Từ thung lũng Ðá Rơi
Tĩnh Túc xưa kia theo tiếng Tày gọi là Thin Tốc, nghĩa là Ðá Rơi. Mà đúng là nhiều đá thật. Tôi đi trên con đường chênh vênh bên sườn núi, ngước lên thấy thăm thẳm những đá là đá. Trời đang vào tiết thu. Trên chóp núi, vẫn những vạt sương trắng xóa, nên thung lũng này còn được gọi là "thung lũng mây trắng", vì sương mù bao phủ suốt mùa đông, kéo sang tận cuối xuân năm sau. Chẳng thế mà ngày nào lên đây, nhạc sĩ Trần Chung đã tìm thấy cảm hứng để sáng tác bài hát Nắng về trên Mỏ thiếc Tĩnh Túc nổi tiếng, và trong ca từ có câu: "Em thấy nắng về trên đỉnh núi - Mây mù tan đón ánh mặt trời...". Cụ Trần Thiệp, 82 tuổi, nguyên Phó Giám đốc mỏ, kể với tôi: "Ôi trời, ở đây rét ghê rét gớm. Thời chúng tôi lên đây xây dựng mỏ mới, thiếu quần áo ấm, thiếu chăn, phải đốt lửa trắng đêm. Có hôm, chậu nước để trong nhà, sáng ra đóng băng nổi váng. Rồi đói. Ðói đến nỗi rảnh ra là lại phải vào rừng đào củ mài"...
Mỏ thiếc Tĩnh Túc được khai thác từ năm 1889, đến nay có tuổi thọ 118 năm (người Pháp khai thác 52 năm, người Nhật khai thác hai năm, mỏ ngừng khai thác 5 năm và Nhà nước ta khai thác đến nay là 59 năm). Tổ chức đảng ở đây được thành lập từ năm 1930. Cụ Tạ Hiển, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Ðảng ủy Mỏ kể, khi san gạt mặt bằng xây dựng mỏ, công nhân thấy có bộ hài cốt mà xương ống tay và xương ống chân vẫn bị còng xích sắt; bộ hài cốt khác thì phần xương sọ có chiếc đinh xuyên từ đỉnh đầu đến quai hàm. Những hiện vật này đang lưu giữ ở bảo tàng tỉnh. Phải chăng, đó là hài cốt của những chiến sĩ cộng sản, hoạt động ở khu mỏ, bị địch tra tấn dã man và đã anh dũng hy sinh (?)...
Tĩnh Túc thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Ðường vào Tĩnh Túc bây giờ khá tốt, có xe khách, không còn như trước đây, công nhân nghỉ phép phải đi bộ 65 cây số mới ra được thị xã Cao Bằng; hoặc đi bộ hơn 80 cây số, qua đèo Colea, qua Hà Hiệu mới tới đường số 3 về xuôi. Mà ngày ấy đường lên đây rất xấu, lên dốc xuống đèo, mặt đường gồ ghề lồi lõm, toàn "ổ trâu, ổ gà". Cụ Nông Văn Tây, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1986, nguyên Tổ trưởng Tổ tời dây, Anh hùng Lao động năm 1985 kể, thời kỳ "rực lửa", khu mỏ thật hoành tráng với những công trình hiện đại do Liên Xô giúp xây dựng, như nhà tuyển trung tâm với bốn hệ thống tuyển, lò luyện thiếc phản xạ, hệ thống tời dây 2km, hệ thống bơm... Cơ sở vật chất phục vụ đời sống công nhân cũng đầy đủ và hiện đại như nhà ăn, câu lạc bộ, sân vận động... Gặp chúng tôi, thoạt tiên cụ Bùi Thị Soi, người Nùng, năm nay 73 tuổi, đã rót rượu mời. Cụ nguyên là thợ lái máy gạt, lái ô-tô của mỏ, là Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Cụ nói, nay già yếu rồi, một bữa chỉ uống vài "quai" để ăn cho ngon, ngủ cho ngon, chứ trước đây, khi còn làm mỏ, cụ uống rượu bằng... nắp phích! Rồi cụ kể về thời oanh liệt của mình. Thời trẻ, cụ nặng hơn 