với dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, chỉ tính từ đầu năm đến nay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, thanh tra hơn 120 vụ báo chí đã nêu và nhiều vụ việc qua đơn thư tố cáo của cán bộ, nhân dân phản ánh có tiêu cực tham nhũng trong bộ máy hành chính. Qua đó đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc tiêu cực, chắc các vị đại biểu đã nghe và biết nhiều vụ việc.
Thứ năm, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9, các quy định của Nhà nước với nội dung, nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã trình bày trong phiên khai mạc của Quốc hội. Tôi xin không nhắc lại, chúng ta làm tốt nhiệm vụ này vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, vừa là giải pháp quan trọng để phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong doanh nghiệp nhà nước, rất mong đại biểu ủng hộ chủ trương này. Đây là vấn đề rất lớn và rất khó.
Thứ sáu, cần kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục kiểm tra, thanh tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, tài sản trong từng địa phương, đơn vị mình, đã giao cho Thanh tra Chính phủ tập trung vào thanh tra các công trình trọng điểm do Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra một số địa bàn trọng điểm về quản lý sử dụng đất đai, do Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, thanh tra chi tiêu ngân sách ở một số ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước lớn, giao cho kiểm toán nhà nước kiểm toán một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và dự án đầu tư lớn từ ngân sách. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh việc điều tra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, không để oan sai, không để sót, lọt tội phạm.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội! Đối với các vụ việc tiêu cực, nổi cộm thì Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng thường xuyên nghe cơ quan điều tra, nghe Bộ Công an báo cáo để đôn đốc, thúc đẩy.
Nhân đây, tôi xin khẳng định rằng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta không bao giờ có bao che, dung túng hoặc ngăn cản cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khởi tố, xét xử đối với bất cứ vụ việc và hành vi tham nhũng nào. Và cũng không có vụ việc tham nhũng nào bị cơ quan chức năng, nhân dân, báo chí, cán bộ, đảng viên phát hiện với đủ cơ sở, chứng cứ vi phạm pháp luật mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước không dám xử lý, không dám đấu tranh hoặc đã biết với đủ chứng cứ là vi phạm pháp luật mà bị ngăn cản và không làm được, không phanh phui được, không xử lý được trước pháp luật. Mà trên thực tế, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn kiên quyết chỉ đạo, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật tất cả các vụ việc tham nhũng với đủ cơ sở chứng cứ dù người đó là ai. Có điều là có một số vụ việc có dư luận, có ý kiến phản ảnh, tố cáo hay báo chí nêu lên là có tham nhũng tiêu cực, nhưng thực tế khi yêu cầu cơ quan chức năng vào kiểm tra, thanh tra, điều tra thì có việc chỉ đúng một phần, có việc thì không phải như dư luận nêu, hoặc có việc chưa tìm thấy chứng cứ vi phạm pháp luật. Vì vậy chỉ có thể xử lý theo đúng bản chất của từng vụ việc, không thể đòi hỏi phải khởi tố điều tra, truy tố, xét xử trước pháp luật. Tất cả mọi vụ việc mà dư luận phản ánh, báo cáo nêu lên pháp luật của ta cũng không cho phép làm như vậy.
Tóm lại thái độ của Chính phủ đối với chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là phải kiên quyết xử lý, nhưng xử lý phải nghiêm minh, đúng lỗi, đúng tội, đúng người, không bỏ sót, cũng không làm quan sai và phải đúng pháp luật, đúng quy định của Đảng cả về nội dung xử phạt cho đến trình tự thủ tục.
