Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống bộ đội Pháo Cao xạ (1/4/1953-1/4/2023)

Anh hùng Tô Vĩnh Diện trong ký ức của người em kết nghĩa

Ðại tá Trần Quốc Chân đã về với thế giới người hiền, tuy nhiên, trong ký ức chúng tôi luôn nhớ câu chuyện ông kể trong nước mắt ngày nào về Anh hùng Tô Vĩnh Diện, người anh kết nghĩa, người đồng hương, đồng chí kiên trung đến giây phút cuối cùng.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Trung đoàn 224 (Ðoàn Tô Vĩnh Diện), Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân) luyện tập phương án sẵn sàng chiến đấu.
Bộ đội Trung đoàn 224 (Ðoàn Tô Vĩnh Diện), Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân) luyện tập phương án sẵn sàng chiến đấu.

Ðầu Xuân năm 2014, tôi tình cờ gặp Ðại tá Trần Quốc Chân (nguyên Trung đội trưởng Trung đội 8, người trực tiếp chỉ huy Khẩu đội Tô Vĩnh Diện), khi ông đang lặng lẽ ngồi bên khẩu pháo vừa được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Phòng không-Không quân, ông đã kể cho chúng tôi nghe chuyện về Anh hùng Tô Vĩnh Diện.

Từ những ngày ở quê hương Thanh Hóa

Tháng 3/1945, tôi rời quê mình ở Trường Thi, Thanh Hóa để lên đường vào bộ đội. Sau một thời gian, tôi được điều động về Ðại đội 879 quân chủ lực tỉnh đội Thanh Hóa, sau đó được điều động về hoạt động tại thôn Dược Khê, xã Nông Cống, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và ở ngay trong nhà của cụ Tô Huy. Khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, ở quê tôi lúc đó cán bộ Việt minh từ Chiến khu Ngọc Trạo về thâm nhập làng tôi là làng Cầu Sùng, xã Ðông Thọ, huyện Ðông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Lãnh đạo đã bí mật thông qua các anh, các chị lớn tuổi đứng ra tổ chức đội du kích chuẩn bị sẵn lực lượng để khi có thời cơ là nổi dậy giành chính quyền.

Vào khoảng năm 1947-1948, khi ấy tôi là Tiểu đội trưởng của bộ đội Thanh Hóa. Tôi đã được đến ở nhờ gia đình đồng chí Tô Vĩnh Diện, ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, nay là huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Khi tôi ở đó, anh Tô Vĩnh Diện không có nhà, anh đang đi ở tá điền chăn trâu cắt cỏ, cày bừa cho một gia đình địa chủ ở thôn khác. Thỉnh thoảng anh mới về nhà. Tôi và anh gặp nhau.

Cũng như anh Tô Vĩnh Diện, tuổi thơ của tôi cũng đầy khó nhọc, tôi không được ăn học mà đi bán các loại chổi xể, chổi đót rong ruổi suốt ngày trên đường, có khi đi làm phu hồ gánh vôi, gánh gạch ngói cho nên nắng gió đã nhuộm da tôi thành mầu đen. Ðến khi tôi vào du kích, có người còn hỏi: “Chú Ðen cũng vào du kích à?”... Ðại tá Trần Quốc Chân đang kể rồi lấy tay áo lau nước mắt và kể tiếp: “Cụ thân sinh ra Tô Vĩnh Diện là cụ Tô Huy. Cụ rất quý anh em chúng tôi và coi tôi như con nuôi. Nhớ có lần nhà chật, giường chiếu không có, phải ra hè nằm dưới đất. Khi tôi vừa định đặt lưng xuống thì ông cụ vào nhà lấy ra cái nong to, đưa cho tôi rồi bảo, con nằm vào cái nong này cho đỡ lạnh. Ðêm ngủ bên hiên nhà, nằm trên một chiếc nong mà sao tôi thấy lòng mình ấm áp vô cùng”.

Vụ Mận thôn nổ ra và cả thôn Mận bị vây hãm trong đó có Tô Vĩnh Diện. Theo lệnh của cấp trên, tôi cùng đơn vị nhanh chóng giải cứu nhân dân. Tô Vĩnh Diện cũng được giải cứu và sau đó anh đi bộ đội luôn.

