Biến động chính trị ở Bắc Phi -Trung Đông và ảnh hưởng tới châu Á

Bài 1: Bất ổn “hiệu ứng domino”

NDO - NDĐT- Tình hình an ninh chính trị trên thế giới vốn luôn diễn biến phức tạp, trong vài tháng trở lại đây càng trở nên phức tạp bởi sự bùng nổ và ngày càng leo thang bất ổn chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông. Hàng loạt cuộc nổi dậy, diễu hành, biểu tình đã bùng nổ tại nhiều quốc gia như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Libya và một số nước khác. Do vị trí chiến lược quan trọng của Bắc Phi và Trung Đông, sự biến động chính trị cùng những hệ lụy của nó, đang là tâm điểm quan tâm của cộng đồng quốc tế. Bài viết này phân tích nguyên nhân và một số tác động của nó tới đời sống chính trị quốc tế, trong đó có châu Á và khu vực Đông Nam Á.

Trước những biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông hiện nay, trong giới phân tích quốc tế nhiều người cho rằng, có thể tìm ra những căn nguyên bề nổi, những nguyên nhân mang tính chủ quan, nhưng không dễ thấy được một cách đầy đủ căn nguyên sâu xa, nguyên nhân mang tính khách quan cũng như nguyên nhân bên ngoài, mà rất có thể, là nguyên nhân quan trọng, chủ yếu. Có nhiều yếu tố dẫn đến các cuộc biểu tình, phản đối của những lực lượng xã hội ở các nước Bắc Phi và Trung Đông đã được nêu ra như: các báo buộc tham nhũng của quan chức chính phủ, sự vi phạm dân chủ, nhân quyền, tình trạng phân hóa xã hội, thất nghiệp và nghèo đói…

Thế nhưng, trên thực tế, nguyên nhân sâu xa của những sự kiện chính trị tại khu vực này còn nằm ở những khía cạnh khác, liên quan nhiều đến kinh tế, đến địa chiến lược và địa chính trị khu vực. Nói cách khác, biến động chính trị phức tạp ở Bắc Phi và Trung Đông hiện nay là tổng hợp của hàng loạt nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cả bên trong lẫn bên ngoài.

Những vấn đề nội tại không thể giải quyết

Tình trạng khó khăn và bất ổn kinh tế - xã hội, nạn tham nhũng, tham quyền cùng với việc chính phủ thực thi chính sách không hợp lòng dân là nguyên nhân chủ yếu gây bất bình, phẫn nộ trong quần chúng nhân dân, dẫn đến các cuộc nổi dậy, biểu bình, vũ trang phản đối chính quyền.

Tại Tunisia, các cuộc biểu tình bùng phát từ những bức xúc bị kìm nén lâu dài về tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, giá lương thực cao, tham nhũng, thiếu tự do ngôn luận, tự do chính trị và điều kiện sống nghèo nàn của một bộ phận không nhỏ dân cư. Những cuộc biểu tình lớn đã tạo nên làn sóng gây bất ổn mạnh mẽ về chính trị, xã hội tại Tunisia, một quốc gia vốn được coi là “phồn thịnh nhất” ở châu Phi trong vòng ba thập kỷ qua.

Đối với Ai Cập, làn sóng biểu tình rầm rộ và lan rộng xuất phát từ những vấn đề pháp lý và chính trị, bao gồm sự bạo hành của cảnh sát, luật tình trạng khẩn cấp của nhà nước, thiếu tự do bầu cử, tự do ngôn luận và tình trạng tham nhũng không kiểm soát được. Trong các cuộc biểu tình, nổi dậy tại Ai Cập, những tiếng nói như: “Chế độ Mubarak phải sụp đổ vì tham nhũng và bất công xã hội”, “Các mâu thuẫn tích tụ đến mức đủ chín muồi thì bùng nổ”, “Chúng tôi muốn chính thể dân sự, chứ không phải chính thể giáo phái hay quân sự”... đã phần nào thể hiện rõ nguyên nhân bên trong rất quan trọng dẫn đến những rối loạn và bất ổn chính trị không chỉ riêng của riêng nước này, mà còn là vấn đề chung của không ít nước trong khu vực.

