“Bà ngoại” của hàng nghìn trẻ bại não nhận giải thưởng Kova

NDO -

NDĐT - Từ 15 năm qua, căn nhà của bà Ngọc Điểu lúc nào cũng có hàng chục trẻ em đến để điều trị bị bệnh bại não. Có những người ở các tỉnh khác rất xa cũng đến mong tìm tia hy vọng cho đứa con tật nguyền của mình. Niềm vui của những gia đình có trẻ được phát triển nhận thức đã mang niềm vui đến cho cả căn nhà chung này.

Căn nhà của bà Ngọc Điểu ở phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long luôn đón tiếp những hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị bệnh bại não để điều trị miễn phí.
Căn nhà của bà Ngọc Điểu ở phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long luôn đón tiếp những hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị bệnh bại não để điều trị miễn phí.

Chị Phạm Huỳnh Như (28 tuổi, ngụ xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, khi mới sinh cháu Nguyễn Hoàng Minh được tám tháng tuổi thì bé bắt đầu bị bệnh bại não, không nhận thức được gì, do nhà nghèo nên khi hay tin được bà Ngọc Điểu ở Vĩnh Long điều trị miễn phí nên tìm đến điều trị. Nhờ tấm lòng yêu thương trẻ và tâm huyết với nghề của bà nên cháu đã nhanh chóng phục hồi. Hiện nay cháu đã nhận thức nhiều trong sinh hoạt hằng ngày.

Còn chị Phạm Thị Thu Phương (35 tuổi, ngụ thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), phải đến tận Vĩnh Long ở nhờ nhà người chị gần bốn năm qua để trị bệnh cho đứa con tám tuổi. Theo chị Phương, lúc hai tuổi, cháu Lê Hoàng Thân bị sốt xuất huyết, trong lúc điều trị bị sốc thuốc liệt người, khả năng sống chỉ còn 2%. Gia đình không còn hy vọng gì nữa. May nhờ người chị ở Vĩnh Long chỉ đến cơ sở của bà Ngọc Điểu nên bé đã may mắn được cứu sống và phát triển rất tốt. Những gia đình chúng tôi đến đây điều trị đều xem bà Điểu như là một ân nhân và là ngoại của các cháu.

Cơ sở “Phục hồi chức năng bại não Ngọc Điểu” được thành lập năm 2004. Tận dụng một phần phía trước trong căn nhà nhỏ của bà để mở cơ sở, không có người hỗ trợ, không có kinh phí hoạt động, bà vừa là bác sĩ thăm, khám bệnh, vừa là thầy thuốc hỗ trợ các bài tập vật lý trị liệu, xoa nắn bấm huyệt, trị liệu cho trẻ bại não. Thời gian đầu do cơ sở còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nên chỉ hỗ trợ được 5-10 người/ngày. Nhưng về sau, hoạt động ngày càng có hiệu quả, tiếng lành đồn xa, nhiều mạnh thường quân tìm đến đóng góp, hỗ trợ trang bị dụng cụ tập luyện, tặng quà, tặng sữa miễn phí cho các em. Chính vì vậy, cơ sở dần dần đi vào hoạt động ổn định, đến nay tiếp nhận hỗ trợ miễn phí trung bình khoảng 45 bệnh nhân mỗi ngày (trừ thứ bảy và chủ nhật).

Thấy được hiệu quả hoạt động của cơ sở nên người thân, bạn bè ủng hộ. Rồi cứ thế, ngày qua ngày “Cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu” đã gắn bó với bà gần 15 năm qua. Cơ sở hoạt động mỗi buổi sáng từ 6 giờ 30 phút – 13 giờ hằng ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Tính đến nay, cơ sở đã hỗ trợ khám và trị liệu cho 6.418 người, trong đó 5.470 trẻ bại não, nhiễm chất độc da cam/dioxin và 948 người lớn. Qua công tác hỗ trợ, điều trị đã có 1.528 trẻ em và người lớn phục hồi chức năng, đi lại thuận tiện, trí não phát triển, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… Ngoài ra, từ năm 2004 bà đã vận động, hỗ trợ cho 15.753 trẻ bại não, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em nghèo học giỏi bằng nhiều hình thức, với tổng số tiền hơn 11,7 tỷ đồng.