Sau nhiều năm ở tỉnh đội Thanh Hóa, đến năm 1954, tôi được cử đi học pháo cao xạ tại Trung Quốc. Học xong tôi được điều động về Tam Dương, Trung Quốc, rồi do yêu cầu cách mạng lúc bấy giờ, chúng tôi trở về nước. Tôi được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội 2, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.

Những ngày ở chiến trường Điện Biên Phủ

Ðại tá Trần Quốc Chân kể: Trên đường kéo pháo vào trận địa năm 1954, tôi gặp lại Tô Vĩnh Diện. Mừng lắm, dẫu những ngày tháng ấy chúng ta bị thương vong tổn thất rất nhiều, nhưng để bảo đảm bí mật đến cuối cùng, dù bị máy bay giặc bắn phá đến như thế nào đi nữa các đơn vị cũng không được nổ súng. Những ngày tháng đó, tôi và mọi người chỉ biết gạt nước mắt khi đồng đội hy sinh. Càng hy sinh thì ý chí quyết phải giữ bí mật đến cùng để trả thù cho đồng đội ngã xuống càng được tăng lên.

Rồi chưa đánh được trận nào thì cấp trên lệnh kéo pháo ra.

Tôi còn nhớ như in cái ngày hôm ấy.

Ðêm buông xuống, khẩu đội Tô Vĩnh Diện nhận lệnh “kéo pháo ra”. Ðúng lúc khẩu pháo 37 ly rời khỏi nơi trú ẩn, bám vào “đường kéo pháo số 0” thì địch nã pháo từ Mường Thanh lên, máy bay dội bom trên trời xuống. Anh em nằm rạp tránh. Lực giữ pháo yếu đi và... dây tời đứt. Khẩu pháo lăn qua chèn, chiến sĩ Lê Văn Chi lái càng phía taluy âm bị hất xuống vực. Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo bên taluy dương, chuyển sang taluy âm cản pháo... Khi pháo lao xuống, tôi bị chân pháo gạt bay ra xa. Tôi nhổm đầu cố bò lên thì nhìn thấy chỉ còn duy nhất Tô Vĩnh Diện dùng vai tì vào càng đẩy, nhưng trọng lượng cộng với lực lao quá lớn, sức người có hạn nên Tô Vĩnh Diện đã nằm ngang thân bánh pháo, đế pháo đè lên đầu anh.

Hành động chợt lóe ấy chính là khoảnh khắc định mệnh... Anh Tô Vĩnh Diện và chiếc mũ sắt đã chặn đứng khẩu pháo đang theo đà xuống vực. Tôi phát lệnh chèn lìm. Khi tôi bò lên và lao xuống dùng xẻng đào thấp đế pháo và lôi được đầu anh Diện ra thì anh chỉ còn thoi thóp thở. Tôi đặt anh lên đùi mình, dù sức cạn nhưng môi anh mấp máy trong hơi thở thì thào đủ để một người em như tôi hiểu “Pháo có còn không?”. Tôi bảo: Anh ơi... anh ơi...! Pháo an toàn rồi. Anh ấy nhắm nghiền mắt. Chúng tôi tức tốc đưa anh về trạm xá Tẩu Pung (xã Nà Nhạn), nhưng anh Tô Vĩnh Diện đã hy sinh trên đường đến trạm xá. Lúc đó là 22 giờ ngày 28 tháng Chạp (tức ngày 1/2/1954).

Sau phút bàng hoàng, toàn khẩu đội hô vang lời thề bằng mọi giá đưa pháo xuống “khỏe mạnh”, để hẹn ngày mang pháo vào, giã đòn thù lên đầu giặc. 5 giờ sáng cùng đêm, khẩu pháo có hồn, cốt, máu, xương của anh Tô Vĩnh Diện được đồng đội đưa thành công xuống tập kết tại hủm Nước Xoáy, để hôm sau kịp dự lễ truy điệu người anh hùng kiên trung, quả cảm - Kể đến đây Ðại tá Trần Quốc Chân bật khóc.

Hiện dẫu Ðại tá Trần Quốc Chân không còn, nhưng ánh mắt rạng ngời của người lính pháo khi kể về người anh kết nghĩa, người đồng đội của mình vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Tấm gương dũng cảm hy sinh của Tô Vĩnh Diện được truyền đi khắp mặt trận. Ðó không chỉ là nguồn cổ vũ sức mạnh vô cùng to lớn để bộ đội Pháo Cao xạ nói riêng và mặt trận năm ấy nói chung tiến lên tiêu diệt địch tại sào huyệt cuối cùng mà cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.