Áp lực từ niềm tin!

Cộng đồng doanh nghiệp đã vươn lên với tinh thần bền bỉ, vượt khó trong suốt năm 2023 vừa qua. Dù trong khó khăn, có thời điểm họ đã dao động, thậm chí sụt giảm về niềm tin, nhưng với mục tiêu tối thượng là phải "giữ doanh nghiệp, giữ người lao động", cộng đồng doanh nghiệp đã bình tĩnh và gắn kết cùng nhau tiến về phía trước.
0:00 / 0:00
0:00

Tinh thần đó đã giúp nhiều doanh nghiệp bứt phá mạnh mẽ ở chặng cuối năm 2023, thể hiện qua chỉ số vĩ mô, của từng ngành. Đây được cho là nội lực lớn giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể làm chủ tình hình trong năm 2024 vì dầu cho có khó khăn đến đâu cũng khó có thể hơn mấy năm vừa qua.

Mặt khác, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp luôn là cả hệ thống chính trị, là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khi quyết liệt, bám sát các diễn biến của nền kinh tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thực tế, đằng đẵng hơn hai năm đối diện nhiều bất ổn toàn cầu kể từ sau đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan ngại trước những rủi ro ở trong và ngoài nước. Bên ngoài là những thách thức khó lường luôn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở lớn. Còn ở trong nước, không ít doanh nghiệp có cảm giác không nằm trong sự ưu tiên hỗ trợ của nhiều cơ quan, các cấp thực thi địa phương, dù biết cộng đồng doanh nghiệp luôn là đối tượng được đề cập ở các cấp chỉ đạo điều hành. Trên thực tế, có nhiều chương trình hỗ trợ của nhiều cấp, ngành được triển khai một cách khá hình thức, máy móc và người thực hiện thì nhiều khi dè dặt với tâm thế tự bảo vệ mình.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, 2024 là năm mà Chính phủ cần duy trì quyết liệt, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp do "sức khỏe" của họ thật sự bị bào mòn. Nếu không được vun đắp, sức lực của họ sẽ cạn kiệt. Nhưng sự hỗ trợ này phải tạo được sức lan tỏa từ Chính phủ đến bộ, ngành, cấp cơ sở.

Tinh thần "Năm quyết tâm" mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương đã được thể hiện một cách sinh động, cụ thể trong từng nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 02/2024/NQ-CP.

Khi chính quyền các địa phương thật sự vào cuộc, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức; quyết tâm thực hiện "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại…". Và đặc biệt, khi các chính sách "khoan thư sức dân", trong đó, tạo dòng tiền; giảm, giãn thuế phí, phát triển các doanh nghiệp dân tộc, tận dụng các cơ hội từ vị thế mới của đất nước đi vào đời sống, thì cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn đặt trọn sự tin tưởng vào bộ máy nhà nước và hết lòng chung sức hành động phụng sự xã hội.

Nhưng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là áp lực đặt nặng lên các cơ quan thực thi!