Tại Yemen, các cuộc biểu tình, bạo động chống chính phủ, phản đối tình trạnh kinh tế khó khăn tiếp tục nổ ra và những ngày qua ngày càng có xu hướng gay gắt hơn. Cuộc xung đột giữa cảnh sát với những người biểu tình tại thủ đô Sana và các địa phương đã làm nhiều người chết và bị thương. Các vấn đề kinh tế, như tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát, giá cả lương thực và nhiên liệu leo thang, mức lương tối thiểu quá thấp càng làm gia tăng làn sóng biểu tình.

Không giống như các cuộc biểu tình tương đối ôn hòa tại Ai Cập, tình hình ở Yemen tiếp tục có thể dẫn đến đổ máu vì rất nhiều người biểu tình có vũ trang. Yemen là một trong những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới, ở mức 40% và lạm phát ở mức 5,4%. Với tổng dân số 28 triệu người, Yemen là quốc gia nghèo và chậm phát triển nhất của bán đảo Arập. Mặc dù cách đây không lâu, ở nước cộng hòa này, Tổng thống Ali Abdullah Saleh được bầu lên trong cuộc tuyển cử được coi là khá trong sạnh (năm 2006), tuy nhiên hàng loạt vấn đề kinh tế-xã hội gay gắt của đất nước vẫn không được giải quyết.

Tại một số nước khác thuộc Trung Đông và Bắc Phi, các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn nổ ra và lan rộng. Gần đây nhất là cuộc biểu tình ngày 08-3-2011 của hơn một nghìn người ở Kuwait đòi cải cách chính trị và thay đổi cách thức lãnh đạo đất nước.

Tình hình trên đã đưa khu vực này nhanh chóng trở thành một chảo lửa của những bất ổn chính trị. Thực trạng đời sống khó khăn của người dân, những vấn nạn cùng sự yếu kém kéo dài trong cơ chế chính trị và quản lý đất nước… là những vấn đề rất cơ bản không thể né tránh khi phân tích, tìm ra nguyên nhân của biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông hiện nay.

Có điều đáng chú ý là, một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, không ít những khó khăn kinh tế và xã hội tại nhiều nước khu vực là hệ quả của việc thực hiện mô hình kinh tế-xã hội theo chủ nghĩa tự do mới. Mặt khác, do các vấn đề lịch sử và văn hóa đặc thù của khu vực, trước hết liên quan đến cơ cấu phân chia quyền lực, cơ cấu tộc người, tôn giáo…, nên các nước Bắc Phi và Trung Đông thường luôn phải đối mặt trước thách thức về chính trị, đây cũng từng nguyên nhân đẩy một số quốc gia trong khu vực lâm vào tình trạng xung đột, nội chiến.

Toàn bộ điều đó thực sự là những nhân tố bên trong chứa đựng nguy cơ tiềm tàng cho sự bùng nổ bất ổn chính trị, là môi trường - “mảnh đất màu mỡ” cho những toan tính can thiệp bằng nhiều cách từ bên ngoài vào khu vực, khi xuất hiện các nguyên cớ.

Bởi vậy, sự kiện ngày 17-1-2011, khi Mohamed Bouazzi, công dân Tunisia 26 tuổi, do bị cảnh sát tịch thu gánh hàng rong, vì quá phẫn uất, đã tự thiêu và ngay lập tức được tung lên các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, YouTube…) chỉ là nguyên cớ trực tiếp khai mào cho chuỗi các sự kiện bùng nổ tiếp theo.

“Cách mạng sắc màu” hay “công nghệ ong vỡ tổ”

Dẫn đến những cuộc biểu tình, bạo loạn, bất ổn định ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông là đặc biệt quan trọng. Người ta đã có những bằng chứng để nói đến, đằng sau cái gọi là cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Tunisia, “cách mạng nhung” ở Ai Cập là bàn tay can thiệp của các thế lực bên ngoài, trước hết là Mỹ, kết hợp với các lực lượng chống đối ở trong mỗi nước và trong khu vực.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như các cuộc “cách mạng sắc màu” nêu trên diễn ra một cách tự nhiên, xuất phát từ những nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế - xã hội, nạn thất nghiệp gia tăng; sự bất bình đẳng trong xã hội... Tuy nhiên, khi phân tích kỹ và xâu chuỗi các sự kiện đã diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông thì có thể nhận thấy lược đồ chung của các sự kiện đó. Chúng thường được bắt đầu từ sự kích động của những lực lượng bên ngoài, bao gồm các cơ quan tình báo, các viện nghiên cứu chiến lược, các tổ chức phi chính phủ của Mỹ và nhiều nước phương Tây nhằm tạo ra chiêu thức kiểu “công nghệ ong vỡ tổ” .

