Sau khi giới chức quân sự Mỹ đưa ra một kế hoạch chi tiết chống IS theo chỉ thị của Tổng thống Đ.Trăm, Lầu năm góc đã nhanh chóng triển khai hàng loạt hoạt động quân sự nhằm tăng cường tính hiệu quả của các chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ở I-rắc và Xy-ri. Trong bối cảnh liên quân đang siết chặt vòng vây IS tại các thành trì quan trọng là Mô-xun (I-rắc) và Rắc-ca (Xy-ri), số lính thủy đánh bộ được đưa tới Xy-ri hiện nay để sẵn sàng hỗ trợ lực lượng địa phương đẩy lùi sự chiếm đóng của IS. Oa-sinh-tơn cũng đang cân nhắc triển khai gần 1.000 binh sĩ tới Cô-oét tham gia lực lượng dự bị cho hai chiến trường nóng bỏng mà Mỹ đang tiến hành các chiến dịch nhằm vào IS.
Dù việc triển khai binh sĩ Mỹ tới khu vực Trung Đông kể trên được Lầu năm góc tuyên bố là mang tính tạm thời, song đây là dấu hiệu cho thấy Nhà trắng đang thiên về xu hướng cho phép Lầu năm góc có quyền linh hoạt lớn hơn trong việc đưa ra các quyết định tác chiến thông thường trong cuộc chiến chống IS.
Cùng với việc can thiệp sâu hơn trên thực địa, Mỹ cũng dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị lớn quy tụ 68 nước thành viên liên quân chống IS vào cuối tháng này. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là cuộc họp có quy mô lớn nhất của liên minh chống IS, là cơ hội để các nước cùng nhau trao đổi tìm kiếm sáng kiến ngăn chặn và đối phó hiệu quả trước những nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố.
Quyết định tăng viện cho chiến trường Xy-ri của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh có nhiều chuyển biến trên mặt trận chống khủng bố, cũng như những diễn biến mới trong cuộc chiến Xy-ri. Theo đó, Nga đã giúp quân đội Xy-ri giải phóng nhiều vùng lãnh thổ chiến lược ở thành phố A-lép-pô và gần đây nhất là chiến thắng giòn giã trước IS ở thành phố cổ Pan-mi-ra. Điều này không những có thể giúp làm thay đổi thế trận trong cuộc nội chiến ở Xy-ri mà còn giúp Mát-xcơ-va gia tăng vị thế ở khu vực. Trong quá trình tiến hành các hoạt động chiến đấu tại Xy-ri, Nga đã chứng tỏ được hiệu quả sức mạnh quân sự của “xứ Bạch dương”. Các tổ hợp máy bay đa năng mới nhất Su-30SM và Su-34; máy bay lên thẳng tiến công Mi-28 và Ka-52, các loại vũ khí có độ chính xác cao, các tên lửa có cánh trên biển đã lần đầu được sử dụng trong điều kiện chiến đấu.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga X.Sôi-gu cho rằng, chiến thắng của Nga ở Xy-ri không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn về chính trị đối với nước Nga. Mặc dù Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng “bắt tay” với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, song thực tế thời gian gần đây, Mát-xcơ-va đã đi trước một nước cờ trên “bàn cờ Xy-ri”. Nga hoàn toàn ở thế chủ động trong cuộc chiến chống IS ở Xy-ri cũng như trong vai trò là nhà trung gian chủ chốt đối với cuộc hòa đàm Xy-ri. Thắng lợi của quân đội chính phủ Xy-ri cũng đồng nghĩa với việc đẩy phe đối lập vốn được Mỹ hậu thuẫn vào thế yếu.
Để giúp phe đối lập tái cân bằng cán cân sức mạnh trên chiến trường Xy-ri, Oa-sinh-tơn không có sự lựa chọn nào tốt hơn vào thời điểm này là giúp lực lượng này giải phóng các vùng lãnh thổ khỏi tay IS. Động thái này có thể là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa tiêu diệt các phần tử IS, vừa giúp phe đối lập ở Xy-ri củng cố các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Tuy nhiên, dù quyết tâm của chính quyền Tổng thống Đ.Trăm là tạo bước ngoặt trên mặt trận chống khủng bố, song giới quân sự Mỹ nhận định, cuộc chiến này vẫn còn đứng trước nhiều thách thức. IS được cho là sẽ cố thủ tại các phần lãnh thổ mà chúng chiếm được tại I-rắc và Xy-ri. Dù thấy trước thất bại tại tất cả các thành trì lớn, song IS tiếp tục theo đuổi tham vọng thành lập một nhà nước tại vùng châu thổ sông Ơ-phơ-rết. Bởi thế, mục tiêu giải phóng Rắc-ca mà Mỹ đặt ra được dự đoán không phải là chiến trường cuối cùng để đánh bại IS vì tổ chức này vẫn kiểm soát phần lớn lưu vực sông Ơ-phơ-rết. Ước tính, IS hiện có khoảng 15 nghìn tay súng ở I-rắc và Xy-ri, trong đó, khoảng 2.500 tên ở Mô-xun và thị trấn Tan A-pha của I-rắc, 4.000 tay súng ở Rắc-ca (Xy-ri).
Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã sẵn sàng thực hiện sứ mệnh hỗ trợ phe đối lập Xy-ri tiến hành cuộc tổng tiến công nhằm giành lại thành phố Rắc-ca từ tay IS trong vòng sáu tháng nữa như mục tiêu đề ra của chính quyền Đ.Trăm. Tuy nhiên, động thái điều quân và vũ khí hạng nặng vào Xy-ri của Mỹ đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại có thể làm phức tạp thêm tình hình ở quốc gia Trung Đông này. Xy-ri đang đứng trước nguy cơ bị biến thành chiến trường ủy nhiệm. Ngay giới chức Mỹ cũng cảnh báo chính quyền Đ.Trăm cần thận trọng khi động thái tăng cường can thiệp quân sự chóng vánh vào Xy-ri có thể đem lại những hậu quả khôn lường, trong đó có nguy cơ cao về gây thương vong cho dân thường, làm tổn hại tới những “giá trị nước Mỹ”. Chưa kể, không loại trừ những rủi ro tiềm ẩn của việc đưa lực lượng mặt đất đến Xy-ri khi “bài học sa lầy” ở I-rắc cách đây chưa lâu vẫn còn nóng hổi.