Những ca khúc "nhái" và số phận đáng buồn
Những năm gần đây, trào lưu nhạc Hoa, nhạc Thái, Nhật, Hàn Quốc... thẩm thấu mạnh vào thị trường âm nhạc Việt Nam dưới hình thức nhạc ngoại, lời Việt và được nhiều ca sĩ thuộc hàng "top" của nhạc trẻ thể hiện rất ăn khách như: Ôi tình yêu, Xa vắng (Nhạc Hoa - Thanh Thảo), Biển trắng (Nhạc Nhật - Lam Trường), Một lần được yêu (Nhạc Hàn Quốc - Tuấn Hưng)...
Chuyện bắt đầu rộ lên từ vụ nhạc phẩm Tình thôi xót xa của nhạc sĩ Bảo Chấn - từng được ca sĩ Lam Trường thể hiện rất "nổi đình nổi đám" vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và luôn lọt vào Topten Làn Sóng Xanh, bị nghi phần nhạc "thuổng" của nước ngoài (!). Báo chí đã vào cuộc. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã cử nhạc sĩ An Thuyên - Trưởng ban Kiểm tra của hội vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu thực chất việc này.
Ban kiểm tra đã so sánh ba ca khúc I've never been to me (Tôi chưa bao giờ là chính tôi) của Charlene (người Mỹ, viết năm 1982), Frontier (Ðường biên giới) của Keiko Mátsui (người Nhật Bản, viết năm 1992) với Tình thôi xót xa của nhạc sĩ Bảo Chấn thấy rõ nhiều chỗ giống nhau, đặc biệt là phần giai điệu. Bản thân nhạc sĩ Bảo Chấn cũng phải công nhận Tình thôi xót xa giống hai ca khúc trên đến 99%.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết luận nhạc sĩ Bảo Chấn có đóng góp cho phong trào nhạc nhẹ tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có một số ca khúc được giới trẻ mến mộ. Nhưng do quá "nhiễm" nhạc nước ngoài, lại chưa đủ bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp, do đó một số ca khúc chịu ảnh hưởng của nhạc nước ngoài, đặc biệt là Tình thôi xót xa.
Hội đã cảnh cáo Bảo Chấn thiếu tinh thần trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả xấu trong công chúng yêu nhạc.
Tưởng mọi chuyện chỉ đến đấy. Nhưng rồi mới đây, Ban Thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh lại phải "họp" để kết luận chuyện dư luận cho rằng nhạc sĩ Quốc Bảo - tác giả ca khúc Tuổi 16 "nhái" ca khúc Renaissance fair (Hội chợ phục hưng) của Ritchie Blackmore.
Cùng đó, một số ca khúc khác của Quốc Bảo như Ánh trăng được xem là giống với Can't wait (Không thể đợi chờ) của Yu Seu Jun Fit Yuki, Ðể anh cháy cùng em được xem là giống với Dance with me (Khiêu vũ cùng em) của Debila Morgan cũng được đưa ra xem xét...
Chung cuộc, Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ TP Hồ Chí Minh kết luận: Một số bài hát của nhạc sĩ Quốc Bảo với mức độ khác nhau đã giống với nhiều bài hát nước ngoài. Ðặc biệt, bài Tuổi 16 sao chép nguyên bài Hội chợ phục hưng. Ðiều đáng tiếc là trong quá trình làm việc với ban kiểm tra, Quốc Bảo đã không thành thật. Trước đó, nhạc sĩ này còn phát tán nhiều bài viết tự biện hộ cho hành vi sao chép nhạc nước ngoài. Ðây được coi là hành động coi thường khán thính giả, không có trách nhiệm với đồng nghiệp, công chúng; thiếu đạo đức nghề nghiệp...
Như vết dầu loang, chuyện "hậu Tình thôi xót xa" dường như đang có cơ kéo dài danh sách các nhạc sĩ "nhái" nhạc bởi giờ đây không chỉ Bảo Chấn, Quốc Bảo là những người nằm dưới áp lực của dư luận, mà đã có một loạt nhạc sĩ khá danh tiếng với những ca khúc nổi tiếng cũng đang bị xếp vào "vòng nghi vấn".
