Ảnh hưởng của Nga đối với giá dầu

Khi giá dầu thô tăng lên mức kỷ lục gần 123 USD/thùng vào ngày 6 – 5 vừa qua, các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân tức thời là do có những lo ngại nguồn xuất khẩu từ Nigeria và khu vực miền bắc Iraq có thể bị gián đoạn do các hành động bạo lực và phá hoại. Thậm chí sự giảm sút nhỏ về nguồn cung từ những nơi như thế này cũng có thể khiến giá dầu tăng, bởi vì chỉ duy nhất A-rập Xê-út có khả năng để bù đắp cho sự sụt giảm như vậy, nhưng dường như là nước này không muốn làm như thế.

Tuy nhiên, để hiểu rõ tại sao nguồn cung lại trở nên hạn hẹp như vậy so với nhu cầu thì cần phải xem xét thực tế tình hình hoạt động của ngành dầu khí Nga, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới.

Theo Ngân hàng Citibank của Mỹ, trong bảy năm qua, Nga cung cấp 80% mức tăng sản lượng dầu bên ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Mức tăng sản lượng dầu mỏ của Nga vào những năm đầu của thập kỷ này đáp ứng mức tăng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và Ấn Độ gần như chính xác tới từng thùng. Tuy nhiên, vào tháng 4 vừa qua, sản lượng dầu mỏ của Nga giảm trong tháng thứ tư liên tiếp. Mức sản lượng hiện nay thấp hơn 2% so với mức đỉnh 9,9 triệu thùng/ngày vào tháng 10 năm ngoái. Trước đó, mức tăng sản lượng dầu mỏ của Nga đã thu hẹp dần, do vậy sự suy giảm sản lượng nói trên đã không trở thành một tâm điểm gây chú ý.

Ông Leonid Fedun, phó chủ tịch Lukoil, một hãng sản xuất kinh doanh dầu của Nga, nhận định sản lượng dầu của Nga sẽ không bao giờ vượt quá 10 triệu thùng/ngày. Và chính quan điểm cho rằng không còn trông chờ được nữa vào Nga để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng là một nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng mạnh và liên tục phá kỷ lục trong thời gian gần đây.

Các nhà phân tích cho rằng, dầu khí từng là nền tảng giúp nền kinh tế Nga tăng trưởng mạnh dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nay đang là một mối bận tâm của Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev, người từng là chủ tịch tập đoàn khí đốt Gazprom do Nhà nước kiểm soát.

Họ cho rằng, nguyên nhân sản lượng dầu mỏ của Nga giảm sút không phải là do vấn đề về mặt địa chất, mà là do chính sách thuế.

Xét về mặt trữ lượng, sản lượng dầu của Nga vẫn có thể tăng trong những năm tới. Theo hãng dầu mỏ BP của Anh, hiện Nga có nguồn trữ lượng dầu mỏ lớn thứ bảy thế giới với 80 tỷ thùng. Các nhà đầu tư dầu mỏ dự đoán sẽ có thêm 100 tỷ thùng được thăm dò phát hiện tại Nga.

Tuy nhiên, theo họ, chính sách thuế đối với ngành dầu mỏ của Nga đã gây trở ngại chính cho đầu tư vào ngành này.

Nhà phân tích Anisa Redman đang làm việc cho Tập đoàn Ngân hàng Hồng Công và Thượng Hải (HSBC) của Anh nói: "Thuế là trở ngại chính". Chính phủ Nga áp đặt thuế suất xuất khẩu dầu thô là 65% đối với mức giá dầu hơn 25 USD/thùng. Cùng với các khoản thuế phải nộp khác, các doanh nghiệp "mất đi" khoảng 92% lợi nhuận.

Các nhà quản lý của công ty TNK-BP (liên doanh giữa hãng BP với một đối tác Nga) cho rằng chi phí tăng lên trong lĩnh vực khai thác, sản xuất dầu sẽ khiến nhiều khoản đầu tư vào Nga không mang lại lợi nhuận, trừ phi chính sách thuế của Nga thay đổi. Liên doanh TNK-BP chiếm tới một phần năm tổng sản lượng của BP, nhưng chỉ mang lại cho BP một phần mười tổng lợi nhuận.

Chính phủ Nga giảm thuế cho việc khai thác dầu từ các mỏ dầu cũ. Do vậy, hiển nhiên là các hãng dầu mỏ đang tập trung khai thác hết khả năng tại những mỏ dầu này.

Cho tới gần đây, việc tập trung khai thác những mỏ dầu này vẫn là ưu tiên của Nga. Đây là những mỏ dầu từng bị hư hại sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, và đã được khôi phục tương đối dễ dàng với chi phí thấp. Bằng cách đo lường những mỏ dầu này một cách chính xác hơn, lắp đặt máy bơm mới, đưa nước và hóa chất vào các giếng để duy trì áp lực, các hãng dầu mỏ tư nhân đã có khả năng nâng sản lượng của Nga từ 6 triệu thùng/ngày lên gần 10 triệu thùng/ngày, chủ yếu tại miền tây Siberia. Chỉ riêng trong năm 2003, sản lượng dầu đã tăng 12%.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chiến lược này giờ đây không còn phù hợp và đang làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.

Ông Leonid Fedun nói, việc khai thác các mỏ dầu ở miền tây Siberia đã ở mức sản lượng tới hạn. Để sản lượng dầu mỏ của Nga tăng trở lại, các công ty phải đầu tư lớn vào việc thăm dò khai thác các mỏ dầu mới ở những vùng xa xôi như miền đông Siberia và khu vực Sakhalin.

Cũng đã có sự tăng trưởng nhất định về sản lượng khai thác ở những khu vực này, chủ yếu nhờ những dự án ít nặng thuế hơn, được gọi là "những thỏa thuận chia sẻ sản lượng" mà Chính phủ đã đưa ra vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước nhưng từ đó đến nay mức tăng này ngày càng thu hẹp và cuối tháng trước sản lượng khai thác từ các dự án này đã giảm.

Hiện nay, nhiều công ty dầu mỏ đang chờ đợi Chính phủ Nga thay đổi chính sách thuế đối với lĩnh vực thăm dò, khai thác và kinh doanh dầu.

Ông Fedun nói, chẳng hạn như, Lukoil đang đầu tư 10 tỷ USD mỗi năm, nhưng trong đó khoảng 30% vào sản xuất khí đốt, lĩnh vực hiện được coi là "béo bở" hơn dầu thô, do giá khí trong nước tăng và thuế giảm. Hãng này cũng đầu tư vào lĩnh vực lọc dầu, bởi vì thuế xuất khẩu xăng và diesel thấp hơn so với dầu thô. Rosneft, công ty dầu mỏ nhà nước lớn nhất của Nga cũng đang lừng thừng trong việc triển khai các dự án mới, đắt đỏ. Các công ty khác đang tích lũy lợi nhuận để đợi chính sách thuế của Nga thay đổi.

Năm ngoái, Chính phủ Nga đã giảm thuế khoảng 4,5 tỷ USD. Nhưng các công ty dầu mỏ cho rằng, mức này hoàn toàn chưa đủ để giữ sản lượng ổn định.

Trong bài phát biểu nhậm chức thủ tướng trước Duma (Hạ viện Nga) vào ngày 8 – 5 vừa qua, ông Putin nói, thuế trong ngành dầu khí phải được cắt giảm.

Tuy nhiên, có thể phải mất một thập kỷ để phát triển các mỏ dầu mới.

Chính phủ Nga cũng tuyên bố, trong tương lai, các công ty nước ngoài thăm dò khai thác các mỏ dầu dưới vùng biển của Nga ở Bắc Cực sẽ chỉ được nắm phần vốn tối thiểu trong các dự án lớn.

Ông Fedun nói: "Sản lượng dầu sẽ do Chính phủ Nga quyết định".

Theo ông Chris Weafer, chiến lược gia hàng đầu của ngân hàng Uralsib và cũng là nhà quan sát nước Nga, hiện Nga phụ thuộc nhiều vào dầu khí hơn lúc nào hết. Theo Viện Phân tích kinh tế của Nga, phần đóng góp của dầu khí trong tổng sản phẩm quốc nội của Nga đã tăng hơn gấp đôi từ năm 1999 và hiện chiếm hơn 30%. Dầu khí hiện đóng góp 50% nguồn thu ngân sách và 65% kim ngạch xuất khẩu của Nga.

Trường Sơn

Theo Tạp chí Anh Nhà kinh tế