Chống hàng giả, hàng nhái – Cuộc chiến không hồi kết:

Bài 1: Thịt trâu thành thịt bò - sự phù phép siêu lợi nhuận?

NDO -

NDĐT - Hai năm qua, hơn 10.000 tấn thịt trâu đã được Công ty Tân Đại Dương nhập từ Ấn Độ về Việt Nam nhưng lại không thấy bày bán trên thị trường như những mặt hàng nhập khẩu khác. Nghi vấn về gian lận trong lô hàng nhập khẩu lớn này, cơ quan chức năng đã lần theo đường đi của các gói thịt trâu và phát hiện ra một điều thật khủng khiếp: thịt trâu đã bị hô biến thành thịt bò…Nhóm phóng viên Nhân Dân điện tử đã tìm hiểu những điều bất thường chung quanh cách thức kinh doanh thiếu minh bạch và để lại nhiều hệ lụy đối với người tiêu dùng.

Các lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ kinh doanh thịt trâu của đại lý Hòa Thúy ở Bắc Ninh.
Các lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ kinh doanh thịt trâu của đại lý Hòa Thúy ở Bắc Ninh.

Đường dây mờ ám

Đầu tháng 12, Đội quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế PA81 - Công an TP Hà Nội kiểm tra tại ba bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long và phát hiện có hiện tượng sử dụng thịt trâu trong việc chế biến các món ăn cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp.

Theo số liệu của hải quan, Công ty TNHH XNK dịch vụ và thương mại Tân Đại Dương (dưới đây là Công ty Tân Đại Dương) nhập khẩu thịt trâu với số lượng rất lớn với giá nhập trung bình 1.900 USD/tấn, tức khoảng hơn 40.000 đồng/kg. Nguồn hàng thịt trâu nhập về được Công ty Tân Đại Dương bảo quản tại kho đông lạnh An Việt ở KCN Quang Minh, Hà Nội.

Theo điều tra ban đầu, trong năm 2014, Công ty Tân Đại Dương bán cho năm doanh nghiệp: Công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh mua 380kg, Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Âu Việt 280kg, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tâm Trí 380kg, Công ty CP Rau an toàn Hà Nội 400kg với giá chỉ khoảng 49.000 đồng/kg.

Nghi vấn đặt ra khi trong hồ sơ mà Công ty Tân Đại Dương cung cấp cho cơ quan điều tra có hóa đơn GTGT số 00004488 ngày 10-3-2014 của công ty này bán hàng cho Công ty cổ phần TM và hợp tác đầu tư Hà Nội. Trên hóa đơn có ghi tên hàng hóa “Thịt trâu không xương đông lạnh 15.000kg, giá: 54.600đ/kg, thành tiền: 819.000.000 đồng”.

Tuy nhiên, thật bất ngờ, khi lực lượng chức năng làm việc với Công ty CP Thương mại và hợp tác đầu tư Hà Nội, Giám đốc Trần Văn Khuê cho biết công ty này chưa từng có quan hệ mua bán với Tân Đại Dương cũng chưa bao giờ kinh doanh thịt trâu đông lạnh!?

Vậy thì số lượng thịt trâu này đi đâu? Phải chăng đây là một hình thức hợp thức hóa để thịt trâu đông lạnh tuồn ra thị trường dưới dạng thịt bò?

Qua mở rộng điều tra cho thấy, từ nguồn Công ty Tân Đại Dương, lượng hàng này không chỉ cung ứng cho khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận mà còn được chuyển vào tận TP Hồ Chí Minh. Cơ quan chức năng tiếp tục lần theo từ đại lý cấp 1, số lượng thịt trâu nhập khẩu vào Việt Nam đi đâu, tiêu thụ như thế nào…

Mặc dù ban đầu, vụ việc được Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia) giao cho Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, xử lý, nhưng theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng đội quản lý thị trường số 14 cho biết, đường đi của thịt trâu đã vượt qua ranh giới của Hà Nội, và Đội quản lý thị trường số 14 cũng không đủ người để có thể đi kiểm tra đường dây này cho đến tận cùng.