70 ký, dân mỏ thường gọi là "chú" Soi. Thấy bên Trung Quốc phụ nữ lái máy gạt, "chú" Soi cũng đòi đi học lái máy gạt. Nhưng văn hóa của "chú" mới lớp một, học sao được! Nhưng rồi cứ học theo kiểu chuyền tay, "chú" Soi đã trở thành công nhân lái máy gạt xuất sắc. Lần khác, "chú" xin đi nhờ xe về quê, người lái xe từ chối. Tức quá, "chú" Soi xin đi học lái ô-tô. Khi ấy văn hóa của "chú" cũng dừng lại ở mức độ đọc thông viết thạo, ai dám cho học lái xe. Vậy thì "chú" có cách học của "chú". Hễ có cơ hội là "chú" xin các anh lái, leo lên ca-bin xe bò tót học... mót! Hôm đi thi sát hạch để lấy bằng lái, "chú" đánh chiếc xe bò tót kềnh càng ra thị xã trước sự kinh ngạc của các giám thị và thí sinh. Nhưng văn hóa của "chú" vẫn lớp một. Thì đây, "chú" ôm vô-lăng cho xe tiến, lùi, xe sang phải sang trái ngon lành. Còn "đánh pan" à, "chú" giải quyết tất. Thử hỏi, cả Cao Bằng, ngoài cánh lái xe mỏ, đã ai lái được xe bò tót như "chú" Soi! Vậy là các giám thị quyết định cho "chú" đỗ. Từ đó, "chú" chính thức được lái xe bò tót trên mỏ, rồi lái xe đường dài chở quặng thiếc xuống tận Hải Phòng...
Nụ cười sơn cước
Thị trấn Tĩnh Túc bây giờ là dãy phố sầm uất với dân cư hơn năm nghìn người, trong đó chủ yếu là các gia đình thợ mỏ. Gia đình các chị Kim Xuân, Phó Chánh Văn phòng công ty; chị Mai Hương, kỹ sư tuyển khoáng học ở Nga về, hiện làm Trưởng phòng Kế hoạch - Ðầu tư công ty... có hai thế hệ làm mỏ. Thậm chí, có gia đình như gia đình anh Thành, lái xe có tới bốn thế hệ làm việc ở mỏ.
Phố Tĩnh Túc không có biệt thự mà san sát những ngôi nhà kiến trúc giống nhau. Thật ra, đây là những dãy nhà tập thể, mỏ đã thanh lý cho công nhân, nay được các gia đình cải tạo lại. Là dân mặt phố nhưng không mấy người mở hàng quán. Ði dọc phố Tĩnh Túc và khu tập thể Nhà máy điện Tà Sa, nhìn những nụ cười của người thợ mà... thèm! Những nụ cười ấy không phải như câu hát "ôi, quá xinh!" trong ca khúc Nụ cười sơn cước của nhạc sĩ Tố Hải, mà là những nụ cười thanh thản đến lạ lùng. Nhà anh Vi Văn Dương, Phó Giám đốc, kiêm Quản đốc phân xưởng luyện thiếc và fero ở ngay mặt phố. Trong nhà có khá đầy đủ tiện nghi sinh hoạt thông dụng. Tôi hỏi anh Dương, bây giờ anh lo điều gì nhất? Anh cười phớ lớ rồi bảo rằng, chẳng lo gì. Vợ chồng anh đều đi làm trong công ty, lương chưa cao như các nơi nhưng đủ sống và có tích lũy; các con của anh ngoan, học giỏi. Hàng trăm công nhân do anh quản lý vẫn đủ việc làm, mức lương khá hơn hàng chục lần so với cái dạo mỏ còn gặp nhiều khó khăn. Rồi anh kể, trước đây, Tĩnh Túc chỉ sản xuất thiếc. Ðến khi tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt, nạn khai thác thiếc lại tự do hoành hành, thiết bị thì già nua cũ nát, công nghệ lạc hậu, mỏ đã đứng trước nguy cơ đóng cửa, công nhân thiếu việc làm, đời sống nhiều gia đình đã đứng bên bờ vực của sự nghèo đói. Trước tình hình đó, mỏ mở thêm nghề luyện fero (một phụ gia quan