Bài 2: Vùng khó có Đảng dẫn đường

NDO - Thấu hiểu cái tâm, cái tình của đồng bào, trăn trở trước những khó khăn, tủi khổ của bà con khi bị lừa gạt, xúi giục; Đảng bộ, chính quyền các cấp đã có những chỉ đạo, định hướng và hành động thiết thực nhằm mục tiêu giúp người dân Tà Tổng nói riêng và vùng khó nói chung vươn lên ổn định và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Để giúp Tà Tổng vươn lên, đã có hàng trăm cán bộ đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ tỉnh đến huyện được cử đến cắm chốt thực hiện 4 cùng với dân.
Để giúp Tà Tổng vươn lên, đã có hàng trăm cán bộ đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ tỉnh đến huyện được cử đến cắm chốt thực hiện 4 cùng với dân.

Những quyết sách vì dân

Nhắc đến Tà Tổng, đồng chí Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè chia sẻ: Để xóa điểm nóng về an ninh trật tự, để Tà Tổng không bị bỏ lại phía sau, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết các cấp.

Từ các Chương trình mục tiêu quốc gia đến các Chỉ thị, Nghị quyết như: Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hay như Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 22/3/2019 của Tỉnh ủy Lai Châu về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; rồi thì Kế hoạch số 4050/KH-CAT-PV05 của Công an Lai Châu triển khai thực hiện công tác “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, giai đoạn 2020-2022… và rất nhiều Nghị quyết, chương trình, kế hoạch khác của các cấp được ban hành, với quyết tâm củng cố toàn diện hệ thống chính trị, chuyển hóa địa bàn, đập tan các âm mưu của bọn tội phạm, trả lại sự yên vui cho bản làng để đồng bào an tâm lao động sản xuất và vươn lên.

Bài 2: Vùng khó có Đảng dẫn đường ảnh 1

Đảng viên tăng cường là cánh tay nối dài của Đảng tới từng thôn, bản; từ đó lan tỏa đường lối của Đảng đến tới từng nếp nhà, từng người dân.

Một vấn đề mang tính chất cốt tủy để hiện thực hóa đường lối của Đảng chính là Đảng phải đi trước một bước, phải để “cánh tay” của Đảng vươn dài tới từng thôn, bản; từ đó lan tỏa đường lối của Đảng đến tới từng nếp nhà, từng người dân. Và đến nay, sau rất nhiều nỗ lực để phát hiện nhân tố, bồi dưỡng, theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ, Tà Tổng đã xóa trắng được chi bộ.

Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ xã Tà Tổng đã kết nạp được tới 73 đảng viên - một con số có thể không lớn với một tỉnh miền xuôi nhưng so với một xã miền núi còn vô vàn khó khăn như Tà Tổng đó là cả một câu chuyện dài.

Còn so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đã đạt 158%, nâng tổng số đảng viên của xã lên 212 đồng chí, sinh hoạt ở 16 chi bộ. Dù còn có những mặt, những điểm mà các đảng viên người dân tộc thiểu số còn hạn chế nhưng họ thực sự là những “hạt giống đỏ” của Đảng ở cơ sở.

Bài 2: Vùng khó có Đảng dẫn đường ảnh 2

Đảng viên tiên phong tìm hướng đi mới giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Với quyết tâm không để Tà Tổng rơi vào “vùng xám, vùng tối”, cùng với việc phát triển đảng viên ngay tại cơ sở, huyện Mường Tè đã điều động nhiều cán bộ về Tà Tổng nhằm củng cố hệ thống chính trị. Đồng thời ưu tiên nguồn lực xây dựng đường xá, kéo điện lưới, đưa viễn thông vào để phá thế cô lập cho đất này.

Cùng với đó Công an Lai Châu, Công an huyện Mường Tè cũng thành lập các tổ công tác trực tiếp bám, nắm; xuống từng địa bàn dân cư cùng ăn, cùng làm với dân. Những cán bộ, chiến sĩ tăng cường lên dựng lán ăn ngủ ở bản, xắn quần lội ruộng để cùng nhân dân tìm ra giống lúa gì, giống ngô nào phù hợp để đưa vào những trảng ruộng, mảnh nương nơi đây. Qua đó tuyên truyền người dân chuyên tâm làm ăn, tập trung phát triển kinh tế, không nghe, không tin, không theo, không bị mắc mưu kẻ xấu.

