"Tam Nông" trên vùng đồi, núi

Bài 2 :Còn nhiều thách thức, khó khăn

Nông dân xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) sản xuất hoa trong nhà lưới.
Nông dân xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) sản xuất hoa trong nhà lưới.

Bài 1  "Tam nông" trên vùng đồi, núi

Những năm gần đây, sản xuất nông, lâm nghiệp trong vùng phát triển khá toàn diện, từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa.
 

Giai đoạn 2004 - 2009, mặc dù diện tích gieo trồng toàn vùng giảm dần (năm 2009, giảm hơn năm nghìn ha so với năm 2004), nhưng nhờ áp dụng giống mới, năng suất lúa hằng năm tăng 3,2%; sản lượng lương thực năm 2009 đạt 3,885 triệu tấn; bình quân đầu người đạt 394 kg.

Trong năm năm, diện tích cây chè tăng lên gần 100 nghìn ha, sản lượng hơn 400 nghìn tấn, tăng hơn 50 nghìn tấn. Một số cây công nghiệp như: cà-phê, cao-su bước đầu đã "bén rễ" và hình thành vùng sản xuất (cà-phê đạt 5.000 ha, các địa phương quy hoạch trồng 100 nghìn ha cao-su, hiện đã đạt hơn 25 nghìn ha). Số trâu, bò tăng bình quân 4 - 5%/năm. Năm 2009, tổng đàn trâu, bò toàn vùng đạt 2,085 triệu con, số gia cầm tăng bình quân 4%/năm. Trong vùng đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Tính đến năm 2007, toàn vùng có 411 làng nghề, chiếm 20,3% tổng số làng nghề trong cả nước; chủ yếu là thêu ren, dệt thổ cẩm, mây tre đan, góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Trong đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tổng vốn đầu tư cho thủy lợi toàn vùng đạt hơn 3.000 tỷ đồng, 25 dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng, hơn 4.500 km kênh mương được kiên cố hóa; hàng nghìn hồ, đập được đưa vào khai thác. Tỷ lệ người dân được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 72%.

Ðời sống vật chất của nhân dân trong vùng được cải thiện rõ rệt, số hộ nghèo giảm còn 24% (giảm bình quân 3-4%/năm). Toàn vùng có 170 nghìn lao động được giải quyết việc làm, 26% số lao động nông thôn được đào tạo; tỷ lệ lao động trong nông - lâm nghiệp so với số lao động xã hội giảm từ 84,5% năm 2004 xuống còn 81%). GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 9 triệu 319 nghìn đồng, tăng 18,91% so với năm 2008 và tăng ba lần so với năm 2004.

Nhìn chung, vùng trung du và miền núi phía bắc vẫn là vùng thuộc diện nghèo nhất trong cả nước. Kinh tế phát triển chậm, cơ sở hạ tầng vừa thiếu lại yếu; khoảng cách về thu nhập so với các vùng khác và chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị có xu hướng ngày càng doãng ra. Trình độ dân trí thấp, tình trạng di cư tự do vẫn còn. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm, ngoài mặt hàng chè, chưa có sản phẩm hàng hóa lớn và ổn định; phát triển nông - lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng do chất lượng rừng chưa cao, cơ sở chế biến lâm sản và cơ sở hạ tầng lâm nghiệp còn thiếu. Bài toán để người dân thật sự làm giàu từ rừng vẫn chưa có lời giải. Hoạt động khoa học - công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng, hoạt động khuyến nông, khuyến ngư còn nhiều hạn chế, bất cập. Công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới, còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là xuất phát điểm về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng rất thấp; địa hình phức tạp, chia cắt, nên cần phải có thời gian và vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch hoặc xây dựng quy hoạch mới theo từng lĩnh vực đòi hỏi thời gian, nhất là đề án thủy lợi gắn với thủy điện, cơ điện nông nghiệp hay ngành nghề nông thôn... Trình độ dân trí thấp, dẫn đến việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật phát triển nông, lâm nghiệp còn khó khăn, hạn chế; một số nơi còn nặng về tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, là những trở ngại lớn ảnh hưởng quá trình phát triển.

Nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được phát huy

Huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) có diện tích đất tự nhiên hơn 146 nghìn ha, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có hơn 10.600 ha, trong đó đất lúa 6.100 ha. Từ năm 2005 trở về trước, thu nhập của nông dân Chiêm Hóa chủ yếu từ chăn nuôi trâu và khai thác rừng, sản xuất lương thực bấp bênh. Năm 2006, thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2006-2010, UBND huyện triển khai hàng loạt dự án phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển một phần diện tích lúa bấp bênh sang trồng lạc, đậu tương, cam, mía nguyên liệu và đẩy mạnh sản xuất vụ đông, đến hết năm 2009 đã hình thành vùng lạc hàng hóa gần 3.000 ha/năm tại 16 xã, vùng đậu tương gần 1.500 ha tại tám xã, vùng mía gần 1.000 ha, vùng cam 300 ha tại hai xã. Ðặc biệt, diện tích cây vụ đông đã tăng gấp bốn lần so năm 2006, đạt hơn 4.200 ha, góp phần tăng hệ số sử dụng đất canh tác lên 2,66 lần. Ðây là hệ số sử dụng đất tương đối cao ở một huyện miền núi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hai thế mạnh tiềm năng trong phát triển kinh tế của Chiêm Hóa là trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc vẫn thuộc diện tiềm năng. Phân tích về những yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế, các đồng chí Hà Phúc Thành, chuyên viên; Hà Ðình Tiếp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đều cho rằng, nhiều dự án, khi xây dựng mô hình mẫu cho hiệu quả rất cao, nhưng huyện không đủ "lực" để nhân ra đại trà. Những dự án, mô hình cho hiệu quả cao, hầu hết vẫn do tỉnh, huyện trợ giá giống. Tháng 6-2009, triển khai Nghị quyết của T.Ư về tam nông, UBND huyện Chiêm Hóa xây dựng kế hoạch khá cụ thể, đề ra sáu nhóm giải pháp, phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp từ 40% hiện nay xuống còn 20-21%, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Trong nông nghiệp, tăng thu nhập từ chăn nuôi và trồng rừng. Tuy nhiên, để hai thế mạnh nói trên thành hiện thực không hề đơn giản khi dịch bệnh thường xuyên đe dọa ngành chăn nuôi, còn đối với trồng rừng, trước tiên cần hoàn thiện cơ chế chính sách giao đất, giao rừng, thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ, sản phẩm từ rừng.

Năm 2009, thực hiện nghị quyết về tam nông, mặc dù các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương ở Tuyên Quang đã tích cực tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân nhưng việc triển khai vẫn chậm do công tác chỉ đạo tổ chức ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao. Phần lớn các đề án, dự án đề ra phải chờ các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn như các đề án phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; phát triển nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo; nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Lạng Sơn có diện tích hơn tám nghìn km2, dân số hơn 700 nghìn người, trong đó 80% số dân sống ở nông thôn, thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hơn 18%. Từ năm 2004, Tỉnh ủy Lạng Sơn có nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, có nhiều cơ chế, chính sách trợ cước, trợ giá, khuyến nông, phát triển đàn bò, hỗ trợ nông dân mua máy cày tay, máy bơm nước,... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn, Vũ Trọng Bắc cho biết: Tỉnh có khoảng 80% số dân sinh sống xen kẽ với đất lâm nghiệp. Lạng Sơn luôn xác định kinh tế rừng là giải pháp quan trọng để nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, tỉnh sớm hoàn thành quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2010 đến 2015 và định hướng 2020, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia 24 dự án trồng rừng mới, trong đó 16 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng hơn 138 nghìn ha, sáu doanh nghiệp đã trồng 18 nghìn ha rừng sản xuất. Một số nơi trồng rừng có hiệu quả như vùng trồng bạch đàn ở huyện Hữu Lũng cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha/chu kỳ hay trồng thông ở huyện Lộc Bình, mỗi ha thu khoảng 30 triệu đồng từ bán nhựa và sau năm, bảy năm khai thác, bán gỗ được từ 80 đến 100 triệu đồng. Diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đã đạt 23 nghìn ha, trong đó 1.900 ha na dai tại huyện Chi Lăng, mỗi ha cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm. Ðồng chí Vũ Trọng Bắc nhận xét, mặc dù trên địa bàn vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng do địa hình hiểm trở, ruộng đất manh mún, rất khó cho việc nhân rộng những mô hình kinh tế trồng cây ăn quả. Ngoài ra, sâu bệnh, dịch thường xuyên đe dọa, trong khi ý thức của người dân chưa cao khiến dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn Nông Quốc Long cho biết, năm 2008, Hội triển khai mô hình thí điểm nuôi trồng thủy sản cho sáu hộ ở huyện Cao Lộc, mỗi hộ gần một ha, kinh phí đầu tư khoảng 60 triệu đồng, trong đó Hội trợ giúp 60% tiền giống, 40% tiền thức ăn. Sau một năm triển khai mô hình đã cho hiệu quả khá cao, mỗi hộ trừ chi phí, thu lãi khoảng 20-30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, những mô hình nêu trên không nhiều và khó triển khai ra sản xuất đại trà. Nguyên nhân cơ bản là thiếu vốn và tiếp thu chuyển giao kỹ thuật của nông dân còn hạn chế. Việc quy hoạch phát triển sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; thông tin thị trường đến được với bà con nông dân còn ít. Cơ sở hạ tầng ở nông thôn ít được đầu tư mới, nhiều nơi lại đang xuống cấp, hư hỏng nặng chưa có kinh phí sửa chữa.

