Đi qua những cơn bão biển

Bài 2: Khát vọng tái sinh sau vụ nổ bình gas thảm khốc trên biển

NDO -

NDĐT – Sau vụ nổ thảm khốc do rò rỉ bình gas từng rúng động vùng biển Vũng Tàu tám tháng trước, những anh em ruột đi trên con tàu đó ngồi trước mặt chúng tôi với những vết bỏng vừa liền sẹo còn loang lổ. Họ kể lại chuyện đã thoát chết ra sao trên con tàu cháy như đuốc giữa biển, nói về nỗi sợ hãi mang tên bình gas và khát vọng tái sinh từ con tàu cháy…

Nạn nhân được cứu sau vụ nổ bình gas trên biển Vũng Tàu tám tháng trước.
Nạn nhân được cứu sau vụ nổ bình gas trên biển Vũng Tàu tám tháng trước.

* Bài 1: Những chuyện khó tin của nghề cứu nạn

Chuyến đi ấy, có một người không thể trở về

Xuôi 20 km từ thành phố Vũng Tàu về làng chài tại huyện Long Điền, đi vào con ngõ ngoắt ngoéo, chúng tôi được gặp gia đình anh Nguyễn Thanh Thái, là chủ chiếc tàu bị nổ bình gas, cũng là người anh cả trong chuyến đi mang theo cả sáu cậu em trai mình cách đây gần tám tháng.

Bài 2: Khát vọng tái sinh sau vụ nổ bình gas thảm khốc trên biển ảnh 1

Bốn anh em trong vụ nổ bình gas kể lại câu chuyện thảm khốc.

Đêm 17-2, tàu cá Thanh Nga, số hiệu BV 94157 TS do anh Nguyễn Thanh Thái (59 tuổi, ngụ huyện Long Điền, Bà Rịa -Vũng Tàu) làm thuyền trưởng, đang hoạt động cách mũi Vũng Tàu khoảng 41 hải lý về hướng Nam - Đông Nam. Trên tàu có 13 ngư dân, trong đó có sáu em ruột và một em rể cùng hai đứa cháu của anh Thái.

Một giờ sáng, khi tất cả đang ngủ say, anh Nguyễn Thanh Phụng (anh Út) choàng tỉnh vì ngửi thấy mùi gas nồng nặc nên hô hoán mọi người dậy. Anh Phụng đang định chạy đi tìm bình gas bị rò rỉ để ném xuống biển thì một tiếng nổ lớn phát ra, lửa bùng cháy khắp con tàu, gần như tất cả đều bị bỏng nặng. Áp lực của vụ nổ khiến Phụng và anh Nguyễn Thanh Hồng (anh Bảy) văng xuống biển, mỗi người một hướng. May mắn thay, anh Bảy vớ được một chiếc can nhựa cũng văng ra từ vụ nổ. Trong ánh sáng lập lòe từ con tàu cháy, anh Bảy nhìn thấy đứa em út của mình đang chấp chới trên mặt biển nên bơi về đó cứu em. Hai anh em ôm chiếc can nhựa dạt trôi trên biển, trong cơn đau bỏng rát từ cơ thể bị cháy sém gần hết…

Trong khi Út và Bảy cùng bấu víu sự sống nhờ cái can nhựa thì 11 người còn lại cũng đang hoảng loạn trên con tàu cháy. Anh Thái may mắn hơn mọi người không bị thương tích vì lúc đó anh đang điều khiển tàu trên cabin trong khi chiếc bình gas phát nổ là bình dự trữ ở dưới hầm tàu. Khi chiếc ghe đang muốn bửa làm đôi sau vụ nổ, những người anh em vùng vẫy trong biển lửa, anh Thái quyết định đưa cả 11 người xuống chiếc thúng cũng đã cháy một nửa.

“Đầu óc tôi lúc đó mụ mị. Cứ thả đại cái thúng dù chỉ còn một nửa rồi thả mình trôi trên biển. Tôi cũng hoảng loạn, chỉ sợ tàu nổ mà không có cách nào để cứu được anh em. Lúc đó, tôi chỉ cầu trời cứu giúp anh em để gió thuận chiều thổi cái thúng tới được chiếc tàu đang neo cách đó chừng 5km”, anh Thái nghẹn ngào kể lại.

Và thật may mắn cho các anh, gió đã thuận chiều đưa họ tới cầu cứu chiếc tàu Hồng Ngọc. 11 thuyền viên trên chiếc tàu xấu số được cứu, trong tình trạng đã cháy hết quần áo, phỏng nặng toàn thân. Còn chiếc tàu, vào khoảng 5 giờ sáng cũng bắt đầu chìm. Lúc được cứu, anh Thái mới hoàn hồn nghĩ đến hai đứa em còn mất tích trên biển. Anh nhờ tàu Hồng Ngọc đi tìm, đến 5 giờ sáng thì vớt được anh Út.

Nói về số phận của hai anh em bị văng ra biển, trong giây phút sinh tử, giữa đêm lạnh, khi sức khỏe ngày càng suy kiệt, không một ai trên chiếc tàu còn đủ tỉnh táo để cứu giúp, Út và Bảy ôm nhau và chờ đợi phép màu. Sau hai tiếng cố gắng bám trụ, thương tích quá nặng, người anh Bảy cứng đơ không còn sức bíu vào can nhựa nữa. “Trước khi rời tay tôi, anh ấy còn nói với lại: “Thôi Út ơi, anh không còn chịu đựng nổi nữa, chắc anh đi trước thôi. Em cố gắng mà bám trụ và trở về nhé”, anh Út cất giọng trầm đục kể lại.

Và chuyến cứu nạn khẩn cấp

Bài 2: Khát vọng tái sinh sau vụ nổ bình gas thảm khốc trên biển ảnh 2

Vụ cứu nạn 13 thuyền viên bị nổ bình gas của VungTau MRCC.

Dù đã lên được tàu của ngư dân khác, nhưng vì phương tiện liên lạc còn quá thô sơ, phải gần hai giờ đồng hồ sau, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) mới tiếp nhận được thông tin về chiếc tàu bị nổ bình gas qua điện thoại.

Phó Giám đốc Vungtau MRCC Lương Trường Phi kể lại, sau khi nhận thông tin cứu nạn, Trung tâm 3 đã phát thông báo hàng hải cho các tàu cá hoạt động trong khu vực trợ giúp khẩn cấp, điều động tàu tìm kiếm SAR 272 từ Vũng Tàu và tàu SAR 413 từ Côn Đảo đến hiện trường cứu nạn khẩn cấp.

Phần lớn các ngư dân trong tình trạng cháy hết quần áo, bỏng nặng. Nỗi sợ hãi in hằn lên những đôi mắt ngầu đỏ vì khói và than khóc. Tàu cứu nạn kịp thời đưa các bác sĩ ra sơ cứu các nạn nhân bị thương. Khoảng 14 giờ ngày 17-2, tàu SAR 272 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 3) đã đưa 12 ngư dân bị thương trong vụ nổ tàu cá BV 94157 TS về cảng ở Vũng Tàu để cấp cứu.

Ngoài việc khẩn trương sơ cứu cho người bị nạn, Trung tâm cũng đề nghị Bệnh viện Lê Lợi, Bệnh viện Vũng Tàu của TP Vũng Tàu hỗ trợ y tế. Tám xe cứu thương trực sẵn trên bờ, chờ đưa người bị thương vào viện sơ cứu rồi chuyển những ca nặng nhất lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong số 12 người được đưa về bờ, 10 người phải nhập viện vì bỏng. Có hai người bị thương rất nặng là Trương Văn Thuận (21 tuổi), Dương Thanh Dũng (46 tuổi) gần như bỏng toàn thân, bốn ngư dân bị thương nặng là anh Nguyễn Thanh Phụng (35 tuổi), ông Nguyễn Thanh Bình (47 tuổi), Nguyễn Thanh Ngọc (21 tuổi), Trần Xuân Điệp (27 tuổi). Hai ngư dân bị bỏng nặng nhất, sau gần hai tháng nằm viện cũng đã nhanh chóng bình phục sức khỏe để tiếp tục dưỡng thương tại nhà.

Ngay sau khi đưa các ngư dân bị nạn vào bờ, tàu SAR 272 đã ra hiện trường để phối hợp với tàu SAR 413 và các tàu cá khác tìm kiếm ngư dân mất tích.

“Sau đó, chúng tôi có tìm được một thi thể. Nhưng khi khám nghiệm tử thi mới biết đó không phải là cậu em Nguyễn Thanh Hồng. Đó là thi thể thuyền viên của một tàu Bình Thuận bị nạn cách đó khoảng 40 hải lý”, ông Phi cho hay. Còn anh Bảy vĩnh viễn nằm lại dưới biển khơi.

Khi chúng tôi đến đây, vết thương trên da thịt của những ngư dân bị bỏng sau vụ nổ đã lành lại, chỉ còn loang lổ những vết sẹo. Nhà chín anh em (bảy anh em trai) của anh Nguyễn Thanh Thái quây quần trong xóm chài nhỏ. Xóm nghèo với những người đàn bà quanh năm ở nhà đan lưới, chăm con nhỏ, còn những người chồng vươn khơi để kiếm kế sinh nhai.

Vội vã trở về từ chỗ đang trùng tu, lắp ráp lại con tàu bị nổ, người lấm lem sơn và bụi gỗ, anh Thái mừng rỡ chào đón những chiến sĩ của tàu SAR. Những tháng qua, chưa lúc nào gia đình anh quên ơn cứu nạn kịp thời của lực lượng cứu nạn của Trung tâm 3.

Anh Dương Thanh Dũng (em rể anh Thái) kể bằng chất giọng trầm khan: “Chúng tôi như những bó đuốc, vùng vẫy trong đám cháy, chỉ sợ tàu nổ mà cũng không dám nhảy xuống nước. Cứ nằm trong đau đớn và cầu nguyện. Lúc đó, chỉ nghĩ chết cháy còn tìm được xác về, chứ nhảy xuống nước cũng đau đớn vô chừng mà cũng trôi mất xác. Cũng may gió thổi cháy hết quần áo là ngừng cháy”.

Anh Dũng là người bị bỏng nặng nhất, tới 74% cơ thể. Sau gần ba tháng nằm viện và sáu tháng dưỡng sức ở nhà, anh Dũng nói chưa lúc nào cơ thể anh hết những đau đớn cả về thể xác và tinh thần sau vụ nổ bình gas đó. Xoa vết da non còn hằn lên những đau đớn, anh bảo rồi đây, anh không còn đủ sức khỏe để ra khơi nữa. Và biển khơi với anh, cũng đã trở thành một nỗi sợ hãi. Dù rằng, từ đây, anh cũng không biết bấu víu vào nghề gì để sống khi sức khỏe vẫn còn suy kiệt sau trận bỏng.

Bài 2: Khát vọng tái sinh sau vụ nổ bình gas thảm khốc trên biển ảnh 3

Anh Út như được tái sinh sau khi bị văng xuống biển vì nổ bình gas.

Nhà anh Nguyễn Thanh Phụng (anh Út) gần đó đang bi bô tiếng con trẻ. Người đàn ông có thể được coi là may mắn nhất trong đêm định mệnh ấy đang vui vầy bên cậu con trai hơn một tuổi. Vẻ rắn rỏi của người đàn ông đi biển bỗng đổ gục sau tiếng nấc: “Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa tìm được anh Bảy. Nỗi ám ảnh này, không biết đến khi nào mới nguôi ngoai”.

Nỗi đau không cất thành lời ấy, anh Út đeo nặng suốt tám tháng qua. Bế cậu con trai còn quá nhỏ vào lòng, anh Út bảo, lúc cơ hội sống sót chỉ còn rất ít ỏi, anh thương nhất vợ con khi bé lớn mới 3 tuổi và bé út lúc đó mới hơn ba tháng. “Khi anh Bảy thả tay buông trôi vì kiệt sức, mấy tiếng đồng hồ sau đó, tôi nằm dưới nước lạnh, cùng với sự đau đớn vì bị bỏng, tôi đã nghĩ mình không còn cơ hội trở về” – anh Bảy nén tiếng khóc.

