Hỏi: Xin Thủ tướng cho biết đánh giá về ý nghĩa và kết quả của quá trình hợp tác Á - Âu gần một thập kỷ qua?
Trả lời: Ra đời khoảng tám năm trước đây, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) đã có những bước tiến có ý nghĩa, đưa ASEM trở thành một tiến trình đối tác liên châu lục quan trọng trong thế giới ngày nay.
Sự giao lưu giữa châu Á và châu Âu đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, song quan hệ đối tác mới giữa hai châu lục chỉ thực sự được xác lập cùng với sự ra đời của các quốc gia độc lập ở châu Á; đó là mối quan hệ dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.
Các thành viên ASEM từ cả phía châu Á và châu Âu là những nước có tiềm năng và vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước này có thể góp phần quan trọng vào sự phồn vinh của hai châu lục, đồng thời thúc đẩy sự hình thành quan hệ quốc tế mới, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển.
Với đặc thù là diễn đàn "không chính thức", "đa phương diện" và "đối tác bình đẳng", lần đầu tiên trong lịch sử đã hình thành một cơ chế đối thoại thường xuyên, cởi mở từ cấp cao đến cấp bộ trưởng, các quan chức Chính phủ, các nhà khoa học, hoạt động văn hóa, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên cả ba kênh: đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa, góp phần gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau.
Những biện pháp tăng cường liên kết kinh tế, nhất là "Kế hoạch Hành động Thuận lợi hóa Thương mại" (TFAP) và "Kế hoạch Hành động Xúc tiến Ðầu tư" (IPAP), đã tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại, tài chính và đầu tư. Các dự án trị giá khoảng trên 80 triệu USD của "Quỹ Tín thác ASEM" giúp các nước thành viên châu Á khắc phục ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998 là một hình thức hợp tác thiết thực.
Sự hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, môi trường, giao lưu nhân dân, đặc biệt là hơn 300 hoạt động của Quỹ Á - Âu thu hút khoảng 15.000 công dân Á - Âu tham gia, đã đóng góp đáng kể cho việc củng cố nhịp cầu giao lưu, hữu nghị giữa hai châu lục.
Như vậy là so với những mục tiêu mà các nhà sáng lập ASEM đề ra, chặng đường đã qua của Diễn đàn ASEM đã đem lại những kết quả rất có ý nghĩa, tạo nền tảng quan trọng cho sự hợp tác liên châu lục Á - Âu đi vào Thiên niên kỷ mới.
Hỏi: Xin Thủ tưởng cho biết, Hội nghị cấp cao ASEM-5 có ý nghĩa như thế nào đối với Tiến trình ASEM?
Trả lời: Hội nghị cấp cao ASEM-5 diễn ra vào thời điểm hội tụ nhiều nhân tố cả bên trong và bên ngoài đòi hỏi ASEM phải có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Cục diện thế giới và ở từng khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng, tạo ra những cơ hội mới đan xen với những thách thức mới.
Trên thế giới còn nhiều xung đột, căng thẳng, khủng bố đe dọa sự ổn định, an ninh và phát triển của các dân tộc. Dưới tác động của những tiến bộ khoa học - công nghệ và quá trình toàn cầu hóa, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng, nền kinh tế thế giới bước vào thời kỳ phát triển mới về chất nhưng vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng. Các vấn đề toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi phải có hợp tác quốc tế để cùng nhau giải quyết.
Liên hiệp châu Âu tiếp tục mở rộng, kết nạp thêm 10 thành viên mới, tăng cường nhất thể hóa; ASEAN bao gồm cả 10 quốc gia ở Ðông - Nam Á, đang phấn đấu nhằm hình thành cộng đồng kinh tế, cộng đồng an ninh và cộng đồng văn hóa; sự hợp tác Ðông Á được đẩy mạnh.
