Theo đó, căn cứ vào kết quả thanh tra năm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa vừa qua, diễn biến tình hình giá sữa thời gian qua và hiện nay, đồng thời tham khảo giá sữa cùng loại trên thị trường các nước khu vực, Bộ Tài chính đã đưa ra mức trần đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, áp dụng kể từ ngày 1-6.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, sở dĩ Bộ Tài chính chỉ đưa ra bảng giá tối đa đối với 25 sản phẩm sữa trong vài trăm sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường, vì đây là 25 mặt hàng đang chiếm hơn 60% thị phần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, việc áp giá trần không phải chỉ dành cho 25 mặt hàng này mà là áp giá cho toàn bộ các sản phẩm sữa.
Đối với những sản phẩm sữa khác đang lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý giá đã có văn bản 6544/BTC-QLG hướng dẫn cách tính giá bán buôn tối đa dựa trên các sản phẩm có tương quan gần nhất về trọng lượng, quy cách đóng gói, thông tin chất lượng sản phẩm... đã được ấn định trong danh sách 25 sản phẩm sữa nêu trên. Với những sản phẩm sữa đưa ra thị trường sau thời điểm áp dụng giá trần, thì cũng áp theo giá trần của sản phẩm tương quan gần nhất.
Những sản phẩm sữa có thay đổi về mẫu mã, hàm lượng và tên gọi, doanh nghiệp phải đăng ký và cơ quan quản lý giá có quyền kiểm tra theo phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.
Mức giá trần không phân biệt sữa ngoại nhập hay sữa sản xuất trong nước, mà được chiểu theo phương pháp so sánh với sản phẩm tương quan gần nhất để đưa ra mức trần phù hợp.
Lý giải cho những khẳng định về việc các doanh nghiệp sẽ khó “lách luật” sau khi áp dụng giá trần, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính phân tích: “Lấy thí dụ như cách “lách luật” tinh vi nhất là thay đổi trọng lượng, giảm bớt thành phần dinh dưỡng, thì cũng không thực hiện được vì giá trần sữa được áp cho những sản phẩm có trọng lượng, thành phần dinh dưỡng cụ thể, chứ không áp chung chung nên khi doanh nghiệp thay đổi trọng lượng, thì đã có công thức tính toán dựa trên trọng lượng giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa tương quan gần nhất. Còn khi sản phẩm sữa được thay đổi hàm lượng về chất đạm, chất béo, thì Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp cơ quan có thẩm quyền để xác định chất lượng sữa, rồi dùng phương pháp so sánh với sản phẩm tương đương ở thị trường trong nước, quốc tế và phương pháp chi phí để đưa ra giá trần phù hợp. Hay ngay cả trường hợp doanh nghiệp lấy lý do chi phí vận chuyển về vùng sâu, vùng xa khó khăn để tăng giá sữa cũng là phạm luật, bởi theo quy định, mức giá bán lẻ là giá trần bán buôn cộng thêm 15% nữa".
Ông Nghĩa khẳng định, với mức trần Bộ Tài chính đưa ra, doanh nghiệp chỉ có quyền giảm hơn, chứ tăng hơn là phạm luật. Khi cơ quan chức năng cùng phối hợp, quyết liệt triển khai, việc doanh nghiệp “lách luật” khó có cơ hội diễn ra.
Như vậy, việc Bộ Tài chính áp dụng giá trần đối với các sản phẩm sữa từ ngày 1-6 sẽ là món quà ý nghĩa đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi kinh doanh cho các hộ bán lẻ, mức giá trần sẽ được áp dụng sau đó 20 ngày.
Áp với giá sữa trên thị trường hiện nay, mức giá trần Bộ Tài chính công bố đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phổ biến nhất trên thị trường có thể giảm từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng/hộp.