Bà Ngọc Điểu tâm sự: “Thấy được những đứa trẻ hồi phục trí não, tứ chi vận động, tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc, niềm vui tràn ngập, như cho tôi thêm động lực sống vui, sống khỏe. Có thể nói, trong thời gian tham gia cách mạng từ thời chiến đến thời bình và đến nay, điều mà tôi tâm đắc nhất và hạnh phúc nhất là mình đã cống hiến cho xã hội bằng cả trái tim nhân ái, bằng lòng tâm huyết, nhiệt tình của người bác sĩ, người thầy thuốc ưu tú, góp một phần công sức nhỏ của mình chia sẻ và giúp đỡ cho nhiều cảnh đời bất hạnh, giúp các trẻ em khuyết tật, bại não phục hồi chức năng, đi đứng khỏe mạnh, hòa nhập cộng đồng”.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, là con út trong gia đình, năm 1958, khi đó mới 16 tuổi, bà Ngọc Điểu đã thoát ly gia đình, tham gia cách mạng, vừa học cô đỡ, vừa làm công tác giao liên. Năm 1960, bà được Tỉnh ủy Vĩnh Long rút hoạt động tại Ban phụ vận tỉnh, phụ trách nhà bảo sinh, mở lớp đào tạo cô đỡ phụ sinh cho tỉnh. Đến năm 1962, được cơ cấu tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Trong lúc đi dự Đại hội phụ nữ tỉnh trở về, trên đường về bị địch bắt giam cầm và nhiều lần tra tấn dã man, trong quá trình bị giam cầm, bà đã vận động một tên lính bảo an đưa bà thoát khỏi lao tù của địch, trở về với cách mạng.

Sau giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước, bà được phân công làm Chủ nhiệm nhà trẻ đầu tiên của tỉnh, rồi Phó Giám đốc Trung tâm Y tế - Giám đốc Bệnh viện thị xã Vĩnh Long, Trưởng phòng Y tế thị xã. Cho đến năm 1996 về giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long đến khi về hưu. Gần 60 năm gắn bó với ngành y, bà đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú vào năm 2002.

Đến năm 2004, với hơn nửa đời người tham gia hoạt động cách mạng trong thời chiến cũng như thời bình, tưởng rằng vai trò, trọng trách của bản thân phục vụ cho chính trị, xã hội cũng đến lúc tạm gác lại về hưu để an hưởng tuổi già. Thế nhưng, với cái tâm của người thầy thuốc, bà hồi tưởng lại những năm tháng tham gia cách mạng, chiến tranh để lại hậu quả nặng nề cho bao cảnh đời bất hạnh mà đến nay nhiều gia đình vẫn còn gánh chịu; từng là nữ hộ sinh hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước và trong cả thời bình, bà đã nâng đỡ cho nhiều bà mẹ sinh con, chứng kiến giây phút tình mẫu tử, thiêng liêng, niềm vui và hạnh phúc như vỡ òa trên gương mặt của những người mẹ khi sinh ra những đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng bên cạnh, bà cũng không khỏi xót xa, khi chứng kiến trên gương mặt những người mẹ đượm buồn sinh ra những đứa trẻ không may, lúc chào đời đã bị dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Những đứa trẻ ấy, đang là gánh nặng, nỗi lo của gia đình và xã hội, những mảnh đời ấy đang rất cần sự chăm lo của các cấp, các ngành, của Đảng và Nhà nước.

“Bà ngoại” của hàng nghìn trẻ bại não nhận giải thưởng Kova ảnh 1

Bà Ngọc Điểu đang điều trị cho bé bị bệnh bại não.