Nỗi ám ảnh mang tên bình gas

Phó Giám đốc Lương Trường Phi nói, đây là một trong những chuyến đi cứu nạn đặc biệt của Vungtau MRCC. Một năm trước, một chiếc tàu chở 18 người cũng bị nổ bình gas, nhưng 15 người không còn sống sót. Trong vòng bốn ngày, Trung tâm đã lập kỷ lục khi cùng sự hỗ trợ của nhiều tàu, thuyền khác, đã vớt được 15 thi thể. Lần này, cũng là vụ nổ bình gas, nhưng may mắn là 12 trong số 13 người trên con tàu xấu số lại không bị thiệt hại về tính mạng.

Tuy nhiên, những vụ nổ bình gas thảm khốc này đang gióng lên hồi chuông báo động. Hiện nay, các chuyến tàu khai thác xa bờ, ngư dân thường sử dụng từ 4 đến 6 bình gas, loại 12 ký để nấu ăn. Mặc dù sử dụng nhiên liệu dễ cháy nổ nhưng ngư dân chưa quan tâm đến việc bảo đảm an toàn. Bình gas bị bơm đi bơm lại, va chạm, rỉ sét nên đi biển rất nguy hiểm.

Phó Giám đốc Lương Trường Phi kể: “Hiện nay, việc kiểm tra an toàn cháy nổ cũng chưa được quan tâm. Chúng ta mới chỉ siết chặt an toàn cháy nổ trên những tàu du lịch, mà bỏ qua hoàn toàn an toàn cháy nổ trên những chiếc tàu đánh bắt của ngư dân. Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phát tờ rơi để bà con nâng cao cảnh giác, nhưng xem ra, cũng chỉ như muối bỏ biển”.

Anh Thái nhiều tháng sau đó cũng tìm đến cửa hàng cung cấp gas để đòi quyền lợi cho mình. Nhưng anh chẳng có bằng chứng gì để đòi bồi thường từ chủ gas, vì vụ nổ xảy ra trên biển.

Bài 2: Khát vọng tái sinh sau vụ nổ bình gas thảm khốc trên biển ảnh 4

Con tàu cháy được tái sinh, nhưng anh Thái chưa đủ tiền để mua máy.

Anh Thái đành tận dụng những phụ kiện phía trong tàu còn sót lại sau đám cháy, tiếp tục dốc hết tiền của, vay mượn cả tỷ đồng để đóng lại con tàu. Nhìn con tàu đang thành hình hài, chỉ chờ cơ hội ra khơi, anh Thái nói, anh ước sẽ được hạ thủy vào tháng 10 năm nay. Nhưng mơ ước là thế thôi, vì anh còn chưa xoay xở đâu ra hơn 400 triệu đồng để mua máy mới vận hành con tàu.

“Giờ gia đình không còn gì để thế chấp vay ngân hàng. Xem ra số phận con tàu của tôi cũng vẫn còn mong manh lắm” – anh Thái thở dài, chỉ cho chúng tôi xem con tàu gỗ mới coong đang được các thợ đóng tàu khẩn trương hoàn thiện.

Chia tay anh Thái để anh cùng đám thợ tiếp tục lắp ráp những miếng gỗ cuối cùng cho con tàu, chúng tôi mang theo một nỗi sợ hãi vô hình về chuyện những ngư dân ra biển. Không chỉ đối mặt với biển động, với những sự cố hỏng máy, với những va chạm trên biển…, những ngư dân, còn đối mặt với hiểm họa nổ bình gas bất kỳ lúc nào.

Những người đi biển như anh Thái cũng mong các ngành chức năng sớm có những nghiên cứu, tìm ra những loại bình gas, hay loại bếp đun nấu nào khác có đủ độ an toàn khi nấu ăn trên biển, để họ bớt đi một nỗi sợ trong rất nhiều nỗi sợ hãi luôn rình rập họ trong những chuyến đi biển dài ngày.

Bài 2: Khát vọng tái sinh sau vụ nổ bình gas thảm khốc trên biển ảnh 5

Anh Nguyễn Thanh Thái đang lắp ráp nốt những miếng gỗ cuối cùng trong niềm mong mỏi đươc ra khơi.