Chuyện ở cặp bản ghép đôi đầu tiên
Đen-sa-vẳn thuộc huyện Sê Pôn, tỉnh Sa-va-na-khẹt (Lào) và bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) là hai bản đối diện. Hằng ngày, bà con hai bên biên giới thường qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa. Đây là địa bàn rất phức tạp, có nhiều đối tượng vượt biên trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán vận chuyển chất ma túy, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Trước thực trạng đó, được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo huyện Hướng Hóa và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo lựa chọn cặp bản nói trên để xây dựng mô hình kết nghĩa đầu tiên, nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới. Trên đường đưa chúng tôi xuống bản Ka Tăng, nằm dưới chân núi A Chưm, Thiếu tá Ma Phương Trình, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kể: "Ở vùng biên cương, một lời nói của già làng, có thể cởi "nút" nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc nảy sinh trên tuyến biên giới hai quốc gia. Các già làng, trưởng bản, là linh hồn của chương trình kết nghĩa bản - bản. Không có họ, chúng tôi sẽ thiếu một nhịp cầu "kéo" người dân hai bờ sông Sê Pôn, tụ họp thân thiện với nhau". Thấu hiểu tầm quan trọng đó, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên tuyến biên giới làm tốt công tác vận động, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín cùng tham gia tích cực chương trình kết nghĩa bản - bản.
Tới thăm gia đình ông Hồ Thanh Bình, được mệnh danh "lưỡng quốc già làng", chủ nhân trang trại có diện tích bốn ha. Ông Bình năm nay hơn tám mươi tuổi, tóc bạc, da mồi thế mà vẫn tinh anh đến lạ. Tiếng khèn bè ông thổi ru đứa cháu ngủ nghe như lá rừng xào xạc, như tiếng suối chảy róc rách... Nhiều năm nay, ngôi nhà của ông trở thành nơi tụ họp chung của hai bản Ka Tăng và Đen-sa-vẳn. Nhớ lại những ngày đầu tiến hành công việc kết nghĩa. Giọng ông Bình trầm lắng: "Bà con trong bản ưng cái bụng ngay. BĐBP đã giúp bà con hai nước xích lại bên nhau, trở thành một nhà. Khăng khít, gắn bó hơn, không ưng sao được". Chính ông đã cùng trưởng bản, bí thư chi bộ, các bậc cao niên bản Ka Tăng, đóng vai những nhà "thương thuyết" với bản Đen-sa-vẳn. Sau hai buổi "đàm đạo", ngày 28-4-2005, lễ kết nghĩa bản Ka Tăng và bản Đen-sa-vẳn được tiến hành, dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cấp ủy, chính quyền thị trấn Lao Bảo, Đồn Công an Đen-sa-vẳn, chính quyền huyện Hướng Hóa và huyện Sê Pôn. Hôm đó, nhân dân hai bản thật tưng bừng, phấn khởi. Họ đốt lửa trại, uống rượu cần, múa lăm vông, buộc chỉ cổ tay, vui suốt hai ngày liền. Năm ấy, mặc dù hộ nghèo ở Ka Tăng vẫn còn chiếm tới 78%, nhưng với tinh thần "nhường cơm, sẻ áo", "lá lành đùm lá rách", những người đứng đầu bản Ka Tăng đến từng nhà vận động bà con đóng góp vật chất giúp bản Đen-sa-vẳn. Chưa đầy một tháng, bà con bản Ka Tăng chở sáu xe ô-tô chuối giống, 12 xe hom sắn giống, ủng hộ bà con Đen-sa-vẳn. Bản Ka Tăng còn cử người sang từng nhà dân bản Đen-sa-vẳn hướng dẫn cách trồng, chăm sóc. Không chỉ vậy, khi thu hoạch chuối, sắn, bản Ka Tăng còn giúp bản Đen-sa-vẳn thu mua, tiêu thụ hàng hóa. Tạm biệt "lưỡng quốc già làng", ông Hồ Thanh Bình, nắm chặt tay chúng tôi bằng đôi tay chai sần của mình. Khóe mắt rưng rưng, ông nói: "Ước nguyện duy nhất cuối đời tôi là làm sao cho mối "lương duyên" giữa hai bản mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".