Thưa các đồng chí, ngoài sáu nhóm giải pháp nêu trên, đồng thời phải thực hiện tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng cả về chính trị tư tưởng, tổ chức để nâng cao phẩm chất năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, của cán bộ đảng viên, đặc biệt là tổ chức cơ sở Đảng để lãnh đạo đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trước hết ngay trong cơ quan đơn vị mình, vì trong thực tế rất ít vụ việc tham nhũng, lãng phí được chính tổ chức cơ sở Đảng tại đơn vị phanh phui phát giác. Ngoài ra còn phải tích cực thực hiện có hiệu quả chính sách cải cách tiền lương, từng bước nâng cao thu nhập chính đáng, phù hợp cho cán bộ công chức, tạo điều kiện cần thiết cho cán bộ công chức tự trọng, tự rèn luyện, giữ gìn mình và vượt qua được sự lôi kéo của tiêu cực, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tôi xin báo cáo trên đây là những nhóm giải pháp cụ thể mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để cùng các tổ chức chính trị, cùng các tổ chức trong hệ thống chính trị đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, lãng phí, một nhiệm vụ rất trọng tâm, thường xuyên, cũng là yêu cầu bức xúc của nhân dân, của xã hội.
Phần thứ ba, về những giải pháp điều hành của Chính phủ để bình ổn giá cả.
Về những giải pháp điều hành của Chính phủ để bình ổn giá cả, để ổn định kinh tế vĩ mô. Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội hôm khai mạc Chính phủ đã trình bày những nhận định về tình hình giá cả và đề cập những chủ trương, giải pháp chủ yếu nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát bình ổn giá cả, tôi xin không nhắc lại.
Qua ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội, tôi xin trình bày thêm một số ý kiến như sau:
Trước hết, theo dự báo thì kinh tế thế giới năm 2005 có những đặc điểm mới tác động đến giá cả của nền kinh tế nước ta như sau:
Một, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng khá cao khoảng 4,3 - 4,5 % trong đó Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đây là những quốc gia sử dụng phần lớn nhiên liệu, nguyên liệu của thế giới và như vậy thì nguyên liệu, nhiên liệu sẽ có nhu cầu tăng cao.
Hai là giá dầu thô tăng và đang ở mức cao theo nhiều dự báo là đứng xung quanh mức 50 đô-la/1 thùng. Giá phân bón, nhựa, hóa chất, thép và một số nhiên liệu khác tăng và cũng đứng ở mức cao tác động lan truyền đến việc tăng giá của nhiều mặt hàng khác. Tuy còn phải tiếp tục nghiên cứu thêm nhưng có thể thấy rằng giá cả hàng hóa thế giới đã chuyển sang một mặt bằng giá mới cao hơn nhiều so với trước đây và thế giới đang phải chấp nhận mặt bằng giá mới này.
Ba là dự báo thời tiết năm 2005 sẽ khắc nghiệt hơn, nguồn thu lương thực, thực phẩm nông sản sẽ giảm, cộng với giá đầu vào tăng cho nên giá lương thực, thực phẩm nông sản có thể đứng ở mức cao.
Thứ tư là các tập đoàn kinh tế lớn xuyên quốc gia tiếp tục và ngày càng tăng thêm sự lũng đoạn, chi phối thị trường thế giới.
Ý kiến thứ hai, tôi xin báo cáo thêm: Nền kinh tế nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Tổng giá trị xuất nhập khẩu của nước ta cao hơn tổng giá trị GDP hằng năm và chúng ta đã có quan hệ kinh tế đầu tư thương mại với phần lớn các nước trên thế giới. Hầu hết các mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư thiết yếu nước ta phải nhập khẩu với số lượng lớn như xăng dầu thành phẩm phải nhập 100%, phân bón là 46,5%, (trong đó phân đạm là 60%). Thép thành phẩm là 48%, riêng phôi thép là 72%, Niken là 20%, giấy thành phẩm là 35%, bột giấy là phần lớn phải nhập. Thuốc thành phẩm và nhiên liệu để sản xuất thuốc là trên 60%.
