Ba Kim – Biểu tượng của lương tri trong văn học Trung Quốc đương đại

Người dân Tứ Xuyên đến viếng thăm quê cũ của nhà văn Ba Kim.
Người dân Tứ Xuyên đến viếng thăm quê cũ của nhà văn Ba Kim.

Ba Kim - “Bậc thầy trên văn đàn”

Ba Kim, tên thật là Lý Nghiêu Đường, tự là Phất Cam, sinh ngày 25 tháng 11 năm 1904 tại Thành Đô, Tứ Xuyên.

Năm 1922, Ba Kim bắt đầu sáng tác thơ ca chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng cách mạng dân chủ của phong trào Ngũ Tứ. Năm 1927 ông du học ở Paris, Pháp, tham gia tích cực các hoạt động xã hội đồng thời giúp đỡ một số lãnh tụ công nhân quốc tế.

Trong thời gian này ông viết tiểu thuyết đầu tay “Diệt vong”, ca ngợi những người trẻ tuổi xả thân vì lý tưởng cách mạng.

Năm 1929, sau khi về nước, các tiểu thuyết của Ba Kim chia thành hai chủ đề lớn: Một là khám phá con đường tuổi trẻ tìm kiếm lý tưởng với các tác phẩm tiêu biểu như Cuộc đời mới, Bộ ba tiểu thuyết về Tình yêu gồm ba tập “Sương”, “Mưa”, “Chớp”…; hai là vạch rõ những hủ tục của chế độ phong kiến, phản ánh tội ác của xã hội quân phiệt với các tác phẩm “Mùa thu của Xuân Thiên Lý”, Bộ ba tiểu thuyết về Làn gió mới gồm “Gia đình”, “Mùa Xuân”, “Mùa Thu”.

Các tác phẩm trong thời kỳ này có ảnh hưởng mạnh đối với xã hội.

Năm 1934, Ba Kim sang Nhật Bản, viết các tiểu thuyết “Thần”, “Quỷ”, “Người” với giọng văn nhẹ nhàng, hòa hoãn hơn trước.

Ông có nhiều cống hiến tích cực trong phong trào Văn thơ mới những năm 1930 – 1940.

Bậc thầy trên văn đàn
Trung Quốc - Ba Kim.

Trong những năm kháng chiến chống phát xít Nhật, phong cách của Ba Kim thay đổi, chuyên miêu tả nhân vật trong đời thường, thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc với các tác phẩm “Điềm Viên” (tạm dịch: Khu vườn tĩnh lặng), “Phòng bệnh thứ tư”, “Đêm lạnh”…

Từ năm 1958 đến 1962, ông cho xuất bản Ba Kim văn tập gồm 14 cuốn tiểu thuyết. Từ năm 1978 – 1986, nhà văn Ba Kim sáng tác 5 tập sách “Tùy tưởng”, “Phát hiện”, “Lời chân thật”, “Bị ốm” và “Vô đề” tổng kết những thăng trầm, mất mát trong những năm tháng của cuộc Cách mạng văn hóa, vạch rõ những thiếu sót tâm lý của giới trí thức, ông đề xướng xây dựng bảo tàng cách mạng văn hóa và văn học hiện đại Trung Quốc.

Từ những năm 1980 đến nay, nhà văn Ba Kim đã trở thành đối tượng nghiên cứu văn học Trung Quốc thế kỷ 20 của giới nghiên cứu học thuật Trung Quốc. Năm 1982 – 1998 nhà văn Ba Kim liên tiếp đạt các giải thưởng “Văn học quốc tế Dante” của Italia, “Huân chương danh dự” của Pháp; tiến sĩ văn chương danh dự của Đại học Trung văn Hồng Công, danh hiệu Viện sĩ Viện Nghiên cứu văn học nghệ thuật Hoa Kỳ ở nước ngoài…

Nhận xét về nhà văn Ba Kim, diễn viên điện ảnh nổi tiếng Trương Thụy Phương và Tôn Đạo Lâm đóng vai chính Thụy Ngọc và Giác Tân trong bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết “Gia đình” của Ba Kim nói: “Khi Ba Kim còn sống, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc bởi tinh thần tự phê của ông thật vĩ đại, điều này khiến chúng tôi mở mang nhiều hơn”.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thượng Hải Triệu Trường Thiên bày tỏ, ấn tượng sâu sắc nhất của ông với nhà văn Ba Kim chính là “Ba Kim viết văn rất chân thành, dù tuổi tác đã cao, cử động khó khăn nhưng không bao giờ chịu tìm người viết thay hoặc đọc cho người khác viết, tất cả tác phẩm của mình đều do ông tự tay viết lấy”. Nhà thơ hiện đại nổi tiếng Trung Quốc Vu Kiên nhận xét “Di sản của Ba Kim cuối cùng chính là tư tưởng nhìn lại và tự phê chính mình”, tác phẩm của Ba Kim đã đạt tới “mức độ tối cao, không còn kỹ xảo, văn với người hòa nhập làm một thể, không còn sự khác biệt giữa những điều nhà văn trải nghiệm cuộc sống và những điều viết trong tác phẩm”.

Vì sao có bút danh “Ba Kim”?

Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhà văn đã dùng hơn 20 bút danh, nhưng nổi tiếng và nhiều nhất vẫn là bút danh Ba Kim.

Bút danh này xuất phát từ một câu chuyện tình cờ, trong thời gian du học ở Pháp, Ba Kim viết xong tác phẩm đầu tay “Diệt vong”, ông muốn gởi về xuất bản trong nước nhưng không muốn dùng tên thật là Lý Nghiêu Đường, nên dùng chữ Ba trong tên của một người bạn học Pháp đã tự tử là Baranpo. Lúc này một người bạn học môn Triết học thấy trên bàn Ba Kim có bản dịch Luân lý học của Crubaterkin nên đề nghị lấy chữ Kim làm tên.

Đây chỉ là một bút danh bình thường, tùy ý đặt ra, nhưng sau đó lại bị các phần tử cực đoan trong Cách mạng văn hóa Trung Quốc lợi dụng khép vào tội sùng bái chủ nghĩa vô chính phủ vì Ba là tên đầu của Bacunin và Kim là cuối tên Crubaterkin đều là những nhân vật tiêu biểu của chủ nghĩa vô chính phủ.