Ông Si-thuôn Say Yasane, Bí thư cụm bản Đen-sa-vẳn được BĐBP Lao Bảo trìu mến gọi là "Bố". Bố Si-thuôn Say Yasane mở tủ lấy chai rượu quý mời mỗi con một chén. Nói tiếng Việt khá thành thạo, bố Si-thuôn Say Yasane, nhớ lại: Trước đây, dân bản nghèo lắm, người thì đói nhưng ruộng đất lại bỏ hoang. Nhờ BĐBP Việt Nam giúp đỡ, bản Ka Tăng giúp cây giống, bà con trong bản đã biết khai hoang, biết thay cái giống cây trồng. Đến nay, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu như ông Túp Ka-xi-xon-đép, ở tổ 12, có thu nhập 20 triệu kíp Lào, tương đương gần 60 triệu đồng Việt Nam/năm, từ làm vườn. Ông Chăn Thi, ở tổ 8, trồng 10 ha chuối và bời lời, bốn ha sắn và lúa, thu nhập hơn 100 triệu đồng... Sắp tới, một nhà máy chế biến sắn sẽ hoàn thành, bà con Đen-sa-vẳn tiếp tục phát triển diện tích trồng sắn, cơ hội làm giàu sẽ nhanh hơn. Đất nhiều, người làm không xuể, chúng tôi cho bà con bản Ka Tăng mượn đất phát triển sản xuất, cùng nhau xóa đói, giảm nghèo... Qua câu chuyện cởi mở giữa bố Si-thuôn và BĐBP, chúng tôi nhận ra một điều, sáng kiến kết nghĩa bản - bản của BĐBP Việt Nam như chiếc chìa khóa giải quyết mọi vấn đề trong quá khứ cũng như mới nảy sinh. Đã có cam kết rồi, mâu thuẫn dù nhỏ, hay lớn, chỉ cần các già làng ngồi lại với nhau, uống chưa xong chén rượu, mỗi bên đã dịu giọng. Chủ nhường khách, khách lại nhường chủ, cuối cùng, chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành ra không có gì. Hai bên thống nhất tôn trọng các khu rừng thiêng, không thả trâu, bò, tự ý lấn đất trồng hoa màu hay đi ngang về tắt qua rừng.
Bố Si-thuôn hồ hởi khoe: "Trước đây trâu, bò, lợn dê bên bản Ka Tăng hay "vượt rào" sang đất Đen-sa-vẳn. Bà con bên này thường bắt "chuộc", từ 500 nghìn đồng đến hai triệu đồng/con. Giờ thì không còn chuyện đó nữa. Từ năm ngoái đến nay, bên Đen-sa-vẳn trả lại cho Ka Tăng hàng chục con trâu, bò, dê". Từ tình cảm gắn bó giữa hai bản đã khơi dậy lòng hảo tâm, hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Ngày 27 Tết Nguyên đán Quý Tỵ vừa qua, gia đình chị Nọi Thơm, chủ doanh nghiệp Heloo (Lào) sang tận bản Ka Tăng tặng quà và tiền cho 121 hộ dân bản Ka Tăng và bản Khe Đá (mỗi suất quà gồm năm kg gạo nếp và 300 nghìn đồng). Doanh nghiệp Đào Hùng (Việt Nam), thông qua Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tặng năm máy cắt cỏ, trị giá 25 triệu đồng cho dân bản Đen-sa-vẳn. Thiếu tá Trần Xuân Lạn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cho biết: "Từ ngày kết nghĩa, hầu như ngày nào nhân dân hai bản cũng cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự biên giới cho Đồn. Đến nay, có gần bốn nghìn tin do nhân dân hai bên cung cấp. Nhiều bà con bản Đen-sa-vẳn sang tận Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo báo tin, với mong muốn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên cương.
Sáng tạo trong công tác dân vận
Hơn ai hết, những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm miệt mài với nhiều hoạt động hiệu quả trong công tác giúp nhân dân biên giới xóa đói, giảm nghèo. Họ hiểu rõ: Bảo vệ biên giới, không chỉ đơn thuần là bảo vệ đường biên, cột mốc. Quan trọng hơn, đó là bảo vệ tình nghĩa keo sơn giữa nhân dân hai nước. Xuất phát từ quan điểm đó, chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới ra đời. Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh BĐBP, người từng nhiều năm lăn lộn nơi miền biên giới xa xôi, quả quyết với chúng tôi rằng: "Kết nghĩa bản - bản thật sự là một mô hình sáng tạo trong công tác dân vận, một tư duy mới về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đánh giá cao". Trung tướng Việt bảo: "Các bạn cứ đi, cứ đến và sẽ chứng thực lời nói của tôi là đúng".
