Bài 4: Động lực mới cho sự tăng trưởng bền vững

Vận dụng đường lối, chủ trương đổi mới và có giải pháp thực hiện hiệu quả, tỉnh Bình Dương đã phát triển nhanh và được xem là một mô hình rất đặc biệt của Việt Nam trong kỳ thời đổi mới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với truyền thống cách mạng, tinh thần của miền đông gian lao mà anh dũng, dám nghĩ, biết làm, tỉnh Bình Dương tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu như quy hoạch đề ra, đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc trung tâm Thành phố mới Bình Dương.
Một góc trung tâm Thành phố mới Bình Dương.

Thành quả 28 năm phát triển

Năng động sáng tạo, tỉnh Bình Dương đã huy động hiệu quả nguồn lực xã hội để xây dựng hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp nhằm tạo đòn bẩy phát triển. Tầm nhìn đúng và tư duy đổi mới đã cho quả ngọt. Đến nay, với các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13, đường Bàu Bàng-Mỹ Phước-Tân Vạn, đường DT441, đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng, các tuyến đường và các cây cầu kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Đồng Nai…, tỉnh Bình Dương được đánh giá là địa phương có hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng thuận lợi để hấp dẫn nguồn vốn đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội.

Hạ tầng đi trước mở đường phát triển với 29 khu công nghiệp được phân bố ở nhiều huyện, thị, thành phố có diện tích 12.746 ha được đầu tư hiện đại, kết hợp chủ trương xuyên suốt “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” đã tạo tiền đề để Bình Dương thu hút đầu tư hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh có 73.135 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn 803 nghìn tỷ đồng và 4.372 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 42,1 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bài 4: Động lực mới cho sự tăng trưởng bền vững ảnh 1

Quan tâm phát triển đô thị xanh, lãnh đạo tỉnh Bình Dương phát động trồng cây xanh tại Thành phố mới Bình Dương.

Chủ trương và quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân đã tạo sự đồng thuận giúp tỉnh Bình Dương đạt được kết quả nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Đến cuối năm 2024, GRDP bình quân đầu người tại Bình Dương ước đạt 181,2 triệu đồng, tăng gần 31 lần so với năm 1997; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh dịch vụ đạt ước đạt 351.640 tỷ đồng, tăng hơn 115 lần; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,5 tỷ USD, tăng gấp 95 lần so với năm 1997… Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, quan hệ hợp tác khu vực, quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu; đến nay tỉnh Bình Dương đã ký kết hợp tác hữu nghị với 14 tỉnh, thành phố nước ngoài. Tập trung phát triển đô thị theo hướng thông minh, Vùng thông minh Bình Dương nhiều năm liên tiếp được Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) vinh danh tốp 7 và năm 2023 được vinh danh tốp 1 Cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu thế giới của năm.

Nguyên nhân làm nên sự thành công trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương chính là sự đoàn kết, đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu vì dân giàu nước mạnh. Với ý chí phấn đấu không ngừng vươn lên, tỉnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, phát huy được lợi thế so sánh của địa phương về vị trí địa lý, tận dụng nội và ngoại lực để thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế công nghiệp. Đáng trân trọng trong quá trình phát triển kinh tế, nhân dân tỉnh Bình Dương biết nhìn xa trông rộng, chung tay vì lợi ích lớn lao, đồng thuận góp phần trong quy hoạch nhằm tạo nên hạ tầng những khu công nghiệp, hạ tầng những khu đô thị, hạ tầng giao thông kết nối thông suất… làm nền tảng đột phá trên quê hương mình để tạo lực phát triển.

Bài 4: Động lực mới cho sự tăng trưởng bền vững ảnh 2

Một góc thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, sự phát triển của tỉnh Bình Dương là một mô hình rất đặc biệt của Việt Nam trong kỳ thời đổi mới, thể hiện ở các khía cạnh: Thứ nhất, sự phát triển của tỉnh chưa có tiền lệ và hoàn toàn mang tính sáng tạo bắt đầu xuất phát từ những yêu cầu đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân mà xuất hiện lên những sáng kiến rất là mới từ việc sử dụng đất đai, từ việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ việc thu hút phát triển các doanh nghiệp tại địa phương và những vấn đề liên quan giải quyết đời sống của nhân dân.

Thứ hai, thành công của tỉnh Bình Dương là tốc độ phát triển nhanh để mang lại sự đổi mới cho cả mảnh đất rất khó khăn, vốn là nghèo nhưng chỉ trong vòng hơn ¼ thế kỷ mà quy mô nền kinh tế của tỉnh đã tăng gấp gần 120 lần, thu nhập của người dân tăng hơn 29 lần. Đây là điều kỳ diệu của tỉnh đã thúc đẩy đưa địa phương trở thành một trong 5 tỉnh, thành phố có thu nhập đầu người cao nhất trong cả nước.

Thứ ba, đặc trưng của Bình Dương là sự phát triển chung của tỉnh gắn liền với đời sống của người dân với mục tiêu tối thượng mà Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn mong muốn nhằm mang lại cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho người dân. Đó là sự phát triển kinh tế gắn liền với cải thiện đời sống nhân dân và người dân được quyền hưởng thụ tất cả những thành tựu phát triển của tỉnh nhà.

Quy hoạch tỉnh mở ra chặng đường phát triển mới

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, sau thời gian nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ cùng sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các bộ, ban, ngành Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong Vùng, sự nỗ lực của các chuyên gia, nhà khoa học và những đóng góp của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại; đồng thời, Bình Dương có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Bài 4: Động lực mới cho sự tăng trưởng bền vững ảnh 3

Phát triển theo hướng khu công nghiệp xanh của các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore tại Bình Dương đang được lan tỏa.

Tổng thể quy hoạch tỉnh Bình Dương dựa trên 6 trụ cột phát triển với 37 nhiệm vụ, 5 chiến lược tích hợp và phát triển theo mô hình cấu trúc: 1 trụ cột phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Dương, bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người của tỉnh năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD; cơ cấu kinh tế năm 2030 với tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%...

Về xã hội, dân số tỉnh Bình Dương đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%... Là địa phương phát triển nhanh với công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Bình Dương có 42 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 18.600ha-21.000ha; trong đó tiếp tục thực hiện 33 khu công nghiệp đã được quy hoạch, gồm 29 khu công nghiệp đã thành lập và 4 khu công nghiệp đang chuẩn bị đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, sau khoảng thời gian gần 30 năm viết nên câu chuyện thành công, Bình Dương luôn lấy tinh thần đổi mới sáng tạo, tâm huyết, nỗ lực không mệt mỏi, nhất là sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp làm động lực, nguồn động viên to lớn trong việc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Quy hoạch tỉnh được phê duyệt đã tích hợp đúng nghĩa và mang bản sắc đặc trưng, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng kỳ vọng về một Bình Dương phát triển trong tương lai của cộng đồng nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Với quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn từ mô hình phát triển của giai đoạn trước, cũng như đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với những khâu đột phá mới; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh…

Quy hoạch tỉnh Bình Dương sẽ mở ra một chặng đường phát triển mới. Với truyền thống cách mạng, tinh thần của miền đông gian lao mà anh dũng, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, tỉnh Bình Dương tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu như quy hoạch đề ra, đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tiếp nối thành quả to lớn mà các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã kiến tạo.