Công chúng và giới nhạc lên tiếng
Chuyện "thuổng" nhạc nước ngoài được công khai trước công luận đã rung một hồi chuông báo động kịp thời những biểu hiện "gian lận" trong sáng tác âm nhạc.
Những người viết nhạc tự trọng đều cho rằng những gì mình sáng tác lặp lại cũng đã là không hay rồi chứ chuyện "đánh cắp trong nghệ thuật" là điều không thể chấp nhận và rất đáng phê phán.
Ấy vậy, "chuyện thật như đùa" là mới đây, trong cuộc trả lời một tờ báo về ca khúc có giai điệu trùng lặp với bài hát nước ngoài từng có mặt ở thị trường Việt Nam từ cuối thập niên 80 thì nữ nhạc sĩ P.U, một chủ nhân của "nhái" nhạc ngoại lại sẵn lòng cổ vũ cho chuyện "copy nhạc".
Cô thản nhiên: "Tôi không gọi đó là "đạo nhạc" mà là "cách học tập qua lại lẫn nhau" (!) Có những ca sĩ rất nổi tiếng gặp tôi bảo: "Viết cho mình giống bài này, đổi khác đi một, hai nốt thôi!". Thật khôi hài khi có nhạc sĩ coi chuyện lấy nhạc người khác làm nhạc của mình là bình thường (!) "Sáng tác" bằng cách chỉ đổi "một hai nốt nhạc" của những bản nhạc sẵn có mà là nhạc sĩ ư?
Công chúng nghe nhạc quả là bức xúc và lên tiếng đòi những người sáng tác hãy trung thực. Ðặc biệt giới trẻ yêu nhạc trẻ cảm thấy như bị "phản bội" bởi nay biết rằng nhiều ca khúc vốn được họ yêu cuồng nhiệt nay lại có nguồn gốc xứ người (!)
Thật xót xa cho dòng nhạc trẻ bởi sức sống của nó không phải là do nội lực mà là vay mượn. Ðiều ấy có thể giải thích vì sao gần đây, nhiều ca khúc nhạc trẻ nghe "y chang" nhạc Thái, nhạc Hoa, nhạc Nhật, nhạc Hàn Quốc?
Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh từng nhận xét: Trong nghệ thuật, nếu ăn cắp hoặc copy sự sáng tạo của người khác thì xin đừng làm nghệ thuật nữa! Ðây quả là bài học để các nhạc sĩ phải thận trọng khi phổ ca khúc nước ngoài lời Việt. Các cơ quan chức năng về bản quyền cần cho ra đời sớm những văn bản pháp quy trong lĩnh vực này. Việc không có quy định về việc nhất thiết phải để tên tác giả rõ ràng đã tạo điều kiện cho sự bắt chước và "ăn cắp"...
Giáo sư, NSND Trọng Bằng, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận định: Ðây cũng là lời cảnh báo đối với một số người tự mệnh danh là nhạc sĩ của dòng "nhạc trẻ", song thực chất phần lớn cách làm của họ chỉ là sự cóp nhặt vụng về nhạc nước ngoài, vay mượn cảm xúc, thiếu vốn sống và tri thức văn hóa dân tộc không thích hợp tâm hồn và tình cảm của người Việt Nam...
Xã hội đã và đang lên án loại sản phẩm nhạc "nhái ngoại" vì nó làm mất uy tín của số anh chị em viết nhạc nhẹ và gây ảnh hưởng xấu tới giới sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, nhất là trong thời kỳ hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế.
Ðã từ lâu, việc sao chép nhạc nước ngoài như một phương pháp sản xuất bài hát với mục đích thiển cận là kiếm tiền và nổi danh, chạy theo thị hiếu không lành mạnh, bất chấp pháp luật, không coi trọng tư cách và nhân phẩm của một số người trong và ngoài hội, trở thành "đại nạn" đối với phong trào sáng tác "nhạc trẻ" hiện nay.
Ban chấp hành hội mong các hội viên phê phán mạnh mẽ những sai lầm vừa qua, đồng thời hưởng ứng kế hoạch đầu tư sáng tác của hội, tích cực đi vào thực tế đời sống, học tập và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, lao động sáng tạo nhiều hơn nữa để có nhiều tác phẩm chất lượng cao về nội dung và tư tưởng nghệ thuật.