Bài 2: Vùng khó có Đảng dẫn đường ảnh 3

Cán bộ chiến sĩ tăng cường bám nắm địa bàn, tuyên truyền người dân tập trung làm ăn không nghe, không tin theo kẻ xấu.

Về phía cơ sở, Đảng ủy xã Tà Tổng cũng ban hành Nghị quyết với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, trong đó nhấn mạnh: “phong trào bản H'Mông đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa mới”. Qua 2 năm triển khai quyết liệt, hiện Tà Tổng từ điểm nóng đã trở thành điểm sáng về an ninh trật tự.

Lặng thầm những bước chinh yên

Đưa Tà Tổng từ “điểm nóng” trở thành “điểm sáng” về an ninh trật tự là mục tiêu và nhiệm vụ của của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã. Tuy nhiên vai trò hạt nhân không thể không kể đến là những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an. Họ không ồn ào khoe thành tích, nhưng để có một Tà Tổng bình yên họ đã phải cố gắng, phải hi sinh rất nhiều.

Bài 2: Vùng khó có Đảng dẫn đường ảnh 4

Không ồn ào khoe thành tích, nhưng để có một Tà Tổng bình yên cán bộ chiến sĩ Công an Lai Châu đã phải cố gắng, phải hi sinh rất nhiều.

Còn nhớ những năm 2015-2016, đó là thời kỳ cao điểm trong việc vận động, phá nhổ cây thuốc phiện. Lực lượng công an phải huy động tổng cán bộ chiến sĩ từ cấp tỉnh tới xã, thậm chí là công an viên, dân quân xã cùng vào cuộc để đào tận gốc, trốc tận rễ loài cây quái ác kia. Thời kỳ ấy, cây thuốc phiện được trồng rất nhiều, người dân lại trồng ở những trảng rừng rất xa, có nơi phải đi mất hai ngày đường mới tới được. Có chỗ người ta còn trồng từ sườn núi bên này lan sang sườn núi bên kia. Bởi thế, có lần hơn 80 cán bộ, chiến sĩ phải luồn rừng, lách khe mà nhổ, mà phát rồi đốt cho sạch.

Bài 2: Vùng khó có Đảng dẫn đường ảnh 5

Thuốc phiện được người dân trồng ở trảng rừng rất xa, có nơi phải đi mất hai ngày đường mới tới, rất khó cho lực lượng chức năng trong việc phá nhổ triệt để.

Nhưng 80 chưa phải là con số lớn nhất, có chiến dịch tổng lực, lực lượng công an phải huy động đến 118 cán bộ, chiến sĩ về với Tà Tổng. Họ đến với bà con không phải bằng súng, bằng đạn mà bằng cái trách nhiệm của người Công an nhân dân. Họ đến để thực hiện “4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương”. Để tuyên truyền cho bà con hiểu, tấm lòng của Đảng chẳng phải cái gì cao siêu mà là lo cho dân ấm, dân no, cho dân đoàn kết ngày càng phát triển.

Hiện nay, đến các bản của Tà Tổng, sẽ dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà của người dân có vách tường bằng vật liệu tổng hợp, mái lợp tôn xanh. Đồng bào gọi đó là “nhà 245”. Những ngôi nhà này là kết quả của Đề án 245 của tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Công an huy động nguồn lực từ Thành ủy, chính quyền, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; với tổng kinh phí 50 tỷ đồng, hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.062 căn nhà; trong đó Công an Lai Châu làm mới 219 ngôi nhà và sửa chữa 116 nhà. Riêng địa bàn xã Tà Tổng, các cán bộ, chiến sĩ Công an đã hỗ trợ bà con làm mới 83 ngôi nhà và sửa chữa được 69 nhà. Những căn nhà ấy đã giúp bà con có những mùa đông ấm áp không lo gió lùa, sương lạnh, mưa dột, nắng xiên.