Trong khi đó, tiềm năng hợp tác to lớn của hai châu lục chưa được phát huy đầy đủ; tính hiệu quả của sự hợp tác ASEM phần nào bị hạn chế bởi những khác biệt về lợi ích, thứ tự ưu tiên, cũng như trình độ phát triển của các thành viên.
Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết các thành viên ASEM đều mong muốn đổi mới Diễn đàn ASEM để đưa sự hợp tác, nhất là hợp tác kinh tế, đi vào chiều sâu, nhằm khai thác đầy đủ hơn tiềm năng, nâng cao sức sống và tính hấp dẫn của Diễn đàn.
Vì vậy, đề xuất của Việt Nam về chủ đề của cấp cao Hà Nội là "Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động và thực chất hơn" được các thành viên ASEM hoàn toàn nhất trí.
Một trong những nỗ lực lớn của các thành viên ASEM là phối hợp với Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà để đi tới đồng thuận về việc đồng thời kết nạp ba nước thành viên mới của ASEAN là Cam-pu-chia, Lào và Myanmar và 10 nước thành viên mới của EU vào ASEM và tham gia ASEM-5, qua đó khẳng định thêm sức sống và tiếng nói của ASEM trên trường quốc tế.
Với việc kết nạp thêm 13 thành viên, ASEM-5 sẽ là cấp cao mở rộng đầu tiên của ASEM với sự tham dự của 39 thành viên, đánh dấu bước phát triển mới cả về chất và lượng của Diễn đàn.
"Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế Á - Âu chặt chẽ hơn" và "Tuyên bố ASEM về đối thoại văn hóa - văn minh" sẽ là những cam kết chính trị mạnh mẽ ở cấp cao đối với sự hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Các Tuyên bố này sẽ vạch ra những định hướng dài hạn cũng như những biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu này.
Tại cấp cao Hà Nội, các vị lãnh đạo cũng sẽ đi sâu trao đổi ý kiến về các vấn đề tương lai của ASEM, trong đó có những biện pháp cải tiến cách thức hoạt động trong những năm tới, nhất là sau khi thành viên được mở rộng. Việc khai trương mạng thông tin ASEM ngay trước cấp cao là một biện pháp thiết thực tăng cường hiệu quả hợp tác và nâng cao hình ảnh của Diễn đàn.
Với những ý nghĩa đó ASEM-5 được tổ chức tại Hà Nội ngày 8, 9-10-2004 sẽ không chỉ đơn thuần là cuộc gặp cấp cao lần thứ năm của các vị đứng đầu Nhà nước, Chính phủ của nhiều nước ở hai châu lục mà còn là hội nghị đầu tiên của sự đổi mới, đưa tiến trình ASEM trở thành tiến trình đối tác toàn diện, bình đẳng cùng có lợi giữa hai châu lục trong các thập kỷ tới.
Hỏi: Theo đánh giá của Thủ tướng, quá trình ASEM nói chung và Hội nghị cấp cao ASEM-5 có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam? Là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao ASEM, Việt Nam đã làm gì để Hội nghị thành công?
Trả lời: Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của ASEM và đã đóng góp ngày càng chủ động hơn cho hợp tác Á - Âu, mà việc đăng cai Hội nghị cấp cao ASEM-5 là sự đóng góp tích cực nhất cho tới nay. Ngay từ đầu, hợp tác Á - Âu luôn chiếm vị trí xứng đáng trong toàn bộ đường lối, chính sách đối ngoại của Ðảng và Nhà nước ta. Việc tham gia tích cực vào sự hợp tác Á - Âu đem lại những lợi ích thiết thực cho đất nước chúng ta.
Triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế và khu vực theo tinh thần "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển", nước ta không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước thành viên ASEM.
Nhờ vậy, chúng ta đã củng cố thêm môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, mở rộng thị trường, thu hút thêm nhiều vốn đầu tư, công nghệ và kiến thức quản lý kinh tế, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các thành viên ASEM đều là những đối tác, thị trường, nguồn đầu tư và viện trợ phát triển hàng đầu của nước ta, chiếm tới trên 80% quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế của Việt Nam.
