Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong hai tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 91 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 36 người (giảm chín người so với cùng kỳ), làm bị thương 94 người (giảm 17 người so với cùng kỳ). Riêng trong bảy ngày nghỉ Tết Mậu Tuất, xảy ra mười vụ TNGT, làm chết mười người, bị thương mười người. Địa bàn xảy ra tai nạn giao thông nhiều là TP Vũng Tàu và các huyện: Tân Thành, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ...
Tuy số vụ TNGT, số người chết và bị thương đều giảm so với cùng kỳ nhưng con số thống kê cho thấy vẫn ở mức cao và tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Tình trạng một bộ phận người tham gia giao thông chưa ý thức trong việc chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, còn đối phó, chưa tự giác, vi phạm về trật tự-an toàn giao thông (TT-ATGT) vẫn còn phổ biến, nhất là các hành vi như: chạy quá tốc độ, người uống rượu, bia điều khiển phương tiện, lưu thông sai phần đường, chở quá tải - quá khổ, quá số lượng người quy định… Trên các tuyến đường nội ô, liên huyện hay quốc lộ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là ở những khu vực tập trung đông dân cư, trường học, hay các khu công nghiệp, tình trạng vi phạm TT-ATGT diễn ra phổ biến. Tình trạng tự gây TNGT có chiều hướng gia tăng ở nhóm thanh thiếu niên.
Theo Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh, năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 800 vụ TNGT, làm chết hơn 250 người và 850 người bị thương. So với năm 2016, số vụ TNGT giảm hơn 50 vụ, giảm hơn 100 người chết và bị thương. Tuy nhiên, có tới 60 vụ do người điều khiển phương tiện tự gây TNGT (trung bình mỗi tháng có năm vụ) với 64 người chết. Nguyên nhân của các vụ tự gây TNGT hầu hết do người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông sử dụng chất kích thích thần kinh (rượu, bia, ma túy…), không chú ý quan sát, lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ quy định… nên đâm vào dải phân cách, cột điện, vỉa hè... Thiếu tá Nguyễn Xuân Tân, Đội phó CSGT - Công an TP Vũng Tàu cho biết, năm 2017, trong 57 vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP Vũng Tàu làm 57 người chết và 21 người bị thương, thì có đến 18 vụ TNGT tự gây với 18 người chết và nhiều người bị thương...
Báo cáo sơ kết 5 năm của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TT-ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” đã nêu rõ các nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh xảy ra trong thời gian qua. Theo đó, ngoài nguyên nhân khách quan, những nguyên nhân chủ quan cũng được chỉ rõ với giải pháp cần thực hiện. Đó là tình trạng gia tăng số phương tiện và mật độ phương tiện tham gia giao thông, tạo áp lực rất lớn cho công tác bảo đảm an toàn giao thông. Nhất là trên tuyến quốc lộ 51 đã xuất hiện sự quá tải và ùn tắc cục bộ vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc cho biết: Mặc dù TNGT năm 2017 và hai tháng đầu năm 2018 đã giảm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) nhưng chưa thật sự bền vững. Vì vậy, để phấn đấu năm 2018 giảm từ 5 đến 10% số vụ TNGT so với năm 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp. Theo đó, các huyện, thành phố có số vụ TNGT tăng trong năm 2017 phải tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, huy động tối đa lực lượng tham gia bảo đảm TT-ATGT.
Lực lượng CSGT cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là tại những tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn, tập trung xử lý hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, như: uống rượu bia khi tham gia giao thông, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, không chấp hành tín hiệu giao thông, đi sai làn đường, phần đường, chuyển hướng không quan sát, không đội mũ bảo hiểm… Phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TT-ATGT cho mọi đối tượng, nhất là các em học sinh, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp... Chủ động rà soát lại các nút giao thông, các điểm giao cắt giữa đường chính với đường phụ, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu; phối hợp các địa phương kiểm tra xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường gây mất TT-ATGT. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải.