Chuyên gia ung thư Singapore:

Ba sai lầm trong nhận thức về bệnh ung thư

Bác sĩ Khoo Kei Siong, Phó Giám đốc Trung tâm Ung thư Parkway
Bác sĩ Khoo Kei Siong, Phó Giám đốc Trung tâm Ung thư Parkway

PV: Ông có thể cho biết những nhận thức về ung thư hiện nay?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: nhiều người cho rằng bệnh ung thư không thể chữa được, nhưng đấy là nhận thức sai lầm thứ nhất. Sai lầm thứ hai, là nhiều người thường cho rằng, nếu bị ung thư tốt nhất là đừng đụng vào nó, đừng sinh thiết nó, đừng phẫu thuật bởi như thế sẽ gây cho khối u lan tỏa nhiều và nhanh hơn. Sai lầm thứ ba là kiêng ăn tất cả các chất bổ dưỡng, vì các chất bổ dưỡng nuôi dưỡng chính các khối u đó phát triển. Trong khi đó, sự thật là các bệnh nhân ung thư rất cần phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng để chiến đấu với căn bệnh này và chịu đựng được thuốc.

PV: Vậy chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư thế nào là hợp lý?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: Bệnh nhân sau xạ trị, phẫu thuật cần có sức khỏe, vì vậy phải ăn uống đầy đủ các chất như protein, chất xơ… để có thể kéo dài điều trị, không cần phải ăn kiêng bất cứ gì. Chúng tôi cũng thường khuyên bệnh nhân ung thư ăn nhiều rau, hoa quả. Người bệnh thường có vị giác thay đổi nên thích ăn một số thứ riêng để phù hợp với vị giác của họ. Nhưng nên kiêng ăn quá nhiều mỡ, nhiều cay, mặn để không ảnh hưởng tới vị giác của người bệnh.

P.V: Trên thị trường, hiện nay có những loại thuốc bổ hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư sau khi xạ trị như sụn cá mập, linh chi… Vậy, theo đánh giá của bác sĩ, hiệu quả thực tế của chúng như thế nào?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: Hiện tại, không có bằng chứng cụ thể chứng minh rằng các loại thuốc này giúp cho bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Cũng không có bằng chứng nào chứng minh rằng các thuốc này giúp giảm các tác dụng phụ của thuốc và giúp khối u nhỏ hơn.

Một điều khó khăn là nhiều sản phẩm chưa được người ta thực sự nỗ lực đánh giá xem liệu nó tốt hay không tốt đối với bệnh nhân. Sụn cá mập từng được kiểm tra hay thử nghiệm ở Mỹ đã chứng tỏ không có chất nào giúp điều trị tốt hơn cho bệnh nhân ung thư.

P.V: Hiện nay, năm loại bệnh phổ biến hàng đầu là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại-trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư gan. Ngày càng có nhiều người trẻ bị ung thư trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy, bác sĩ có nhận xét về điều này như thế nào?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: Thực tế, ở Singapore, tôi không thấy xu hướng có nhiều người trẻ bị ung thư. Tuy nhiên, tôi lại thấy trong số những bệnh ung thư ở Singapore, số phụ nữ bị ung thư vú lại nhiều hơn. Nguyên nhân của ung thư vú được nghi ngờ nhiều nhất liên quan đến lối sống của con người, trong đó có yếu tố là phụ nữ ngày nay lấy chồng muộn, có con muộn, hút thuốc lá, uống rượu…. Phần lớn bệnh nhân ung thư từ tuổi 45 đến 55.

P.V: Thế còn một số bệnh nhân không hút thuốc, không lấy chồng muộn nhưng vẫn bị ung thư vú?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: Thật khó giải thích cụ thể. Có bệnh nhân không hút thuốc cũng bị ung thư phổi. Việc bị ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ bên trong là gen, từ các yếu tố bên ngoài như hút thuốc, uống rượu…

P.V: Nhiều bệnh nhân ung thư vú sau khi phẫu thuật được khuyên cắt buồng trứng, cách đó có phù hợp hay không?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: Trường hợp bệnh nhân ung thư vú sắp mãn kinh, làm cho họ dừng kinh nguyệt cũng là biện pháp điều trị hiệu quả và kéo dài hơn. Khối u này hiệu quả nhạy cảm với hormon. Có ba cách dừng kinh nguyệt cho phụ nữ bị ung thư vú. Cách nhanh nhất là làm phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Cách thứ hai là xạ trị vào buồng trứng. Cách thứ ba là tiêm dưới da, vùng da bụng hằng tháng, trong vòng ba tháng. Cả ba biện pháp này đều có hiệu quả nhưng hai biện pháp đầu có tác dụng hòan toàn.

Còn nhiều hướng điều trị khác, chứ không phải tất cả đều dừng hành kinh. Chẳng hạn, nhiều người có lợi từ hóa chất. Tất cả các bệnh nhân ung thư phải đánh giá khối u, tình trạng, rồi mới đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất.

P.V: Đối với ung thư vú có liên quan đến hormon, có bao nhiêu tỷ lệ phụ nữ bị ung thư vú do hormon, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: 50% bệnh nhân ung thư vú có liên quan đến hormon trong cơ thể. Họ có thể được xác định khối u, xem liệu khối u đó có liên quan đến hormon hay không. Nếu đúng ung thư mà do hormon là phải thay đổi hormon hoặc dùng hormon để điều trị ung thư. Đối với trường hợp này, sau khi phẫu thuật xong, điều trị ung thư sẽ có khả năng chữa trị kéo dài lâu hơn. Đối với phụ nữ đã mãn kinh, tỷ lệ ung thư vú liên quan đến hormon cao hơn, còn chưa mãn kinh tỷ lệ thấp hơn một chút. Nhiều ung thư khác liên quan đến hormon như ung thư buồng trứng, ung thư dạ con, ung thư tuyến tuyến tiền liệt ở đàn ông.

