Lâu nay, vấn đề chữa trị chấn thương cho các VĐV bộc lộ nhiều bất cập và các VĐV chịu khá nhiều thiệt thòi. Nhiều VĐV hiện đang phải sống chung với các vết thương do không có đủ kinh phí để chữa trị dứt điểm, nhưng họ vẫn phải luyện tập để đi thi đấu. Vũ Thị Nguyệt Ánh là ví dụ điển hình. VĐV karate này là niềm tự hảo của thể thao VN khi giành huy chương vàng tại Asian Games Doha (Qatar) 2006.
Từ nhiều năm nay, chị bị chấn thương ở đầu gối do giãn dây chằng hành hạ với những cơn đau dai dẳng, nhất là khi vận động nặng do vết thương chưa được chữa trị khỏi dứt điểm. Dù đau như thế, nhưng Nguyệt Ánh vẫn không dám nghỉ thi đấu bởi nếu nghỉ thì cơ hộ để được điều trị càng khó hơn. Vì vậy, Ánh vẫn đang tích cực luyện tập để cuối năm đi thi đấu tại Seagames 26 được tổ chức tại Indonesia.
Với hàng nghìn VĐV như hiện nay, những chấn thương tương tự hoặc nặng hơn Vũ Thị Nguyệt Ánh không hiếm. Nhiều VĐV dù thuộc biên chế của các Liên đoàn nhưng khi bị chấn thương thì công tác điều trị hết sức chậm trễ. Nếu như với các cầu thủ bóng đá, chuyện phẫu thuật không quá khó khăn thì với những VĐV các môn thể thao thành tích cao, đa số không được tạo điều kiện một cách tốt nhất để chữa trị.
Hiện tại, cơ chế điều trị chấn thương cho VĐV dựa trên bảo hiểm và khả năng tự thanh toán của VĐV (nếu vượt khung bảo hiểm). Trong cả hai trường hợp này, cơ chế chi trả cho VĐV mang tính tùy biến, dựa vào thành tích của VĐV và mối quan hệ giữa các cơ quan chủ quản gồm các đoàn thể thao của các địa phương, các đoàn thể thao ngành, các liên đoàn thể thao và Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT). VĐV càng nổi tiếng, có nhiều thành tích thì cơ hội được đưa đi chữa trị sớm càng nhiều.
Bên cạnh bảo hiểm mà Tổng cục TDTT và các liên đoàn mua cho các VĐV, trước nay, các VĐV cũng được hưởng thêm các loại bảo hiểm ngắn hạn khi VĐV tham gia các giải đấu lớn. Ví dụ như tại Seagames 24, ngoài mức bảo hiểm trong thời gian thi đấu, tất cả các VĐV giành huy chương tại Seagames 24 đều được Công ty Bảo Việt Hà Nội bảo hiểm với mức chi trách nhiệm cao nhất là 50 triệu đồng trong năm 2008.
Tương tự, tại Đại hội thể thao trong nhà Châu Á lần thứ 3 (AIG III) được tổ chức tại VN, Bảo hiểm Bảo Việt đã nhận bảo hiểm cho đoàn thể thao VN với giá trị bảo hiểm trên 70 tỉ đồng, mức trách nhiệm bảo hiểm là 100 triệu đồng/người/vụ.
Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí VN (PVI) cũng có một thời gian đứng ra tài trợ 1 tỉ đồng để hỗ trợ chi phí chữa trị chấn thương cho các tuyển thủ quốc gia bóng đá nam (năm 2008). Trong đó, mỗi ca chấn thương được hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng.
Với việc thành lập Quỹ hỗ trợ vận động viên bị chấn thương, AVG là tổ chức đi tiên phong trong việc thể hiện trách nhiệm với xã hội của mình nói chung cũng như muốn đóng góp vào sự phát triển của thể thao VN nói riêng. Đây là một chủ trương đúng đắn, được Nhà nước khuyến khích và AVG đang cần nhiều tổ chức, cá nhân khác cùng tham gia để việc duy trì quỹ này được liên tục và tránh việc quỹ thiếu ngân sách.
Theo kế hoạch, Quỹ sẽ được vận động quyên góp, vận động tài trợ trong nước và nước ngoài nhằm thực hiện mục tiêu hoạt động cho Quỹ và tiếp nhận tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ theo đúng tôn chỉ mục đích của Quỹ và theo quy định của pháp luật.
Từ thực tế thiếu kinh phí nên thời gian qua Tổng cục TDTT vẫn đang tiếp tục ăn đong và luôn phải tìm nguồn hỗ trợ chi phí cho những chấn thương luôn có nguy cơ chấm dứt cuộc đời thi đấu của những VĐV chuyên nghiệp, đặc biệt là với VĐV không nằm trong danh sách đội tuyển quốc gia. Vì vậy, sự ra đời của Quỹ hỗ trợ vận động viên bị chấn thương thực sự là một tin tốt lành cho các VĐV, đem lại nhiều lợi ích cũng như niềm tin cho VĐV, để họ yên tâm tập luyện, thi đấu hết mình, đóng góp cho thể thao nước nhà.