Nhìn lại thành công vượt bậc từ những huyện đi đầu vững chắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, có thể thấy, cái gốc tạo nên “kỳ tích” bắt đầu từ nỗ lực chịu khó tìm tòi, đổi mới phương thức canh tác nông nghiệp, đưa nhiều loại nông sản hội nhập nhanh, tăng thu nhập cho nhà nông. Việc làm này đòi hỏi tinh thần tự giác, chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn để cụ thể hóa, triển khai các cơ chế, chính sách một cách phù hợp thực tế cơ sở, cùng với việc huy động hiệu quả mọi nguồn lực và đây là bài học tâm huyết cho chặng đường tiếp theo.
Trong các Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu khá cao về tăng thu nhập cho người dân nông thôn, cụ thể, đến năm 2025 tăng lên mức 88 triệu đồng/người.
Mọi suy nghĩ, hành động thực tế nỗ lực thúc đẩy nâng chất nông thôn mới của cả hệ thống chính trị hiện nay đều xoay quanh nhiệm vụ trọng tâm này, nhờ đó nhiều nơi thực hiện đạt và vượt tiêu chí thu nhập hằng năm, dù bối cảnh chung gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh ý thức chủ động thay đổi tập quán canh tác của nhà nông, sự vào cuộc nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp của tỉnh đã tích cực đóng vai trò dẫn dắt, thâm nhập sâu hơn, kết nối tốt hơn các vùng trồng, hỗ trợ việc giám sát trong quá trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Nỗ lực nâng cao thu nhập để rút ngắn lộ trình
Nông dân xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tạo nên điểm sáng mô hình thực tế chăm sóc lúa bằng Drone của Hợp tác xã nông nghiệp Bàu Kiên, với chuỗi liên kết sản xuất diện tích 150ha. Hợp tác xã cung ứng vật tư đầu vào và thực hiện chăm sóc lúa bằng Drone. Thời điểm cần phun thuốc bảo vệ thực vật đồng loạt, chỉ cần hai người vận hành, trong ba ngày sẽ hoàn tất toàn bộ diện tích.
Từ khi sử dụng máy bay vào sản xuất nông nghiệp đã giảm khoảng 30% nhân công sản xuất trực tiếp; lượng thuốc sử dụng giảm, nhưng lúa thu hoạch cho năng suất cao hơn, từ 5- 6 tấn/ha tăng lên 7-8 tấn/ha.
Giá lúa sẽ được doanh nghiệp và người dân định giá, có sự chứng kiến của nhà nước. Mô hình này giúp tăng doanh thu 30% so với phương pháp sản xuất thủ công trước đây, nâng cao thu nhập cho bà con.
Bí thư Huyện ủy Định Quán Trần Bá Đạt khẳng định, với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập làm “gốc” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao/ kiểu mẫu, bên cạnh những chính sách hiện có của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện cũng có những chính sách riêng.
Định Quán còn là một trong hai địa phương của tỉnh được quy hoạch đầu tư Cụm công nghiệp chuyên thu hút các nhà đầu tư chế biến nông sản, thực phẩm, kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến.
Mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng cho năng suất cao tại huyện Xuân Lộc. |
Nói về sản xuất nông nghiệp địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, các loại cây, con chủ lực đã được sắp xếp và hình thành rõ các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Xuân Lộc đang xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới mô hình nông nghiệp xanh, nông thôn thông minh. Địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu, phấn đấu giai đoạn 2024-2025 có 48 vườn sản xuất mẫu.
Để Xuân Lộc sớm được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu tiếp tục coi việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cần nâng cao chất lượng các tiêu chí liên quan trực tiếp đến sản xuất, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Riêng các huyện Nhơn Trạch, Long Thành có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp, để nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, đã chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, tăng cường ứng dụng các mô hình chăn nuôi công nghệ cao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đánh giá, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ đầu năm 2024 đến nay khá cao, đơn cử như xã Phú Tân (huyện Tân Phú) đạt trên 90 triệu đồng/năm; xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) đạt hơn 88,8 triệu đồng/năm.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường khảo sát mô hình trồng ca cao cho năng suất cao tại huyện Xuân Lộc. |
Sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh Đồng Nai hiện nay là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Song song đó, nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Mục đích tỉnh Đồng Nai hướng đến là nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, ít phát thải.
Đồng hành quá trình này là hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được tỉnh ưu tiên các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh gắn với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt 33 nhiệm vụ khoa học-công nghệ lĩnh vực nông nghiệp.
Vừa qua, Đồng Nai đã phối hợp với Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) ứng dụng công nghệ hài hòa vật chất hữu cơ và vi sinh vật giúp nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường (Sofix) vào sản xuất, trước mắt dự kiến thí điểm trên cây sầu riêng và bưởi.
Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch cụ thể hoá mục tiêu Nghị quyết về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, |
Mới đây, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch cụ thể hoá mục tiêu Nghị quyết về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, để kịp thời chỉ đạo nhằm tạo sự chuyển biến sâu rộng, thực chất hơn nữa.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Trần Lâm Sinh khẳng định, kết quả nổi bật là tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao đạt gần 46,3%, giá trị ước đạt trên 34,7 nghìn tỷ đồng, đạt gần 92,6% mục tiêu đến năm 2025, vượt lộ trình đề ra.
Giá trị sản phẩm thu hoạch tính theo đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 160 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,3 lần so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt mức cao kỷ lục với hơn 3,26 tỷ USD.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành 127 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với nông sản chủ lực của tỉnh với tổng diện tích gần 40.700ha.
Với diện tích sầu riêng gần 13.000ha, tỉnh đang đẩy nhanh xây dựng các vùng chuyên canh, nhân rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, có thể cạnh tranh tốt về cả giá bán và chất lượng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh, về ứng dụng công nghệ cao, có hơn 59.700ha cây trồng chủ lực của tỉnh được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, chăn nuôi gà công nghệ cao, trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín ngày càng nhân rộng. Về nông nghiệp theo hướng hữu cơ, có 1.670ha đạt chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và tương đương.
“Những mô hình trên cho thấy, khả năng áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sản xuất sạch đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các cánh đồng trong tỉnh và khẳng định sự nhạy bén của người nông dân trước xu thế hội nhập, bộc lộ rõ nét sự đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”, ông Anh nhìn nhận.
Lô sầu riêng tỉnh Đồng Nai xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. |
Nhằm tạo sự đồng thuận cao hơn nữa từ phía người dân, doanh nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn cho rằng, tỉnh cần khắc phục cho được những mặt hạn chế nổi lên hiện nay là, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ quy mô còn nhỏ, liên kết sản xuất thiếu bền vững; chất lượng, sản lượng nông sản đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm xuất khẩu chưa nhiều.
“Cần có kế hoạch chi tiết, lộ trình cụ thể, bố trí nguồn lực tương xứng, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cấp ủy các cấp, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu đến cuối năm 2025 theo Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, tạo cơ hội cho các sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ truy xuất được nguồn gốc đến với người tiêu dùng”, đồng chí Hồ Thanh Sơn lưu ý.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, yếu tố hạ tầng cho nông nghiệp rất quan trọng, nhất là đầu tư xưởng sơ chế, kho lạnh trong bảo quản nông sản là nhu cầu cấp bách.
Do đó, mong muốn các nhà đầu tư quan tâm đến chất lượng nông sản, gắn với uy tín thị trường vì nó quyết định sự tồn tại công ăn việc làm của nông dân, của ngành kinh tế nông nghiệp; người dân thu nhập cao hay thấp cũng là ở chỗ đó.