Với cái tâm “Lương y như từ mẫu”, bà không khỏi trăn trở trong những ngày đầu nghỉ hưu, hình ảnh những trẻ thể liệt tứ chi, thể co cứng hoặc liệt một tay, một chân, tổn thương vận động, ngôn ngữ và trí tuệ chậm phát triển… đang là gánh nặng của nhiều gia đình cứ luôn âm ỉ trong suy nghĩ của bà. Trong xã hội chắc chắn rằng còn rất nhiều gia đình có trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tay chân chậm phát triển nhưng do có hoàn cảnh khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh, phải lo kinh tế gia đình, kiếm từng miếng cơm, manh áo nên nhiều gia đình phải bỏ con em mình ở xó nhà, góc bếp, không có tiền đưa đến Trung tâm phục hồi chức năng để điều trị.

Suy nghĩ đến đây, bà nhận thấy vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc vẫn còn đè nặng trên đôi vai mình nên bà đã không dừng lại ở cái tuổi về hưu, quyết định mở cơ sở “Phục hồi chức năng cho trẻ bại não” với mục đích tổ chức khám, tư vấn, chăm sóc và tập vật lý trị liệu miễn phí cho trẻ khuyết tật bị bại não, giúp các em phục hồi sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bà Ngọc Điểu chia sẻ: “Gần 15 năm trôi qua, tôi chỉ có ước muốn mong cho mình khỏe mạnh để tiếp tục dùng sức lao động của mình, trích một phần tiền lương hưu ít ỏi hằng tháng để giúp cho trẻ em khuyết tật, trẻ bại não vươn lên hòa nhập cộng đồng và tiếp tục tìm kiếm nguồn lực để cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chăm lo những gia đình nghèo khó, những đứa trẻ mồ côi, lang thang không nơi nương tựa, những hoàn cảnh không may bị tật bẩm sinh… giúp họ vượt qua phần nào khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Từ đó, giúp được nhiều em tiến bộ, các trẻ biết nói, biết cười, tứ chi cử động, đi lại và sinh hoạt được, hòa nhập với cộng đồng, giảm đi một phần gánh gặng cho gia đình… Tôi rất hạnh phúc, vô cùng phấn khởi khi được chọn nhận giải thưởng danh giá Kova năm nay, như một phần quà vô giá, động viên tôi ở cái tuổi xế chiều và ghi dấu lại những chuỗi ngày ấm áp của mình đem chút phần công sức đóng góp cho xã hội”.

Với tấm lòng thiện nguyện, bà Út Điểu được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội người khuyết tật Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… Ngoài ra, bản thân còn được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội người cao tuổi, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan đến hoạt động nhân đạo từ thiện và chăm sóc người bị chất độc da cam/dioxin.

Giải thưởng Kova ra đời từ năm 2002 từ ý tưởng của PGS, TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch tập đoàn sơn Kova. Hiện nay giải thưởng này do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Kova. Giải thưởng nhằm mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng thông qua việc khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng, lan tỏa những hành động nhân văn và ươm mầm, hỗ trợ cho các em sinh viên trên cả nước.

Ngày 16-11 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, 150 cá nhân, tập thể có những nỗ lực trong học tập, làm việc, nghiên cứu sáng tạo và luôn hết mình vì cộng đồng đã được trao Giải thưởng Kova lần thứ 17.

Ở hạng mục Sống đẹp năm nay Ban Tổ chức đã trao cho năm cá nhân có những hành động đẹp và truyền cảm hứng trong xã hội. Trong đó, hành động nhân văn của bà Nguyễn Ngọc Điểu (SN 1942, ngụ tỉnh Vĩnh Long), chủ cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu, với sáng kiến thành lập cơ sở phục hồi chức năng và hỗ trợ điều trị miễn phí cho trẻ bại não có hoàn cảnh khó khăn gần 15 năm qua.