Sau cặp bản Ka Tăng và Đen-sa-vẳn, nhiều đồn biên phòng khác trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị như: Cù Bai, Sen Bụt, Thuận, Tam Thanh, Pa Tầng, Pa Nang, La Lay, A Vao, lần lượt xúc tiến chương trình kết nghĩa. Thấm thoắt hơn bảy năm trôi qua, bộ mặt vùng biên giới hai nước dần khoác lên mình tấm áo mới, ấm áp tình giao hảo, hữu nghị. Chỉ cho chúng tôi những cánh rừng xanh ngút tầm mắt, Thượng tá Ngô Xuân Thường, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị, nói: "Những năm 90 của thế kỷ trước, vùng đất Lìa gồm bảy xã biên giới của tỉnh Quảng Trị là đất phỉ. Dân cư hai bên biên giới phần lớn đói, nghèo, đời sống rất khó khăn, vất vả. Cánh rừng hai bên dòng Sê Pôn được người dân nơi đây gọi tên là Lìa, không ngoài ý nghĩa lìa bỏ, lìa xa. Thậm chí, con đường dài hơn bốn chục cây số dọc bờ sông cũng mang tên là đường Lìa. Thêm vào đó, là những huyền thoại thêu dệt về những khu rừng ma (rừng mộ nơi người dân Việt - Lào chôn người chết) luôn là nỗi ám ảnh của những người dân". Đến năm 1977, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt - Lào được ký kết, khi ấy, người dân hai nước mới hiểu khái niệm đường biên, mốc giới. Cũng sau Hiệp định biên giới, nhiều đoạn đường biên giới của hai nước được phân định lại. Song những khu rừng ma vẫn nằm rải rác hai bên bờ dòng Sê Pôn cùng nhiều miếu thờ, mặc nhiên là tài sản tinh thần chung, làm phát sinh thêm những mâu thuẫn khó giải quyết, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự...
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của BĐBP Việt Nam, chỉ sau năm năm, 23 cặp bản trên tuyến biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Quảng Trị đã tiến hành ký kết nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực. Nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, xâm canh, xâm cư, lấy chồng, lấy vợ không được sự nhất trí của chính quyền mỗi bên đã giảm hẳn. Việc đi lại, thăm thân, trao đổi mua bán hàng hóa giữa nhân dân hai nước cũng thuận lợi hơn. Kể từ khi triển khai phong trào kết nghĩa, bà con nhân dân trên tuyến biên giới đoàn kết hơn, cùng tôn trọng pháp luật, quy chế hiệp định biên giới. Những giao ước kết nghĩa trở thành thước đo đánh giá, giải quyết các vấn đề phát sinh trên cơ sở luật pháp hai nước.
Ấm, lạnh có nhau
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Nguyễn Ngọc Sắc là người có nhiều đóng góp trong việc triển khai chương trình kết nghĩa. Hơn ai hết, ông hiểu sự đóng góp không nhỏ của BĐBP ở một huyện biên giới như Hướng Hóa. Ông cho biết: "BĐBP đã thay huyện giải quyết nhiều vấn đề phát sinh ở vùng biên. Có BĐBP, lãnh đạo huyện khá yên tâm. Các anh là chỗ dựa vững chắc, góp phần quan trọng cùng địa phương, nhân dân vùng biên bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc". Ông Sắc nhớ lại: "Vụ tranh chấp rừng ma giữa bản Đen Vi Lay, huyện Noong, tỉnh Sa-va-na-khẹt (Lào) và bản Thanh, bản A Ho (Hướng Hóa, Quảng Trị) kéo dài gần sáu năm. Xã bó tay, huyện không thể giải quyết dứt điểm, đưa lên cả tỉnh cũng không xong. Cuối cùng, phải vận động già làng, trưởng họ phối hợp BĐBP, tăng cường vận động, tuyên truyền, mọi mâu thuẫn mới được tháo gỡ.
Trong quá trình kết nghĩa, tùy vào khả năng, điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương, các thôn, bản với sự giúp đỡ của BĐBP đã có nhiều sáng tạo trong cách giúp nhau. Hỗ trợ các loại cây giống, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện thông thoáng trong lưu thông hàng hóa trên thị trường; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Đến nay, các bản giáp biên của tỉnh Quảng Trị đã giúp bản bạn Lào hơn 50 nghìn hom sắn, hàng nghìn cây keo tai tượng, tràm hoa vàng, 125 kg giống ngô lai, 1.500 cây ăn quả, hơn 500 con gia súc, gia cầm giống. Khi có thiên tai xảy ra, các thôn, bản kết nghĩa sẵn sàng giúp đỡ nhau cũng như khi mùa màng thất bát, kỳ giáp hạt, hai bên san sẻ cho nhau, bên này có ăn không để bên kia đói. Một số nơi khi nhận được gạo trợ cấp còn huy động mỗi gia đình dành lại hai, ba cân để giúp dân bản kết nghĩa. Năm 2009, huyện Sa Muội (Lào) bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Kệt-xa-na, chính quyền, BĐBP, nhân dân hai huyện Hướng Hóa, Đa Krông (Quảng Trị) kịp thời giúp đỡ nhiều tấn gạo, quần áo, chăn màn, khám và điều trị bệnh cho nhân dân Sa Muội, trị giá hàng trăm triệu đồng. Cũng năm ấy, bản Xi Ổi, huyện Mường Noong, tỉnh Xa-va-na-khẹt gặp hỏa hoạn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh đã vận động bà con xã Xi, huyện Hướng Hóa huy động hàng trăm nhân công làm nhà, tấm lợp, giúp các gia đình trong bản dựng lại nhà. Một năm sau, hai bản tiến hành kết nghĩa. Từ các cặp bản kết nghĩa, đã có những cặp gia đình kết nghĩa. Trong các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền, chính quyền địa phương, các cặp bản đều tổ chức thăm hỏi, chúc mừng, chung vui, chia sẻ cùng nhau. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới.
Khi có những mâu thuẫn nảy sinh liên quan đến phong tục tập quán, nội bộ nhân dân hai bên biên giới cùng nhau tự giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng tinh thần hiệp định, quy chế biên giới, không để kẻ xấu lợi dụng kích động, phá hoại, chia rẽ sự đoàn kết giữa hai nước anh em. Đại tá Nguyễn Trọng Tiềng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Trong bảy năm, nhân dân hai bên phối hợp các lực lượng chuyên trách tổ chức hơn năm trăm đợt, với hơn ba nghìn lượt người tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Cung cấp cho BĐBP gần sáu trăm nguồn tin có giá trị về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; lực lượng BĐBP phối hợp các lực lượng bắt hàng trăm vụ, đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Nhiều cặp bản từ khi kết nghĩa đã không xảy ra bất kỳ vụ việc vi phạm nào.
Đại tá Nguyễn Trọng Tiềng khẳng định, thành công này là do Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, phát huy sức mạnh nội lực, chỉ đạo sát sao các đồn biên phòng phối hợp tốt với chính quyền địa phương để tiến hành các lễ ký kết. Thường xuyên giao ban với các đơn vị, đồn biên phòng kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình xúc tiến chương trình. Thành công trong kết nghĩa bản-bản đã giảm bớt gánh nặng cho BĐBP khi lực lượng chưa đủ để "rải" trên những tuyến đường biên giới dài và rộng. Qua kết nghĩa bản - bản, tỉnh Quảng Trị hằng năm đã sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ xây dựng một số dự án: trường học, trạm y tế, cung cấp cây con giống, tiến hành một số dự án điều tra nông nghiệp vùng biên giới giúp hai tỉnh Sa-va-na-khẹt và Sa-la-van khảo sát các dự án trồng rừng, khu công nghiệp như: cà-phê, cao-su, hồ tiêu. Bộ mặt một dải biên cương nhờ thế mà "thay da đổi thịt" nhanh chóng.
Như dòng Sê Pôn nghìn năm vẫn chảy, tình cảm gắn bó giữa quân và dân 24 cặp bản kết nghĩa trên tuyến biên giới Việt - Lào tại tỉnh Quảng Trị cần được nhân rộng, mở ra sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn, việc làm sáng tạo trong công tác dân vận thời kỳ mới, có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào việc xây đắp tình đoàn kết hữu nghị, đặc biệt, lâu đời giữa hai quốc gia, là một minh chứng sinh động về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
(Còn nữa)