ASEM-5 sẽ là cơ hội hiếm có để tiếp xúc, thỏa thuận về những phương hướng hợp tác mới, nhất là trong dịp này, lãnh đạo nhiều nước sẽ tiến hành các cuộc tiếp xúc và thăm song phương ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ đa phương, vừa qua chúng ta đã tranh thủ được sự trợ giúp kỹ thuật của các thành viên ASEM thông qua các dự án "Quỹ Tín thác ASEM" nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng xã hội của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính ở khu vực năm 1997-1998; nhiều sự trợ giúp thông qua Quỹ ASEM.
Ðồng thời, nước ta cũng đã có những đóng góp quan trọng cho hợp tác ASEM, mà nổi bật là việc ta đã đảm nhận tốt vai trò điều phối viên (2000-2004) và đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực như sáng kiến về "Kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cộng động" (1999), "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ASEM" (1998), "Xây dựng thể chế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa" (2002)...
Chính từ nhận thức về vai trò và ý nghĩa của Tiến trình ASEM nói chung cũng như cấp cao ASEM-5 nói riêng, Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể để bảo đảm thành công của Hội nghị.
Ta đã đề xuất chủ đề Hội nghị được các thành viên nhất trí thông qua. Cũng theo đề nghị của ta, cấp cao Hà Nội sẽ xem xét thông qua các Tuyên bố về việc thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế và đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh, đề ra những định hướng và biện pháp thắt chặt hơn quan hệ hợp tác Á - Âu. Chúng ta sẽ đề xuất và tham gia đồng tác giả nhiều sáng kiến mới, ví dụ về công nghệ thông tin, công nghệ sạch, phòng, chống HIV/AIDS.
Là điều phối viên ASEM trong hai kỳ liên tiếp và là nước chủ nhà ASEM-5, ta đã chủ động phối hợp với các điều phối viên ASEM khác cũng như các thành viên ASEM trong việc tìm giải pháp thỏa đáng cho việc kết nạp các thành viên mới. Cấp cao mở rộng đầu tiên của ASEM tại Hà Nội là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước tiến quan trọng mới của hợp tác ASEM.
Ta đã tổ chức thành công nhiều hoạt động "bên lề" cấp cao như Diễn đàn Nghị viện, Diễn đàn Công đoàn, Diễn đàn Thanh niên, Diễn đoàn Nhân dân cùng nhiều hoạt động văn hóa phong phú. Một Diễn đoàn doanh nghiệp cũng sẽ diễn ra trong dịp cấp cao họp.
Chúng ta đã hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ về lễ tân, văn hóa, tuyên truyền, hậu cần, an ninh, nhằm bảo đảm Hội nghị diễn ra thuận lợi. Các thành viên ASEM và bạn bè quốc tế đều đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác chuẩn bị cho sự kiện tầm cỡ quốc tế này.
Tất cả những nỗ lực trên sẽ góp phần quảng bá cho hình ảnh của đất nước ta - một đất nước yên bình, phát triển năng động, một thành viên tích cực của cộng đồng Á - Âu và cộng đồng quốc tế. Tôi mong rằng các tầng lớp nhân dân ta sẽ góp phần cùng Chính phủ bảo đảm cho Hội nghị thành công, làm cho bạn bè quốc tế càng thấy rõ con người Việt Nam giàu lòng mến khách, lịch sự, văn minh.
Với những đóng góp và sự chuẩn bị chủ động của ta và sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các thành viên, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, Hội nghị cấp cao ASEM-5 sẽ thành công, mang đậm dấu ấn Việt Nam, góp phần đưa quan hệ đối tác giữa hai châu lục lên một tầm cao mới theo hướng sống động hơn, thực chất, thiết thực và hiệu quả hơn.