P.V: Điều trị bằng hormon đối với bệnh nhân ung thư vú có được áp dụng rộng rãi trên thế giới?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: Đối với bệnh nhân nhạy cảm với hormon, biện pháp điều trị hiệu quả là bằng hormon. Biện pháp này áp dụng rộng rãi trên thế giới, hầu hết trường hợp điều trị bằng viên, một vài trường hợp bằng tiêm…

“Trước đây, uống hormon thay thế được sử dụng nhiều cho phụ nữ mãn kinh làm cho cơ thể trẻ lâu. Có những nghiên cứu chứng minh rằng, nếu phụ nữ uống thuốc thay thế dài hơn năm năm, khả năng bị ung thư vú tăng lên đáng kể.

Đối với phụ nữ mà hậu quả của mãn kinh nặng nề khiến họ thay đổi tâm lý, thể trạng, khiến họ không làm việc bình thường được nên uống hormon thay thế nhưng chỉ uống trong một thời gian ngắn. Nếu khá hơn phải ngừng, hoặc giảm liều lượng. Nếu không có hậu quả nặng nề vào giai đoạn mãn kinh thì không nên uống thuốc thay thế hormon”  - Bác sĩ Khoo Kei Siong)

P.V: Thiết bị công nghệ cao TomoTherapy là phương pháp mang lại hiệu quả cho quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư ở Trung tâm  ung thư Parkway ở Singapore. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về thiết bị này và những tiến bộ của nó?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: TomoTherapy là máy xạ trị. Trước đây, máy xạ trị bình thường không chỉ xạ trị khối u và những vùng chung quanh cũng bị xạ trị theo. Biện pháp cũ xạ trị đối với những khối u có những vị trí như ở xoang, tuyến tiền liệt thường tạo những biến chứng cho vùng chung quanh và gây ra những tác dụng phụ. Một số bệnh nhân được áp dụng biện pháp cũ còn có tác hại tới dây thần kinh, não...

Công nghệ mới TomoTherapy này cho xạ trị theo hình dạng bất kỳ của khối u. Khi bắt đầu quá trình điều trị, khối u quá nhỏ được điều chỉnh tia xạ để giảm tác dụng phụ đối với bệnh nhân. Với ưu điểm là chính xác, rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế tác dụng phụ, thiết bị này rất phù hợp điều trị nhiều loại bệnh ung thư khác nhau, như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đầu và cổ, ung thư tủy sống, ung thư tuyến tiền liệt… và cả ung thư trẻ em.  

P.V: Bác sĩ có thể cho biết về việc phòng tránh bệnh ung thư và kinh nghiệm để giúp mọi người sớm phát hiện bệnh, nhất là cho trẻ em?

Bác sĩ Khoo Kei Siong: Có hai yếu tố là phòng tránh và phát hiện sớm. Để giảm thiểu các yếu tố gây ung thư, thói quen hút thuốc lá, uống rượu, ăn nhiều mỡ (gây bệnh béo phì)… phải được bỏ trong cuộc sống. Luyện tập thể thao thường xuyên cũng có tác dụng tốt, nhất là giúp giảm thiểu nguyên nhân gây ung thư như ung thư vú và một số loại ung thư khác. Về một số loại ung thư có nguyên nhân do virus, có thể dùng một số vacxin phòng tránh ung thư như vacxin siêu gan B gây ung thư gan, HPV dẫn đến ung thư tử cung...

Tuy nhiên việc phát hiện sớm cũng rất quan trọng. Ung thư vú phát hiện bằng cách chụp nhũ ảnh; ung thư tử cung dùng xét nghiệm mẫu tế bào âm đạo; ung thư đại tràng bằng cách kiểm tra phân, nội soi đại tràng… Tùy thuộc vào ung thư , ung thư vú nên kiểm tra một năm một lần, nhất là những phụ nữ từ 40 tuổi trở lên bằng chụp nhũ ảnh vú. Kiểm tra ung thư tử cung nên kiểm tra một năm một lần bằng mẫu tế bào.

Trẻ em cũng cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên, như người lớn.  Khi kiểm tra có hạch, giảm cân đột ngột, da nhạt do thiếu máu, cần phải đi khám và xét nghiệm ngay.

P.V Cảm ơn sự chia sẻ của Bác sĩ

Bác sĩ Khoo Kei Siong, Phó Giám dốc Trung tâm Ung thư Parkway, bác sĩ và chuyên gia tư vấn ung thư. Ông hiện là Thư ký danh dự của Hội đồng trường Đại học Y Singapore. Ông cũng là thành viên của hiệp hội Tư vấn Y khoa và Hiệp hội Nghiên cứu lâm sàng thuộc Bộ Y tế.

Bác sĩ Khoo là thành viên của Hiệp hội ung bướu lâm sàng Hoa Kỳ, Hiệp hội Ung thư châu Âu và là thành viên của trường Đại học Y Hoàng gia tại Endingburgh. Ông cũng là giám đốc của Hiệp hội Ung thư Singapore từ năm 1998 đến 2000.

Trước khi chuyển tới nơi công tác hiện tại, bác sĩ Khoo từng là chuyên gia tư vấn và chủ nhiệm Ủy ban Ung thư tại Trung tâm Ung thư quốc gia (NCC). Ông cũng là người sáng lập và đứng đầu ban Khoa học Dịch tễ học và Y học thử nghiệm lâm sàng.