Chống hàng giả, hàng nhái – Cuộc chiến không hồi kết

Bài 4: Dán tem để chống giả - “sứ mệnh” bất khả thi

NDO -

NDĐT - Tem chống hàng giả từng được xem là một giải pháp để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Nhưng hiện nay, không chỉ tem doanh nghiệp tự thiết kế mà ngay cả tem chống hàng giả cao cấp nhất do Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an phát hành cũng bị làm giả. Và dường như sứ mệnh chống hàng giả của các loại tem chống giả này đang trở thành vô vọng.

Tem chống hàng giả hợp chuẩn CR bị làm giả trên thị trường.
Tem chống hàng giả hợp chuẩn CR bị làm giả trên thị trường.


* Bài 3: Những cuộc truy lùng hàng giả từ biên giới

* Bài 2: Hàng giả hại hàng thật

* Bài 1: Thịt trâu thành thịt bò - sự phù phép siêu lợi nhuận?

Khó nhận diện tem giả

Trong vai doanh nghiệp tìm nơi in tem chống giả chúng tôi gặp người đàn ông tự giới thiệu là giám đốc kinh doanh của một công ty in ấn, anh ta liến thoắng tiếp thị sản phẩm: “Anh nhìn đi tem chống hàng giả của bên em xịn một nghìn phần nghìn luôn. Để em soi đèn kiểm tra phát quang cho anh xem… Đấy, thấy chưa, tem phát sáng bảy sắc cầu vồng, có vân mây nhé. Nếu anh in cả triệu tem, em bao rẻ phá giá trị trường luôn...”.

Quả như lời anh ta nói, những mẫu tem được ghim cẩn thận trong tập tài liệu nhìn rất bắt mắt và gần như không có bất cứ sự khác biệt nào với mẫu tem chuẩn tôi cầm trên tay. Cũng kích cỡ 18x40mm, cũng giấy vỡ chuyên biệt và những chi tiết vốn chỉ được in bằng công nghệ vi in (công nghệ dùng để in tiền).

Vốn kiến thức nhận biết các loại tem giả của tem chống hàng giả được trang bị qua ba mươi phút đào tạo cấp tốc của anh bạn công tác trong Viện Khoa học Hình sự đến đây coi như vô tác dụng. Ba chiếc tem mẫu cầm theo để đối chứng lúc này lại tỏ ra kém "sắc vóc" hơn những phiên bản không rõ nguồn gốc của chúng.

Nhưng mẫu tem chống hàng giả trên tay chúng tôi và qua lời nói của tay giám đốc kinh doanh kia càng "chuẩn không cần chỉnh" bao nhiêu, thì tôi càng hoang mang bấy nhiêu. Bởi hai lẽ, đây đã là công ty thứ tư chứng minh cho tôi thấy sự vi diệu của công nghệ in ấn hiện đại, có thể làm giả từ bằng cấp, chứng minh thư, hộ khẩu và cao cấp hơn là tem chống giả. Thứ nữa là các công ty in ấn này nở rộ như nấm sau mưa, khách hàng dễ dàng tìm được trên các trang mạng và cách làm việc của họ có tính tương tác cao với khách hàng mà không hề bị bất cứ một chế tài kiểm soát nào.

Chỉ với một thao tác đơn giản là tra từ khóa “tem chống hàng giả” trên Google, dễ dàng tìm được nhà thầu cung ứng tem chống hàng giả. Tất nhiên, những website giới thiệu về mặt hàng đặc biệt này cũng không quên chào mời khách hàng bằng những khẩu hiệu cũng hết sức hoa mỹ như: “Chất lượng hoàn hảo – Giá cả cạnh tranh” hoặc “Độc quyền công nghệ in ấn hiện đại nhất".

