Áp dụng công nghệ tưới tưới tiết kiệm nước giúp tăng năng suất cây trồng

NDO -

Hiện nay, nhiều địa phương đang khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, nhân dân sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm góp phần giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng. Ở nhiều địa phương, các mô hình áp dụng công nghệ này đang phát huy hiệu quả, từ đó giúp bà con nông dân tăng thu nhập.

Ông Trương Hoàng Trung, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk giới thiệu mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà-phê. (Ảnh: Công Lý)
Ông Trương Hoàng Trung, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk giới thiệu mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà-phê. (Ảnh: Công Lý)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, đến nay, cả nước có khoảng 530 nghìn ha cây trồng cạn đang áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có hơn 181.000 ha, Tây Nguyên hơn 142.000 ha, đồng bằng sông Cửu Long hơn 111.700 ha, Nam Trung Bộ hơn 44.000 ha…

Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với sử dụng hệ thống đường ống áp lực đã và đang đem đến sự đổi mới trong tư duy, cách làm thủy lợi ngay trên vùng đất dốc, vùng đồi núi, đất cát ven biển, sa mạc và hoang hóa. Trong đó, đã xuất hiện những mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà-phê, hồ tiêu và cây ăn quả trên đất dốc ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; mô hình tưới tiết kiệm nước cho 300 ha chuối trên đất đồi huyện Bảo Thẳng, tỉnh Lào Cai; mô hình tưới cho trên 50 ha rau, củ, quả trên vùng đất cát hoang hóa ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; hàng trăm mô hình tưới tiết kiệm nước cho rau quy mô hộ gia đình trên vùng đất cát huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Điều đáng nói, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt và thiết thực về sử dụng tài nguyên nước và đất. Cụ thể, tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 10 đến 80%, trong đó cây xoài từ 30 đến 50%; cam, bưởi từ 40 đến 50%; thanh long 60%; rau từ 35 đến 73%; tăng mức độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 10 đến 70%; nâng cao thu nhập cho nhân dân từ 10 đến 50%...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, đến nay trên địa bàn có hơn 4.000 ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, trong đó có hơn 3,5 nghìn ha tưới phun mưa cục bộ, gần 60 ha tưới nhỏ giọt bình thường, 370 ha tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân và 134 ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước qua nhà lưới, nhà kính. Qua thống kê, áp dụng công nghệ này giúp tăng năng suất cây trồng từ 40 đến 50%, giảm chi phí công lao động để tưới, chăm sóc từ 70 đến 80%, lượng nước tiết kiệm so với trồng truyền thống giảm từ 60 đến 80%, tăng giá trị sản xuất từ 30 đến 45%, tăng thu nhập từ 20 đến 40%.

Đến cuối năm 2021 diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 44.265 ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 21% diện tích canh tác cần tưới. Việc áp dụng công nghệ này cho cây trồng cạn nhất là cây rau, hoa có giá trị kinh tế cao đã tiết kiệm khoảng 30% lượng nước tưới so với tưới truyền thống.

Theo kinh nghiệm đánh giá người dân và doanh nghiệp, việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm còn tiết kiệm phân bón, giảm công chăm sóc, giảm chi phí quản lý vận hành, thuận tiện cho việc cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm và thu nhập của người dân.

Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có 64 thành viên với diện tích canh tác hơn 55 ha, trong đó có 35 ha ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Nhờ sự hỗ trợ của UBND tỉnh, hợp tác xã đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây măng tây xanh kết hợp tưới tiên tiến tiết kiệm nước gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp giúp năng suất, chất lượng đạt cao và sản phẩm được tiêu thụ ổn đinh, đem lại hiệu quả kinh tế gia đình cho các hộ thành viên. Trong đó, có gia đình chị La Thị Hoa là hộ nghèo tại địa phương khi tham gia hợp tác xã và sản xuất theo công nghệ tưới tiết kiệm nước. Đến nay, gia đình chị trồng được 2,5 sào măng tây với thu nhập năm 2020 khoảng 122 triệu đồng.

Mặc dù vây, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiện nay chưa thu hút được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã; việc đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chủ yếu vẫn do người dân, doanh nghiệp tự làm. Vai trò của các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy phát triển tưới tiến tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chưa thực sự rõ ràng, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ. Sản phẩm công nghệ, thiết bị tưới tiết kiệm nước tích hợp, nội địa hóa với giá thành thấp còn ít. Công nghệ, giải pháp kỹ thuật tạo nguồn phục vụ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn với tính khả thi cao để áp dụng rộng rãi trong thực tiễn phát triển chậm…

Ngay như tại tỉnh Tiền Giang, hiện nay diện tích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 21.000 ha. Mặc dù vậy, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên địa bàn cũng chưa phổ biến vì giá thành cao khiến tăng chi phí sản xuất; chưa có doanh nghiệp tham gia hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, chưa xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất nên giá cả còn bấp bênh, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, người dân ngại đầu tư nhân rộng.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn cả nước đạt từ 700.000 đến 800.000 ha. Để làm được điều này, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho một bộ phận cán bộ ở địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đào tạo, chuyển giao công nghệ về tưới tiết kiệm nước gắn với khuyến nông, xây dựng nông thôn mới; xây dựng, triển khai nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo vùng, miền…