Những thách thức lớn

Năm 2009, mặc dù thiên tai bất lợi, Lào Cai vẫn đạt sản lượng lương thực có hạt 206 nghìn tấn (vượt 3,6% kế hoạch, bình quân mỗi ha canh tác đạt 20 triệu đồng). Toàn tỉnh làm mới, nâng cấp hơn 400 công trình cấp nước tập trung, nâng tỷ lệ hộ nông thôn có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 62% (năm 2006) lên 74%. Hệ thống thủy lợi được ưu tiên đầu tư, đến hết năm 2009 đã đầu tư xây mới 200 công trình, diện tích chủ động nước tưới tăng thêm 7.630 ha. Ðến nay, 163/163 xã, phường trong tỉnh có điện lưới, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện năm 2009 đạt 75%, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2010. Diện mạo nông thôn Lào Cai đã có nhiều đổi thay, nhiều mô hình xã nông thôn mới như Quang Kim (Bát Xát); Phú Nhuận, Xuân Quang (Bảo Thắng); Nậm Chảy, Bản Lầu (Mường Khương), Nậm Cang (Sa Pa). Sau hơn một năm triển khai nghị quyết về tam nông, Tỉnh ủy Lào Cai nhận thức rõ những yếu tố khiến nghị quyết chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong muốn là: việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mùa vụ còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, điều kiện khí hậu, đầu tư của Nhà nước... Hệ số sử dụng đất nông nghiệp còn thấp, nhất là ở vùng cao sản xuất còn phân tán, một số vùng sản xuất hàng hóa đã hình thành nhưng quy mô còn nhỏ, sản phẩm còn ít, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Chăn nuôi vẫn mang tính truyền thống, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế. Sản xuất thủy sản chủ yếu còn quảng canh; hiệu quả kinh tế sản xuất lâm nghiệp còn thấp; chế biến nông, lâm sản và công nghiệp nông thôn: chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Chậm đổi mới công nghệ, vì vậy năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp, chưa đủ sức cạnh tranh. Ðầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn còn dàn trải, một số công trình hiệu quả thấp. Kinh tế tập thể nông nghiệp, nông thôn chưa phát huy được nội lực, hiệu quả các dịch vụ còn thấp. Một số hợp tác xã vẫn mang tính hình thức. Trình độ quản lý của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể yếu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa mạnh dạn đầu tư khoa học, công nghệ và vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Bắc Cạn là tỉnh miền núi cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng thấp kém, địa hình hiểm trở, diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 6% diện tích tự nhiên. Triển khai nghị quyết "tam nông", Tỉnh ủy Bắc Cạn thành lập các đoàn cán bộ đi khảo sát, nghiên cứu lại tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh để đánh giá điều kiện sản xuất, kiến thức khoa học, mức sống, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội... của các đối tượng và địa bàn khác nhau. Sau khi chương trình hành động của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn được ban hành, hàng loạt quy hoạch, quy chế, chính sách, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đầu tư cho nông dân được UBND tỉnh phê duyệt, áp dụng vào cuộc sống đã tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Sau hơn một năm thực hiện nghị quyết, năm 2009, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng 7,4%, là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, sản lượng lương thực đạt hơn 151 nghìn tấn, bình quân đạt gần 500 kg/người. Một số vùng chuyên canh như thuốc lá, gạo đặc sản, cây ăn quả, lâm sản có thị trường ổn định đã đem lại thu nhập khá cho nông dân. Ðặc biệt, trong lĩnh vực trồng rừng có những chuyển biến cơ bản, nhân dân đã biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất lâm nghiệp khi đã tự đầu tư trồng gần 1.000 ha, ngày càng xuất hiện nhiều hộ có thu nhập cao từ kinh tế rừng. Kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, tất cả các xã đều có trạm y tế, có đường ô-tô đến trung tâm, 80% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã, 80% số phòng học được xây dựng từ cấp bốn trở lên, công trình thủy lợi được đầu tư kiên cố mở rộng, có hơn 50% diện tích đất canh tác được tưới bởi các công trình thủy lợi; gần sáu nghìn lao động nông thôn được giải quyết việc làm; 75% số dân ở nông thôn có nước sạch. Hàng loạt những chuyển biến đó đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn 25%, giảm 4% so với năm 2008.

 (Còn nữa)

 Ngọc Dũng, Bảo Trung, Thế Bình và Hoàng Hùng