Và nếu đúng như lời quảng cáo của tay giám đốc là mỗi tháng công ty in của gã in hàng chục triệu chiếc tem chống hàng giả các loại, thì người tiêu dùng chắc cũng chỉ biết kêu trời bởi những chiếc tem này tinh vi tới mức chỉ chịu lộ mặt trước trước sự kiểm tra, kiểm định gắt gao của các chuyên gia. Còn các doanh nghiệp và nhà nước sẽ chịu thất thu một khoản không nhỏ bởi những mặt hàng giả, hàng nhái được dán những con tem chống hàng giả cũng "giả" nốt này đang được bán ngoài thị trường nhiều ngang ngửa với hàng thật.

Tem chống giả không hoàn thành sứ mệnh chống giả

Khi các doanh nghiệp cho ra đời tem chống hàng giả là mục đích để bảo hộ cho sản phẩm của mình và giúp người tiêu dùng nhận biết đâu là sản phẩm chính hãng, đâu là hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời với đó, chiếc tem chống hàng giả do Bộ Công an phát hành cũng được sử dụng rộng rãi hơn và được coi là một trong những giải pháp hiệu quả, tiết kiệm trong việc đối phó với vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Loại tem này được in bằng công nghệ UV với máy móc thiết bị do Bộ Công an quản lý từ khâu nhập khẩu đến vận hành. Với tính bảo an cao, có thể phát sáng và hiện lên các lớp thông tin chìm của khách hàng khi soi dưới đèn tia cực tím, được in trên chất liệu chống bóc nhằm ngăn chặn các nỗ lực tái sử dụng. Ngoài ta, tem cũng có thể in số hoặc thông tin linh động để bảo đảm cho khách hàng phân biệt được nguồn gốc thành phẩm đến từ các cơ sở kinh doanh khác nhau.

Để có được những con tem chống hàng giả do Bộ Công an sản xuất, theo quy định, doanh nghiệp cần trình một bộ hồ sơ bao gồm bản sao có công chứng giấy phép lưu hành hàng hóa, giấy đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, giấy đăng ký thuế... Qua quá trình thẩm định, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện cho phép, Viện Khoa học Hình sự sẽ tiến hành làm hợp đồng in tem chống hàng giả. Thời gian, thủ tục này không quá phức tạp, tuy nhiên cũng không có nhiều doanh nghiệp mặn mà với với loại tem chống hàng giả này bởi nó làm tăng giá thành sản phẩm và sự thật là nó... cũng bị làm giả.

Đối với những chiếc tem chống hàng giả thông thường khác, mọi việc được tiến hành đơn giản. Không ràng buộc thủ tục pháp lý, không cần biết xuất xứ hàng hóa, chỉ cần thống nhất chủng loại, kích cỡ, nội dung thông tin và giá cả, mười ngày sau sẽ có những con tem như ý được giao tận tay, người mua tùy ý dán vào mặt hàng nào thì dán.

Bài 4: Dán tem để chống giả - “sứ mệnh” bất khả thi ảnh 1

Giao diện một trang web quảng cáo in tem chống giả.

Giá cả mỗi nơi chào một khác, tùy thuộc vào độ tinh xảo của tem. Ví như loại tem vỡ, có dấu phát sáng với kích cỡ 40 x 18mm được chào giá 650 đồng/tem, kích thước 20 x 10mm giá 250 đồng/tem. Các mẫu tem khác đơn giản hơn giá chỉ khoảng 150 đồng đến 200 đồng/tem. Như vậy, không khó để nhận ra rằng, những chiếc tem chống hàng giả được đang được dễ dàng in ấn và phát hành trên thị trường.

Rượu, mỹ phẩm, thực phẩm, hoa quả nhập khẩu được dán tem nhập khẩu, tem chống hàng giả. Mũ bảo hiểm, quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng "made in Việt Nam" cũng được dán tem chống giả. Người tiêu dùng Việt Nam đã quen với việc xem xét kỹ tem, nhãn trên bao bì sản phẩm và đa số đều cho rằng tem chống hàng giả là một căn cứ quan trọng để xác định hàng thật, hàng giả.