Bài 1: Thịt trâu thành thịt bò - sự phù phép siêu lợi nhuận? ảnh 1

Kho hàng chứa thịt trâu đông lạnh của Hòa Thúy ở thị trấn Lim.

Ngày 16-12-2014, phóng viên đã cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia xuống Bắc Ninh tìm hiểu về đường đi “ngoắt ngoéo” của những lô hàng thịt trâu này.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, qua kiểm tra, đã phát hiện tại tỉnh Bắc Ninh có hai cơ sở mua lại thịt trâu của công ty Tân Đại Dương để kinh doanh. Cụ thể, đại lý Hòa Thúy tại thị trấn Lim, Bắc Ninh, có mua thịt trâu của các công ty Tân Đại Dương, An Việt, Anh Kiệt Ký về bán lại cho các cửa hàng ăn, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho một số khu công nghiệp tại địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ đại lý Hòa Thúy, thừa nhận đã nhập khẩu thịt trâu của Tân Đại Dương khoảng một năm nay và bán cho các hộ kinh doanh và nhà cung cấp cho một số bếp ăn công nghiệp. Khi cơ quản lý thị trường đề nghị xuất trình đầy đủ giấy tờ, hợp đồng mua bán, đã phát hiện doanh nghiệp Hòa Thúy thiếu giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Bài 1: Thịt trâu thành thịt bò - sự phù phép siêu lợi nhuận? ảnh 2

Hóa đơn xuất hàng của Tân Đại Dương cho đại lý Hòa Thúy có số lượng 780kg thịt trâu với giá 53.900 đồng/kg.

Và lợi nhuận khủng

Còn nhớ, năm 2011, người tiêu dùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã bị lừa ăn thịt bò thường với giá cao (5 triệu đồng/kg) khi các đại lý quảng bá rằng họ đang bán thịt bò Kobe. Sự việc chỉ vỡ lở khi Cục Thú y bất ngờ nhận được thư của Cục Thú y Nhật Bản thông báo cho xuất lại thịt bò sang Việt Nam sau khi đã hết dịch lở mồm long móng. Vậy mà trong thời gian dừng xuất này, thịt bò Kobe vẫn bán ở thị trường Việt Nam.

Lần này, không ai có thể đếm được bao nhiêu người đã bị lừa ăn thịt trâu vào bụng mà vẫn nghĩ mình đang ăn thịt bò, khi loại thịt này được sử dụng trong các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, tiệc cưới, cửa hàng vỉa hè, quán phở, hàng cơm bình dân...

Và vụ việc kéo dài suốt hai năm chỉ bị phát hiện khi các cơ quan chức năng nghi ngờ và vào cuộc. Giá thịt trâu chỉ 40.000 đồng/kg nhưng được bán với giá thịt bò khoảng 200.000 đồng/kg, mang lại khoản siêu lợi nhuận cho những đối tượng làm ăn gian dối.

Nếu tính cả số lượng hơn 10.000 tấn thịt trâu, lợi nhuận do cuộc hoán đổi giữa thịt trâu sang thịt bò mang lại cho các đối tượng kinh doanh một số tiền khổng lồ với cả nghìn tỷ đồng.