trọng trong công nghệ luyện thép), khai thác quặng sắt, luyện gang, sản xuất than không khói, sản xuất điện... Bây giờ công nhân làm không hết việc. Mỏ thiếc Tĩnh Túc nay đã phát triển thành Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của mỏ hằng năm đạt tới 15%; doanh thu năm nay có khả năng đạt hơn 500 tỷ đồng (năm 2002 doanh thu mới đạt 80 tỷ đồng); thu nhập bình quân theo đầu người toàn công ty năm nay đạt ba triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập ấy không phải là cao so với nhiều nơi khác, nhưng ở Tĩnh Túc như thế là tạm ổn, vì giá cả không đắt đỏ như miền xuôi, công nhân có đất tăng gia,... mọi người cố gắng làm việc thì mức sống sẽ còn cao hơn.
Ðến Nhà máy thủy điện Tà Sa, chúng tôi cũng gặp những nụ cười vô tư, thanh thản như thế. Anh Lưu Minh Ích, công nhân vận hành nhà máy cho biết, gia đình anh có ông, bố, mẹ và vợ chồng anh đều làm việc ở Tà Sa. Thu nhập của gia đình hiện chủ yếu phụ thuộc lương công nhân, nhưng anh thấy không phải lo lắng nhiều lắm. "Tích tiểu thành đại", ngoài thu nhập từ lương, gia đình anh còn tăng gia thêm. Rồi quanh năm không mất điện vì "của nhà làm ra", không lo mất nước, không lo con cái đua đòi mà hư hỏng, không lo tắc đường kẹt xe, không lo ô nhiễm môi trường, không lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm...
Xin được nói thêm, những năm gần đây, ngành luyện kim của công ty, gồm luyện gang, luyện thiếc và luyện các loại fero, phát triển mạnh. Sự phát triển ấy một phần nhờ nguồn điện năng "của nhà làm ra". Ðược biết, điện năng tiêu thụ để luyện một tấn thiếc hoặc fero các loại rất lớn. Nếu theo giá điện lưới quốc gia thì để luyện một tấn fero tốn khoảng 7 triệu đồng tiền điện, chiếm gần 50% giá thành. Từ nhiều năm nay, các nhà máy thủy điện ở Tà Sa, Na Han, Bản Bắc và Nà Ngàn không những cung cấp đủ điện cho công nghệ luyện kim của công ty, mà còn phục vụ sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc ở địa phương. Do vậy, công ty chủ trương tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một nhà máy thủy điện nữa và cải tạo nâng cấp các nhà máy thủy điện đã có; đồng thời đầu tư xây dựng đường dây điện 35 kV Tĩnh Túc - Tà Ða - thị xã Cao Bằng để đáp ứng nhu cầu điện năng cho sự phát triển công nghệ luyện kim của công ty. Nghĩa là từ điện, năng suất của mỏ sẽ còn tăng cao, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được giải quyết theo hướng nâng cao mức sống của công nhân và phát triển các hoạt động văn hóa tinh thần, phát triển hệ thống trường học cho con em cán bộ, công nhân đang làm việc tại mỏ. Và rồi, cuộc sống cứ theo đó mà đi lên...
Rời miền đất mỏ của những con người đáng mến, tôi không thể quên được những nụ cười, nhớ mãi niềm vui sống thanh thản và làm việc hồ hởi của những người thợ ở miền sơn cước xa xôi. Rồi lại nhớ tới câu thơ của Bàn Tài Ðoàn "Cô thợ người Nùng ngồi vặn máy/ Nhìn cô và máy ngỡ nhìn hoa"...