Trong khi đó khác với trước, khác với cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, chúng ta đang phải vận hành kinh tế trong cơ chế thị trường. Giá cả hàng hóa và dịch vụ hầu hết do Nhà nước quy định. Mà hình thành theo quy luật của kinh tế thị trường như giá cả, giá trị, giá cả cung cầu, cạnh tranh, lợi nhuận. Mặt khác chúng ta cũng không đủ nguồn lực và cũng không thể quy định giá cả các loại mặt hàng thiết yếu, rồi rút ngân sách để bù lỗ tràn lan kéo dài. Chỉ riêng tính mặt hàng xăng dầu nếu như giữ giá này mà chúng ta tiếp tục giữ giá như hiện nay rồi bù lỗ cho doanh nghiệp thì tính toán của Chính phủ là năm 2005 này, sẽ bù lỗ cho doanh nghiệp nhập khẩu dầu từ 12 đến 13 nghìn tỷ đồng.
Như vậy không cách nào khác và cũng là phù hợp với quy luật khách quan kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận mặt bằng giá mới, nhanh chóng thích nghi phát huy và khai thác mặt thuận, ra sức khắc phục hạn chế khó khăn để phát triển sản xuất tăng trưởng kinh tế và bảo đảm phúc lợi thiết yếu cho xã hội.
Vấn đề thứ ba, tôi xin trình bày là chúng ta phải thực hiện kinh tế thị trường nhưng Chính phủ phải có chức năng và trách nhiệm kiểm soát bình ổn giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Nhận thức điều đó, Chính phủ đã thực hiện trách nhiệm của mình thông qua các nhóm giải pháp, đã điều hành chủ yếu như sau:
Một, Chính phủ đã và đang điều hành để bảo đảm các cân đối chủ yếu của nền kinh tế, cân đối tiền hàng, cân đối ngân sách, cân đối xuất nhập, bảo đảm cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế, bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng, không để độc quyền đầu cơ trong sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Hai, Chính phủ đang điều hành thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, kiểm soát giữ bình ổn tỷ giá, lãi suất, sức mua của đồng nội tệ, đảm bảo phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng và tăng dự trữ ngoại tệ.
Ba, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, nhất là các sản phẩm thiết yếu, cả sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp, kiểm soát giá thành hợp lý của các sản phẩm độc quyền, tiết kiệm chi phí sản xuất để ổn định giá đối với giá điện, than, xi-măng. Anh Đỗ Trọng Ngoạn có gửi chất vấn đến tôi, hỏi có phải do tham nhũng, lãng phí, thất thoát mà làm cho giá cả tăng không? Thưa với anh Ngoạn là cái đó chỉ có thể xảy ra đối với các sản phẩm độc quyền, Chính phủ đã thấy điều này và đã có chỉ đạo chặt chẽ để kiểm soát giá cả một số sản phẩm độc quyền. Thí dụ như giá điện, giá than, giá xi-măng, giá bán đó của các Tổng công ty Nhà nước là do Bộ Tài chính đồng ý, có ba vật giá có các Bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ giá thành chứ không phải do đơn vị đó quyết định.
Điều hành kế hoạch xuất, nhập khẩu lương thực phù hợp không để tăng giá lương thực do khan hiếm lương thực.
Bốn, phát huy vai trò của các Tổng công ty Nhà nước trong sản xuất và cung ứng các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, giữ bình ổn giá, tăng dự trữ quốc gia, điều chỉnh thuế nhập khẩu phù hợp với các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế.
Năm, thực hành tiết kiệm xăng dầu, tiết kiệm điện năng, tiết kiệm chi phí sản xuất, khuyến khích sử dụng hàng hóa trong nước để góp phần phát triển sản xuất, bình ổn giá cả. Chính phủ đã thành lập tổ điều hành thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Thương mại phụ trách, cùng lãnh đạo các Bộ chức năng để kịp thời tổng hợp thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường, giá cả trong nước, thế giới để đề xuất kịp thời các giải pháp, để Chính phủ điều hành xử lý.
Tôi xin sang phần thứ tư về những biện pháp chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm đủ điện cho đất nước.
Thưa tất cả các đồng chí. Chúng ta đều biết ngành điện là một ngành công nghiệp hạ tầng đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngay sau ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt để chỉ đ#1