Tiếp theo, các cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn của dân chúng nổ ra với những yêu sách chính trị và kinh tế-xã hội, ở một số nơi kết hợp với bạo động để gây áp lực đối với chính quyền sở tại từ bên trong. Đồng thời, những áp lực từ bên ngoài cũng ngày càng gia tăng với những tuyên bố của các nhân vật trong chính quyền Mỹ và phương Tây ủng hộ lực lượng chống đối, hối thúc chuyển giao quyền lực và đưa ra những khả năng can thiệp quân sự... Việc quân đội Mỹ tiếp cận bằng tàu chiến các nước có sự biến ở Bắc Phi và Trung Đông và Bắc Phi không chỉ nhằm ứng cứu “những nạn nhân”, mà còn để sẵn sàng can thiệp và đối phó những tình huống bất trắc xảy ra.

Những hành động hiện nay của Mỹ và nước ngoài đối với Bắc Phi và Trung Đông đang hậu thuẫn cho các lực lượng chống đối, biểu tình ở đây. Không có sự hậu thuẫn, tiếp tay cần thiết của các thế lực bên ngoài, thì tình hình trong khu vực chưa hẳn đã căng thẳng nghiêm trọng như nó đã và đang diễn ra. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ, Ph. Crauli, đã thừa nhận Washinhton có tiếp xúc với một số nhân vật thuộc lực lượng tìm cách lật đổ tổng thống Libia Gaddafi .

Sự can dự của Mỹ vào tình hình Bắc Phi và Trung Đông, với những hậu thuẫn cho các lực lượng chống đối tại các nước khu vực, là nằm trong những toan tính chiến lược của Mỹ.

Nhiều năm qua, trên bàn cờ địa chính trị khu vực, vị trí của Mỹ đang bị thách thức lớn bởi sự gia tăng ảnh hưởng của các đối thủ nước lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Đây là điều mà Mỹ hết sức quan ngại, vì trước tiên nó đe dọa trực tiếp Mỹ trong việc tiếp cận nguồn dầu mỏ khổng lồ, sau đó là khả năng kiểm soát khu vực, gây bất lợi đối với tham vọng toàn cầu và cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ trước các đối thủ nước lớn mới nổi và tái nổi.

Đó cũng chính là lý do vì sao Mỹ “lạnh lùng” bỏ rơi những đồng minh thân cận cũ nhưng đã hết thời, không còn tác dụng trong khu vực như Mubarak ở Ai Cập. Biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông được coi là cơ hội vàng để Mỹ có thể dựng lên các chính quyền sở tại vừa thân Mỹ vừa thực sự hữu dụng cho mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Cần nhớ rằng, cùng với sự can dự ngày càng sâu của Nga trong lĩnh vực dầu mỏ - khí đốt (gas) ở Bắc Phi và Trung Đông, thì Trung Quốc cũng đang gia tăng mạnh ảnh hưởng về nhiều mặt tại khu vực, khiến cán cân so sánh lực lượng Trung-Mỹ trên thế giới thay đổi. Tháng 11-2006, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi, điều mà cả Mỹ hiện nay và Liên Xô trước đây chưa từng làm được.

Đến năm 2010, Trung Quốc đã tổ chức được năm lần hội nghị tương tự với các nước châu Phi. Tại các diễn đàn này, Trung Quốc đã cam kết viện trợ, cho vay ưu đãi và đầu tư hơn 10 tỷ USD, bỏ vốn lập Quý hỗ trợ phát triển châu Phi trị giá khoảng 5 tỷ USD, đồng thời cam kết xóa một phần nợ cho các nước nghèo nhất và nhận đào tạo 150 nghìn sinh viên châu Phi tại các trường đại học của Trung Quốc. Năm 2009, Tân Hoa Xã đã khai trương một kênh truyền hình đối ngoại mới giống kiểu CNN phát bằng tiếng Anh 24/24 giờ phủ sóng toàn thế giới, đồng thời mở thêm hai kênh truyền hình bằng tiếng Nga và tiếng Arập. Cùng với sự mở rộng thương mại và đầu tư, thì các hoạt động giao lưu, thâm nhập văn hóa của Trung Quốc vào châu Phi và Trung Đông cũng ngày càng được đẩy mạnh.