Bài 2: Vùng khó có Đảng dẫn đường ảnh 6

Công an Lai Châu đã hỗ trợ làm mới 83 ngôi nhà và sửa chữa được 69 nhà cho người dân ở Tà Tổng theo Đề án 245.

Trong câu chuyện với Đại tá Tao Văn Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, chúng tôi được biết, để chuyển hóa các “điểm nóng” nói chung và Tà Tổng nói riêng, những năm qua đã có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ của Công an Lai Châu phải ăn rừng, uống suối, ngủ nương mà bám nắm địa bàn. Trong đó có những đồng chí vỡ cả đốt sống khi làm nhiệm vụ, có đồng chí mẹ từ trần mà anh em trong nhóm phải đi tìm mấy ngày trong rừng để báo tin, đến khi về được đến nhà thì gia đình đã lo xong việc của mẹ.

Gặp Trung tá Hỏ Văn Vịnh với cây gậy chống trong tay, quãng thanh xuân hơn 10 năm gắn bó với Tà Tổng cho đến 2016. Trong một chuyến công tác, để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, anh bị tại nạn do đất lở, bị ngã xuống vực sâu hơn 50m. Cú ngã khiến anh vỡ 2 đốt sống lưng, chấn thương tủy sống và liệt cả 2 chân (tỷ lệ thương tật 54%).

Bài 2: Vùng khó có Đảng dẫn đường ảnh 7

Thượng tá Phan Văn Sơn (Thứ 2 từ phải vào) người có nhiều năm gắn bó với Tà Tổng, khi mẹ anh từ trần người nhà không thể liên lạc để báo tin.

Hay như Thượng tá Phan Văn Sơn, nguyên Trưởng Công an huyện Mường Tè, ai cũng nhớ câu chuyện vừa thương, vừa buồn của anh. Khi còn là một chiến sĩ an ninh, anh được tăng cường vào thực hiện nhiệm vụ tại Tà Tổng. Ở cái nơi đường còn chưa có muốn liên lạc “thế giới bên ngoài”, phải trèo lên trên đỉnh núi cao nhất để hứng “sóng rơi”. Vậy nên, khi mẹ anh từ trần, người nhà đã tìm đủ mọi cách để liên lạc với anh mà không được.

Gia đình phải cử người vào bản báo tin. Thế là cả tổ công tác phải tỏa đi khắp rừng, khắp nương để gọi, nhưng cũng phải 2 ngày sau anh mới nhận được tin. Chẳng được về nhìn mặt mẹ lần cuối thì người con nào không đau, không xót.

Bài 2: Vùng khó có Đảng dẫn đường ảnh 8

Những thầy giáo có "quyền được ngã" ở Tà Tổng trong một chuyến chở thực phẩm từ trung tâm huyện về bản Nậm Ngà cho học sinh.

Không chỉ lực lượng vũ trang, không chỉ cán bộ tăng cường, giúp người dân phát triển kinh tế, ở Tà Tổng không thể không kể đến những cán bộ y tế, giáo viên… những người thầm lặng hy sinh để nhân dân thay đổi nếp sống, tiếp cận những điểm tiến bộ về văn hóa, xã hội. Có những thầy cô có đến 20 năm gieo chữ ở các điểm trường Tà Tổng. Có thầy giáo vào đây cắm chốt lâu quá đến ế vợ.

Có cô giáo vì đi lại quá khó khăn mà sảy thai. Người thì bị chồng dọa bỏ. Cũng có người ngã xe xuống vực. Thậm chí có người coi việc chảy máu, què chân vì tai nạn khi “cõng chữ” vào bản là cái “quyền” được ngã. Nhờ đó đến nay nhiều lớp học sinh của các thầy cô giờ đã trưởng thành, trở về địa phương làm cán bộ, giáo viên, một bộ phận đi lao động tại các tỉnh miền xuôi… đây là những thế hệ người bản địa đóng góp lớn vào thay đổi trong tư duy của đồng bào ở vùng đất “bị lãng quên” - Tà Tổng.