Nhưng trước thực trạng hiện nay, nhất là khi các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng giả, nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng cũng đồng thời đặt in luôn tem chống hàng giả để dán mác cho sản phẩm của mình và con tem giả khó có thể phân biệt bằng mắt thường mà phải cậy nhờ đến đèn chiếu, thì "sứ mệnh" của con tem chống hàng giả dường như là bất khả thi.

“Tem làm dởm rất nhiều, toàn tem tự làm lấy, tự vẽ ra rồi tự bán. Đó là một loại kinh doanh tem chứ không phải để chống giả. Bởi vì khi in tem ra, có ai dám chắc loại tem đó có thể chống được khi bị làm giả đâu. Cho nên người tiêu dùng bị mắc lừa trên rất nhiều khâu khác nhau”, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam thừa nhận.

Khi tem chống giả “mất uy”

60% tem rượu ngoại là tem giả, tem quay vòng; các loại hoa quả có nguồn gốc xuất xứ từ châu Úc đã ngừng nhập khẩu nửa năm nay vẫn hiện diện công khai tại các sạp hàng, siêu thị với những chiếc tem chống hàng giả sáng lấp lánh. Gần 8 tấn bao bì làm giả các nhãn hiệu mì chính, hạt nêm, xà phòng... vừa bị lực lượng chức năng phát hiện... Những con số đó đáng để chúng ta phải suy ngẫm về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang rình rập khắp nơi.

Các mặt hàng khác như quần áo, hàng dân dụng, đồ dùng văn phòng... không rõ nguồn gốc cũng ồ ạt xuất hiện tại thị trường với chiếc tem chống hàng giả làm chìa khóa thông hành. Đặc biệt là chúng lại được bán dưới hình thức hàng công ty giảm giá, hàng Việt Nam chất lượng cao tồn kho với giá rất phải chăng thậm chí giá chỉ bằng một nửa hàng thật tại các phiên chợ vùng nông thôn nên nhanh chóng bán hết.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đang bất lực khi sản phẩm bị làm giả. Có doanh nghiệp hơn 20 năm nhập khẩu một loại thuốc, khi bị làm giả phải dán tem chống giả. Đến nay, trên mỗi hộp thuốc có đến 12 con tem chống hàng giả, kèm thêm một thư ngỏ về việc dán tem chống hàng giả gửi đến người tiêu dùng nhưng vẫn lo bị làm giả. Chi phí in tem, dán tem khiến giá thành sản phẩm vì thế đội lên 10.000 đồng/hộp thuốc, doanh số sụt giảm 1/3, nhưng họ không còn cách nào khác.

Nghị định 06/2008/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại đã nêu rõ về hành vi và mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả. Trong đó, mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng trên 10.000 đơn vị và phạt tiền gấp đôi mức này trong các trường hợp như: Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả của hàng thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, mỹ phẩm, thuốc thú y, phân bón, xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi...

Song, cho đến nay việc bắt và xử phạt các tổ chức, cá nhân về hành vi làm giả và lưu hành tem chống hàng giả gần như rơi vào bế tắc. Mà nếu có bắt và phạt, thì với mức phạt như đã nói ở trên thì chỉ đủ "hù dọa" đối tượng, mà không đủ sức để "răn đe" khiến các đối tượng không vì hám lợi mà in giả tem chống hàng giả.

Xem ra khi những chiếc tem chống hàng giả đã "mất uy" và các cơ quan chức năng vẫn cứ loay hoay với việc nâng cao công nghệ in hay tranh cãi đâu là tem thật, tem giả, còn doanh nghiệp bất lực, thì người tiêu dùng chỉ còn một cách để bảo vệ mình và gia đình bằng cách "bất đắc dĩ" là luôn "xem kỹ thông tin sản phẩm in trên bao bì" hoặc "Hãy làm người tiêu dùng thông thái" như những khuyến cáo đã "xưa như trái đất".