Bài 1: Thịt trâu thành thịt bò - sự phù phép siêu lợi nhuận? ảnh 3

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng đội quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Tuy nhiên, về vi phạm của Công ty Tân Đại Dương, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Nghĩa cho biết, trong cuộc họp mới đây, các bên đã thống nhất mức phạt với Công ty Tân Đại Dương là 100 triệu đồng vì hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả. Mức phạt này có vẻ không tương xứng với hành vi gian dối kéo dài hơn hai năm với một khối lượng thịt trâu khổng lồ đã bị “hô biến” thành thịt bò ở Việt Nam. Nhưng không đủ căn cứ để khẳng định Tân Đại Dương đã bán tất cả số lượng thịt trâu này theo giá thịt bò. Và số tiền phạt là căn cứ trên mức truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp của công ty này. Còn những sai phạm ở các khâu khác do những đại lý nhỏ mua thịt trâu của Tân Đại Dương về biến thành thịt bò là rất khó phát hiện để xử lý nên hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Theo điều tra của Công ty Vissan, tại TP Hồ Chí Minh, lượng giết mổ trâu bò của các lò tư nhân ở các tỉnh lân cận đưa về khoảng 300-400 con trâu, bò/ngày. Trong đó trâu chiếm tới 70-80%, còn lại là bò. Thế nhưng, khi người tiêu dùng ra các quầy thịt, thì chỉ toàn là thịt bò chứ không ai rao bán thịt trâu cả. Bởi vậy, để người tiêu dùng có thói quen ăn thịt trâu và biết cách phân biệt thịt trâu với thịt bò, Vissan đã công khai bày bán thịt trâu bên cạnh thịt bò và có giá rẻ hơn thịt bò.

Với việc nhập khẩu thịt trâu, người tiêu dùng Hà Nội và các tỉnh cũng đang bị lừa theo kiểu này. Hàng vạn tấn thịt trâu nhập từ Ấn Độ và một số nước khác với số lượng lớn mà bao bì ghi rất rõ là thịt trâu nhưng đến người tiêu dùng lại biến thành thịt bò.

Trước việc trong các khu công nghiệp hằng ngày công nhân đang phải ăn thịt trâu đông lạnh, còn trên thị trường, thịt trâu nhập khẩu được biến thành thịt bò bán với giá cao, nhiều người tiêu dùng đã lên tiếng cho rằng họ đang bị lừa đảo bằng gian lận thương mại, bằng hàng giả mà bản thân họ nếu bằng mắt thường khó có thể nhận biết được. Họ yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm vụ việc này.

Đứng về phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cũng cho rằng, đây là hình thức gian lận thương mại, mặt khác cũng là bán hàng giả, “treo đầu dê bán thịt chó”.

Để tránh được việc gian lận này, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hóa đơn cần phải được ghi chép một cách minh bạch, không để tình trạng mạo danh đơn vị mua hoặc bán thì mới kiểm soát được. Trong khi đó, chúng ta lại không có quy định cụ thể về vấn đề này và việc ghi hóa đơn không được quản lý.

“Trong trường hợp này, rõ ràng cần xác minh ai là người mua lô hàng để từ đó xác minh đường dây nằm ở đâu. Người nhập khẩu hàng hóa đơn vẫn ghi là thịt trâu, xuất bán cho đại lý cấp 1, cấp 2 vẫn là thịt trâu, nhưng đến tay người tiêu dùng lại là thịt bò. Nếu ghi chép minh bạch, chính xác sẽ giúp cho cơ quan quản lý minh bạch ra khâu nào là khâu chịu trách nhiệm về việc thịt trâu biến thành thịt bò”, ông Hùng đề xuất.

Khi được hỏi về việc phân biệt giữa thịt trâu và thịt bò, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng rất khó phân biệt, ngay cả khi thịt tươi khó nhận ra được, chỉ khác nhau một chút thôi. Nếu đưa vào kiểm nghiệm, hai loại thịt chỉ chênh lệch nhau về độ đạm, thịt bò nhiều đạm hơn thịt trâu. Và muốn biết miếng thịt đó là thịt trâu hay thịt bò, cần phải giám định ADN, rất tốn kém!

Bởi vậy, để đối phó với hành vi gian lận khá phổ biến này, dù không muốn, hay muốn mà không thể làm được, người tiêu dùng lại vẫn phải … thông thái! “Theo chúng tôi tìm hiểu kinh nghiệm của các chuyên gia, người nội trợ, phân biệt thịt trâu, thịt bò không quá khó. Thịt bò đỏ tươi hơn, thịt trâu mầu sậm hơn, thịt trâu có thớ thịt thô hơn, thịt bò có mùi tanh hơn, còn nấu chín rồi mùi gây cũng nhiều hơn…”, vị Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra lời khuyên.

* Clip: Kiểm tra kho hàng thịt trâu tại thị trấn Lim, Bắc Ninh

(Còn tiếp)