Hơn 10 năm trước, khi phong trào trồng rừng tại Bắc Kạn chưa phát triển mạnh thì việc chăn nuôi đại gia súc ở địa phương này khá dễ dàng theo cách chăn thả. Tổng đàn nhờ vậy tăng mạnh, tuy nhiên, giá trị kinh tế thấp do tiêu thụ bấp bênh. Từ năm 2016 đến nay, Bắc Kạn chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện hai cách chăn nuôi, gồm: nuôi nhốt vỗ béo và nuôi bán chăn thả. Từ đây, các địa phương đã hình thành phương thức chăn nuôi mới, ổn định, cho thu nhập cao.
Huyện Na Rì trước đây vốn không phải là địa phương trọng điểm về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chủ trương phát triển nuôi nhốt vỗ béo và bán chăn thả thì chăn nuôi đã trở thành một trọng điểm phát triển kinh tế của huyện. Gia đình chị Triệu Thị Liều ở thôn Nà Kèn, xã Sơn Thành, từng nuôi trâu, bò nhưng chỉ theo cách thả rông. Ba năm gần đây, gia đình bắt đầu trồng cỏ voi và nuôi nhốt vỗ béo. Cứ sau năm tháng, xuất bán một lứa trâu, thu về trung bình hơn 100 triệu đồng. Thôn Nà Kèn có 25 hộ dân thì đến nay đã có 10 hộ thực hiện mô hình nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò. Nhà ít nuôi ba đến bốn con, nhà nhiều nuôi hơn 10 con. Người dân trồng được hơn 30 ha cỏ voi; trung bình một con trâu được nuôi nhốt, mỗi tháng có thể cho thu nhập một triệu đồng. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Na Rì Hoàng Thị Thu Nguyệt cho biết, ba năm qua, việc nuôi vỗ béo cho trâu, bò đã được nhân rộng ra tất cả các xã. Chỉ tiêu xuất bán đại gia súc của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, với tổng đàn đại gia súc đạt bình quân 8.000 con/năm và có khoảng 134 ha cỏ voi làm thức ăn, phục vụ việc nuôi nhốt.
Việc phát triển chăn nuôi cũng được các địa phương phân vùng cụ thể, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” kể cả khi không có điều kiện phù hợp. Đầu năm 2021, huyện Ba Bể ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường. Huyện quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi trâu, bò tập trung tại các địa phương có lợi thế, gồm: Thượng Giáo, Phúc Lộc, Cao Thượng, Bành Trạch, Quảng Khê; đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất ruộng, đất vườn kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn xanh cho phương thức nuôi nhốt vỗ béo, chăn nuôi thương phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tại xã Thượng Giáo, thực hiện quy hoạch chăn nuôi, UBND xã tập trung rà soát những thôn, hộ gia đình có điều kiện về chăn nuôi để chỉ đạo thực hiện, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hình thức nhốt vỗ béo và trồng cỏ. Tại thôn Nà Tạ, Nà Ché, nhiều hộ gia đình đã đầu tư chuồng trại nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình chị Nông Thị Niệm, thôn Nà Tạ thực hiện mô hình nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò từ năm 2020 đến nay, đã có sáu con trâu và hơn 2.000 m2 đất vườn trồng cỏ voi làm thức ăn. Cuối năm 2020, gia đình chị bán năm con thu về 150 triệu đồng. Có những lúc cao điểm, một số hộ ở hai thôn nuôi nhốt tới 50 con trâu, bò. Trâu, bò sau khi vỗ béo được vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Lạng Sơn...
Cùng với đổi mới phương thức chăn nuôi, Bắc Kạn duy trì, củng cố các chợ trâu, bò đầu mối, trong đó, chợ Nghiên Loan (Pác Nặm) là một trong những chợ lớn nhất phía bắc. Chợ họp vào mùng 3 và 8 âm lịch hằng tháng, mỗi phiên giao dịch hàng nghìn con trâu, bò với giá trị hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, còn có chợ Bộc Bố (Pác Nặm) đặt ở trung tâm huyện lỵ, mỗi phiên giao dịch 150 đến 200 con. Chợ Công Bằng đặt ở xã cuối huyện Pác Nặm, mỗi phiên giao dịch 150 đến 300 con. Thương lái đến từ các tỉnh miền xuôi, Cao Bằng, Tuyên Quang… mỗi phiên thường mua từ 15 đến 17 con, đủ một xe ô-tô vận chuyển về bán cho các lò mổ chuyên nghiệp. Mỗi phiên giao dịch, các chợ bán được ít nhất là hai phần ba tổng số gia súc đưa đến. Nhờ các chợ trâu, bò này, người dân Bắc Kạn đã có đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Chuyển biến trong phát triển chăn nuôi đại gia súc theo cách làm mới ở Bắc Kạn là rõ nét khi với phương thức nuôi nhốt vỗ béo, sau ba tháng, mỗi hộ có doanh thu từ 3 đến 5 triệu đồng/con trâu, bò. Nhờ cách làm mới, tổng đàn đại gia súc của Bắc Kạn giữ ổn định ở 60.000 con, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng tổng lượng xuất bán, sản lượng thịt hơi không giảm mà lợi nhuận còn tăng cao. Đồng thời tạo thuận lợi cho việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cách phát triển ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, thời gian tới, tỉnh xác định hình thức nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò theo hướng mở rộng quy mô trang trại, hợp tác xã sẽ là chủ chốt. Đi đôi với đó, tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm từ trâu, bò và mở rộng quy mô chợ bò Nghiên Loan để tạo kênh tiêu thụ bền vững cho nhân dân.
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 phát triển ít nhất được 25 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và nhỏ, trong đó, xây dựng từ một đến hai trang trại chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi khép kín (từ trồng cỏ, nuôi trâu, bò, nuôi giun quế… đến sản phẩm thịt trâu, bò và sản phẩm phụ). Tổng đàn trâu, bò nuôi tại các trang trại chiếm khoảng 10% tổng đàn. Tổng đàn trâu duy trì ổn định 45.000 con, số con xuất chuồng bình quân 15.000 con/năm, tương đương với sản lượng thịt trâu hơi khoảng 3.600 tấn/năm. Tổng đàn bò duy trì ổn định 20.000 con, số con xuất chuồng bình quân 7.000 con/năm, tương đương với sản lượng thịt bò hơi khoảng 1.500 tấn/năm.